Cuộc chiến giá dầu ở Ấn Độ giữa Nga và Saudi Arabia

Đến tháng 6, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ đứng sau Iraq...

Mỗi bãi chứa những thùng đựng dầu ở Faridabad, Ấn Độ - Ảnh: Bloomberg.

Mỗi bãi chứa những thùng đựng dầu ở Faridabad, Ấn Độ - Ảnh: Bloomberg.

Một trận chiến quyết liệt đang diễn ra ở Ấn Độ, khi dầu Nga được bán với giá rẻ hơn nhiều so với dầu Saudi Arabia - một đồng minh của Nga trong liên minh OPEC+. Nhờ mức giá “mềm”, dầu Nga đang tăng nhanh thị phần tại một trong những quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, hãng tin Bloomberg cho hay.

Phân tích của Bloomberg dựa trên số liệu của Chính phủ Ấn Độ cho thấy trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, dầu thô Nga liên tục rẻ hơn dầu Saudi Arabia, với khoảng cách chênh lệch tăng lên mức khoảng 19 USD/thùng trong tháng 5. Đến tháng 6, Nga đã vượt qua vương quốc vùng Vịnh để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ đứng sau Iraq.

Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng mạnh nhập khẩu dầu thô từ Nga trong bối cảnh các nước phương Tây quay lưng lại với dầu Nga kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Ấn Độ nhập khẩu khoảng 85% lượng dầu mà nước này tiêu thụ, nên giá dầu Nga rẻ giúp mang lại một sự giải tỏa các áp lực kinh tế mà Ấn Độ phải đối mặt khi lạm phát leo thang và thâm hụt thương mại cao kỷ lục.

Kim ngạch nhập khẩu dầu của Ấn Độ tăng lên mức 47,5 tỷ USD trong quý 2 năm nay, khi giá dầu thế giới tăng mạnh đồng thời với nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở nước này gia tăng – theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ. Cùng kỳ năm ngoái, hóa đơn nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ là 25,1 tỷ USD, khi cả giá dầu và lượng nhập khẩu cùng thấp. Gần đây, giá dầu thế giới giảm do mối lo suy thoái kinh tế, giảm bớt gánh nặng đối với người tiêu dùng toàn cầu, trong đó có người tiêu dùng ở Ấn Độ,

“Các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ đang cố gắng mua loại dầu thô rẻ nhất có thể mà vẫn phù hợp với hệ thống máy móc và cấu hình sản phẩm của họ”, chuyên gia Vandana Hari thuộc Vanda Insights ở Singapore phát biểu. “Dầu thô Nga hiện đang phù hợp với nhu cầu đó. Saudi Arabia và Iraq đang mất thị phần ở Ấn Độ vì họ đang chuyển hướng sang cung cấp nhiều hơn cho thị trường châu Âu”.

Chênh lệch giá giữa dầu Nga và dầu Saudi Arabia thu hẹp trong tháng 6, nhưng dầu Nga vẫn đang rẻ hơn khoảng 13 USD/thùng, bình quân ở mức khoảng 102 USD/thùng. Hồi tháng 3, dầu Nga còn cao hơn trên 13 USD/thùng so với dầu Saudi Arabia, dù phần lớn nguồn cung dầu hàng tháng của Ấn Độ đã được chốt hợp đồng trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine vào cuối tháng 2. Năm 2021, Saudi Arabia là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ nhì cho Ấn Độ, Nga đứng thứ 9.

Iraq là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ, duy trì vị trí này đến tháng 6 năm nay – theo dữ liệu mới nhất. Trong tháng 5, dầu thô Iraq bán cho Ấn Độ đắt hơn khoảng 9 USD/thùng so với dầu Nga, nhưng trong các tháng khác từ đầu năm đến nay, dầu Iraq đều rẻ hơn dầu Nga.

Kể từ tháng 3, nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ đã tăng gấp 10 lần.

Tuần này, Saudi Arabia tăng giá dầu bán cho khách châu Á lên mức cao kỷ lục - một dấu hiệu cho thấy nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới nhận thấy thị trường dầu ở khu vực này vẫn đang thắt chặt. Bloomberg cho biết, giá dầu nhẹ Arab được hãng dầu khí quốc doanh Saudi Arabia giao tới khách hàng châu Á trong tháng 9 sẽ cao hơn 9,8 USD/thùng so với giá dầu Trung Đông tiêu chuẩn. Chênh lệch này tăng 0,5 USD/thùng so với mức chênh trong tháng 8.

Giá dầu thế giới gần đây giảm vì mối lo suy thoái toàn cầu, nhưng nhiều nước sản xuất dầu lớn đang gặp trở ngại trong việc nâng sản lượng khai thác dầu. Một báo cáo ra tuần này của ngân hàng Goldman Sachs cho biết nhu cầu dầu của thế giới đang lớn hơn khoảng 2 triệu thùng/ngày so với nguồn cung. Tại nhiều nước châu Á, nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn đang phục hồi sau thời gian phong tỏa do đại dịch.

“Hãy nhìn vào nhu cầu của thị trường ngoài Mỹ. Nhu cầu tại Ấn Độ đang rất mạnh, Trung Quốc cũng vậy”, Chủ tịch Bob McNally của công ty tư vấn Rapidan Energy Advisors phát biểu.

Quyết định tăng giá bán dầu cho châu Á được Saudi Arabia đưa ra chỉ một ngày sau khi OPEC+ đưa ra mức nâng sản lượng 100.000 thùng/ngày, thuộc hàng ít nhất trong lịch sử của liên minh, bất chấp nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm thuyết phục nhóm này tăng mạnh sản lượng để kéo giá dầu xuống.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga. Cùng với Nga, Saudi Arabia là thủ lĩnh không chính thức của OPEC+.

Saudi Arabia bán phần lớn dầu xuất khẩu sang châu Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản là những khách hàng châu Á lớn nhất mua dầu thô của nước này.

Quyết định giá bán dầu mà Saudi Arabia đưa ra hàng tháng được xem là chỉ báo quan trọng về thị trường dầu, và thường được nối tiếp bởi động thái tương tự từ các nước xuất khẩu dầu lửa lớn khác ở vùng Vịnh.

Bình Minh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cuoc-chien-gia-dau-o-an-do-giua-nga-va-saudi-arabia.htm