Cuộc chiến giá gạo đe dọa châu Á

Tình trạng dư thừa lúa gạo khiến nhiều nước châu Á phải chào bán giá rẻ để cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu gạo tại khu vực.

Theo Nikkei Asian Review, giá lúa mì và ngô tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến người tiêu dùng trên khắp thế giới. Nhiều người thậm chí không mua nổi bánh mì. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Á đang gặp phải vấn đề trái ngược. Tình trạng dư thừa gạo có thể ảnh hưởng tới doanh thu từ xuất khẩu của họ.

Thái Lan hiện đứng đầu danh sách các quốc gia phải đối mặt với tình trạng dư thừa gạo do thời tiết thuận lợi tại những khu vực trồng lúa ở châu Á. Các nước trong khu vực đang rơi vào cuộc chiến khốc liệt nhằm tìm kiếm người mua cho một lượng lớn gạo tồn kho.

Các nước châu Á có thể đối mặt với cuộc chiến giá gạo. Ảnh: Bloomberg.

Các nước châu Á có thể đối mặt với cuộc chiến giá gạo. Ảnh: Bloomberg.

Dư thừa gạo

"Một vụ mùa tốt ở một số quốc gia cho phép các nước xuất khẩu lớn, nhất là Ấn Độ và Pakistan, chào bán giá thấp để cạnh tranh", Nikkei Asian Review dẫn lời ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, bình luận.

Giá gạo ngược dòng với hầu hết mặt hàng thiết yếu khác. Với mức giá 420 USD/tấn, giá gạo 5% tấm Thái Lan chênh vài điểm phần trăm so với hồi đầu năm 2021. Cuộc chiến giá khốc liệt đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể mua giá rẻ hơn.

Để so sánh, cả giá lúa mì và ngô đều tăng hơn 40% trong năm nay do tình trạng gián đoạn nguồn cung vì xung đột và lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ.

Một vụ mùa tốt ở một số quốc gia cho phép các nước xuất khẩu lớn, nhất là Ấn Độ và Pakistan, chào bán giá thấp để cạnh tranh

Ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan

Trong khi đó, Ấn Độ đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã bán trung bình 22 triệu tấn gạo trong vài năm qua - gần bằng một nửa lượng gạo được mua bán trên toàn cầu.

Theo các thương lái, Ấn Độ có thể chào giá xuống 343 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức 388 USD của Paskitan và 418 USD của Việt Nam. Trong khi đó, Thái Lan phải bán với giá 420 USD/tấn vì chi phí sản xuất cao hơn.

"Giá gạo Thái Lan cao hơn 80 USD/tấn so với Ấn Độ và các nước khác", ông Charoen chia sẻ.

Nói với Nikkei Asian Review, một nhà xuất khẩu gạo lo ngại rằng đây sẽ là một năm tồi tệ. "Chúng tôi không biết giá có thể giảm sâu tới mức nào", người này bình luận.

"Điều đó sẽ buộc chính phủ Thái Lan đưa ra các kế hoạch can thiệp để hỗ trợ nông dân", nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nhận định.

Trong giai đoạn này, tồn kho gạo đã tăng lên mức cao nhất trong vòng vài năm, tương đương 1/3 nhu cầu hàng năm.

Trước đó, giới quan sát cho rằng gạo có thể trở thành lựa chọn thay thế khi giá lúa mì và ngô tăng cao, từ đó đẩy nhu cầu và giá bán đi lên. Tuy nhiên, trong những tuần qua, giá lúa mì và ngô đã sụt giảm phần nào.

Thiếu hụt phân bón

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giá gạo có thể đi lên do tình trạng thiếu hụt phân bón.

Nga là nước xuất khẩu nitơ lớn nhất thế giới. Nước này cũng đứng thứ 2 về xuất khẩu kali và thứ 3 đối với phốt pho. Đây đều là những thành phần quan trọng của phân bón. Các lệnh trừng phạt qua lại khiến phân bón trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn.

"Nếu giá phân bón tiếp tục tăng cao và nguồn cung bị gián đoạn, giá gạo có thể tăng theo lúa mì và ngô", ông Akio Shibata - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Nhật Bản - bình luận.

Thái Lan có thể dễ bị ảnh hưởng. Nông dân của nước này thường sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học đắt tiền. Mỗi năm, Thái Lan nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn phân bón.

 Tình trạng thiếu hụt phân bón có thể ảnh hưởng đến năng suất lúa ở châu Á. Ảnh: Bloomberg.

Tình trạng thiếu hụt phân bón có thể ảnh hưởng đến năng suất lúa ở châu Á. Ảnh: Bloomberg.

Khác với Thái Lan, Việt Nam đã dành nhiều năm để phát triển các giống lúa mới và kỹ thuật trồng lúa giúp giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó, Ấn Độ và Pakistan có thể tận dụng những vùng trồng lúa rộng lớn, quy mô kinh tế và nhân công giá rẻ.

Do đó, năng suất lúa của Thái Lan vẫn ở mức thấp, khoảng 454 kg/rai (1 rai tương đương 0,16 ha), so với 803 kg/rai của Việt Nam. Sự gián đoạn trong nguồn cung phân bón có thể khiến năng suất của Thái Lan giảm hơn nữa.

Hồi tháng 6, chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch cho phép các nhà đầu tư Thái Lan và nước ngoài phát triển mỏ kali đầu tiên để sản xuất phân bón trong nước. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều năm để mỏ này có thể đi vào hoạt động.

Ông David Beasley - Giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới - cảnh báo tình trạng thiếu hụt phân bón sẽ tác động tới đợt thu hoạch tại châu Á trong 12 tháng tới. Ông cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực toàn cầu.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chien-gia-gao-de-doa-chau-a-post1339222.html