Cuộc chiến Gaza: Tiến trình đàm phán ngừng bắn đang ở đâu?

Ngày 18.8, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã trở lại Trung Đông trong nỗ lực thúc đẩy các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau nhiều tháng đàm phán chưa có kết quả. Các bên dự kiến sẽ tổ chức một vòng đàm phán cấp cao khác tại Ai Cập vào cuối tuần này. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều bế tắc khiến hy vọng vào một thỏa thuận trở trên xa vời.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Tel Aviv, Israel ngày 18.8 trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán ngừng bắn. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Tel Aviv, Israel ngày 18.8 trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán ngừng bắn. Ảnh: AP

Nỗ lực cuối cùng

Ngoại trưởng Blinken đã đến Israel ngày 18.8, với nỗ lực được các nhà hòa giải coi là động thái cuối cùng để đạt được một thỏa thuận trong cuộc đàm phán sẽ diễn ra tại Cairo, Ai Cập vào cuối tuần này. Ông gặp Thủ tướng Israel Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Tổng thống Isaac Herzog vào ngày 19.8 trước khi đến Ai Cập vào ngày 20.8.

Cuối tuần trước, ba quốc gia làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn (bao gồm Mỹ, Ai Cập, Qatar) đã báo cáo về những tiến triển của một thỏa thuận, theo đó Israel chấp nhận chấm dứt hầu hết các hoạt động quân sự ở Gaza và thả một số tù nhân Palestine để đổi lấy việc Hamas thả các con tin đang bắt giữ.

Một viên chức cấp cao đi cùng Blinken cho biết chuyến đi của ông đến khu vực này diễn ra vào "thời điểm quan trọng" trong các cuộc đàm phán ngừng bắn và Bộ trưởng sẽ nỗ lực hết sức thúc đẩy tất cả các bên nhanh chóng chấm dứt tình trạng đau khổ của người dân ở Gaza và ngăn chặn xung đột nhấn chìm khu vực này.

Tuy nhiên, ngay trước khi Blinken đến Tel Aviv, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói trong một cuộc họp Nội các rằng có những vấn đề Israel có thể linh hoạt và những vấn đề mà Israel phải kiên quyết. "Chúng tôi đang tiến hành đàm phán chứ không phải là một kịch bản mà chúng tôi chỉ nhượng bộ", ông nói.

"Liều thuốc" giúp hạ nhiệt toàn khu vực

Một thỏa thuận ngừng bắn được kỳ vọng giúp chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu nhất từng xảy ra giữa Israel và Palestine, cuộc xung đột đã gây bất ổn cho Trung Đông và làm bùng nổ các cuộc biểu tình trên toàn thế giới.

Cho đến nay, cuộc tấn công của Israel nhằm vào Gaza đã khiến hơn 40.000 người Palestine ở Gaza thiệt mạng, theo các viên chức y tế địa phương. Phần lớn dân số đã phải di dời, thường là nhiều lần. Hàng trăm nghìn người chen chúc trong các trại lều tồi tàn, lĩnh vực y tế đã sụp đổ phần lớn và toàn bộ các khu phố đã bị xóa sổ .

Cuộc chiến cũng làm bùng phát những căng thẳng tích tụ ở khu vực, khi lực lượng Hezbollah ở Lebanon, một đồng minh của Hamas, liên tục tiến hành các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào Israel. Nước này đáp trả bằng các cuộc không kích và pháo binh. Bạo lực đã leo thang, buộc hàng chục nghìn người ở biên giới giữa Israel và Lebanon phải rời bỏ nhà cửa.

Mới đây, Hezbollah đã tuyên bố sẽ thực hiện một cuộc tấn công mạnh mẽ hơn để đáp trả vụ ám sát Fouad Shukur, một trong những chỉ huy cấp cao của nhóm này bị Israel tiêu diệt trong một cuộc không kích vào tháng trước tại Beirut.

Mối quan hệ giữa Iran và Israel cũng căng như dây đàn sau khi Iran đe dọa trả thù cho vụ giết hại thủ lĩnh Hamas hàng đầu Ismail Haniyeh trong một vụ nổ ở Tehran mà nước này khẳng định cho Israel đứng đằng sau.

Với những căng thẳng hiện nay, một thỏa thuận ngừng bắn được kỳ vọng sẽ là liều thuốc hạ nhiệt ở tất cả các điểm nóng. Hezbollah từng cho biết, họ sẽ dừng các hoạt động dọc biên giới nếu Gaza ổn định. Một thỏa thuận ngừng bắn cũng có thể thuyết phục cả Hezbollah và Iran kiềm chế các cuộc tấn công trả đũa vào Israel.

Bế tắc chính hiện nay là gì?

Ngày 16.8, Hoa Kỳ và các nhà trung gian Ai Cập, Qatar cho biết họ đang tiến gần đến một thỏa thuận sau hai ngày đàm phán tại Doha. Các nhân vật tham gia cuộc đàm phán cho biết, Hoa Kỳ đã trình bày các đề xuất để thu hẹp khoảng cách trong lập trường của Israel và Hamas. Các phản hồi chính thức đối với bản phác thảo của Hoa Kỳ dự kiến sẽ có trong tuần này và nếu thành công có thể đưa đến một tuyên bố ngừng bắn trừ khi các cuộc đàm phán thất bại. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vẻ lạc quan rằng "chúng ta đang tiến gần hơn bao giờ hết".

Các bên trung gian và hai bên xung đột đã và đang xây dựng một dự thảo thỏa thuận bao gồm một tiến trình ba giai đoạn, trong đó Hamas sẽ trả tự do cho tất cả các con tin để đổi lấy việc thả các tù nhân Palestine, Israel rút quân khỏi Gaza và chấp nhận một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng ủng hộ đề xuất này trong bài phát biểu ngày 31.5. Ngay sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng thông qua nghị quyết nhất trí với thỏa thuận. Tuy nhiên, kể từ khi đó, Hamas đã đưa ra những kiến nghị "sửa đổi" và Israel đã yêu cầu "làm rõ" những yêu sách này. Hai bên đều cáo buộc đối phương đưa ra những yêu cầu mới mà họ không thể chấp nhận.

Cụ thể, Hamas muốn Israel bảo đảm rằng nước này sẽ không tiếp tục các hoạt động chiến tranh ngay sau khi đợt con tin đầu tiên (khoảng 30 người, gồm người bệnh, người già, trẻ em) được thả. Trong khi đó, Israel yêu cầu Hamas sẽ không cố tình kéo dài các cuộc đàm phán vô thời hạn trong giai đoạn thứ hai, thời điểm các con tin còn sống còn lại, bao gồm cả binh sĩ, sẽ được thả.

Trong những tuần gần đây, Thủ tướng Israel Netanyahu cũng yêu cầu quân đội nước này duy trì sự hiện diện ở dọc biên giới Gaza-Ai Cập để ngăn chặn tình trạng buôn lậu vũ khí; và dọc theo đường phân chia lãnh thổ để có thể khám xét người Palestine trở về nhà ở phía bắc để bảo đảm các chiến binh không xâm nhập. Mặc dù Israel khẳng định những yêu cầu này không mới, nhưng rõ ràng trong bản dự thảo mà Tổng thống Mỹ và HĐBA LHQ ủng hộ đều không đề cập đến việc triển khai quân này, mà đều yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn.

Một câu hỏi được quan tâm khác là phía Israel sẽ chấp nhận thả đối tượng tù nhân Palestine nào và liệu họ có bị lưu đày hay không.

Ai có tiếng nói quyết định đối với thỏa thuận ngừng bắn?

Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải có được cái gật đầu của Thủ tướng Israel Netanyahu và ông Yahya Sinwar, người đã chỉ đạo vụ tấn công ngày 7.10 và vừa thay thế ông Haniyeh làm Thủ lĩnh Phong trào Hamas.

Ông Netanyahu phải đối mặt với áp lực dữ dội từ gia đình các con tin và phần lớn công chúng Israel yêu cầu ông nhanh chóng đạt được thỏa thuận với Hamas để đưa toàn bộ con tin trở về. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cực hữu trong liên minh của ông đã đe dọa sẽ lật đổ chính phủ nếu ông nhượng bộ quá nhiều. Đây là điều ông Netanyahu sẽ cố gắng né tránh bởi nếu Chính phủ của ông bị lật đổ, Israel sẽ phải tiến hành một cuộc bầu cử Quốc hội sớm và nhiều khả năng ông có thể để mất ghế Thủ tướng.

Trong khi đó, tân Thủ lĩnh Sinwar của Hamas là một nhân vật kiên trì theo đuổi đường lối cứng rắn trong suốt các cuộc đàm phán. Ông cũng đứng đầu danh sách truy nã gắt gao nhất của Israel.

Hoạt động và hành tung của ông Sinwar hoàn toàn được giữ bí mật. Trong quá khứ, các nhà đàm phán của Hamas phải mất nhiều ngày mới có thể gửi đề xuất cho Sinwar và nhận được phản hồi của ông. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi công việc soạn thảo đề xuất mới nhất hoàn tất, có thể phải mất một tuần hoặc hơn nữa để Hamas chính thức phản hồi.

Trong khi đó, người dân ở Gaza đang dần kiệt sức và tuyệt vọng trước khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Hồi tháng 5, nhận được thông tin về việc Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và LHQ ủng hộ, người dân Gaza đã tổ chức ăn mừng. Nhưng những hy vọng đó đã sớm bị dập tắt.

Các nhóm cứu trợ và cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi các bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận, coi đó là cách duy nhất để đảm bảo thực phẩm và viện trợ nhân đạo cần thiết có thể tiếp cận được Gaza. Các chuyên gia đã cảnh báo về nạn đói và nguy cơ bùng phát của các bệnh như bại liệt nếu chiến tranh kéo dài.

Quỳnh Vũ (Theo AP, Times)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/cuoc-chien-gaza-tien-trinh-dam-phan-ngung-ban-dang-o-dau--i384647/