'Cuộc chiến' giữa pháo hoa và drone

Máy bay không người lái đang dần thay thế pháo hoa trong các buổi trình diễn nghệ thuật ánh sáng trên không tại Mỹ, đặt các doanh nghiệp pháo hoa trước yêu cầu đổi mới.

 Pháo hoa đang phải cạnh tranh với các buổi diễn sử dụng máy bay không người lái. Ảnh: AP.

Pháo hoa đang phải cạnh tranh với các buổi diễn sử dụng máy bay không người lái. Ảnh: AP.

Như nhiều doanh nhân khác trong ngành công nghiệp pháo hoa, Stephen Vitale làm việc cho một công ty gia đình. Ông là chủ của Pyrotecnico - công ty đã truyền qua 5 đời tại bang Pennsylvania, Mỹ.

Hồi tháng 10/2022, Pyrotecnico đã đạt thỏa thuận liên minh bất ngờ với công ty máy bay không người lái Nova Sky Stories của doanh nhân Kimbal Musk, em trai tỷ phú Elon Musk, New York Times cho biết.

Máy bay không người lái (drone) được coi là lựa chọn thay thế mới hơn, “hợp mốt” hơn so với pháo hoa. Hơn thế nữa, loại hình nghệ thuật này còn an toàn hơn, gây ra ít tiếng ồn hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Các doanh nghiệp pháo hoa như Pyrotecnico bị đặt trước lựa chọn khó khăn: Liệu họ nên đầu tư số tiền đáng kể để tham gia ngành công nghiệp máy bay không người lái, hay có thể đánh cược rằng nhu cầu pháo hoa vẫn sẽ giữ vững trong tương lai?

Loại hình nghệ thuật mới

Các công ty pháo hoa Mỹ phụ thuộc vào dịp Lễ Quốc khánh 4/7 để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều sự kiện ăn mừng đã chuyển sang sử dụng máy bay không người lái.

Một số thành phố như Salt Lake, Utah hay Boulder, Colorado đã công bố kế hoạch dừng bắn pháo hoa vào dịp quốc khánh do lo ngại cháy rừng và ô nhiễm.

Tuy nhiên, một số nơi khác vẫn “trung thành” với pháo hoa khi cho rằng máy bay không người lái không phải là lựa chọn thay thế hợp lý. Thành phố Galveston (bang Texas) quay lại sử dụng pháo hoa sau khi đổi sang máy bay không người lái hồi năm ngoái.

Trên mạng xã hội, một số người phàn nàn rằng loại hình nghệ thuật chiếu sáng mới thiếu đi tiếng nổ giòn tai của pháo hoa.

 Máy bay không người lái trình diễn nhân dịp Vua Anh Charles III đăng quang. Ảnh: AP.

Máy bay không người lái trình diễn nhân dịp Vua Anh Charles III đăng quang. Ảnh: AP.

“Máy bay không người lái tinh vi hơn nhưng không thể tạo ra phản ứng giống (với pháo hoa)”, ông Chris Hopkins, đồng sở hữu một công ty cung cấp cả hai dịch vụ, nhận xét.

Máy bay không người lái đang ngày càng được sử dụng nhiều trong các buổi trình diễn trên không trung, từ Olympic Tokyo tới lễ đăng quang của Vua Anh Charles III.

Từ con số gần như bằng không chỉ một thập kỷ trước, giá trị của thị trường máy bay không người lái chiếu sáng nghệ thuật đã lên mức khoảng một tỷ USD năm 2021.

Ông Hopkins đầu tư vào máy bay không người lái từ năm ngoái. Theo ông, loại hình này có nhiều điều kiện để sáng tạo.

Thách thức bủa vây

Tuy nhiên, đây được coi là ván cược lớn: Mỗi máy bay có giá hơn 1.500 USD và một buổi trình diễn đẹp cần ít nhất 75 chiếc drone. Ngoài ra, công ty ông cần nộp đơn xin cấp phép lên cơ quan hàng không dân dụng liên bang Mỹ, cũng như thuê những người có khả năng vận hành.

Do đó, nhiều công ty pháo hoa vẫn không thay đổi mô hình kinh doanh trong bối cảnh họ cũng đang đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu lao động, giới chuyên gia dần nghỉ hưu hay phải chi ra khoản tiền lớn để đáp ứng các quy tắc.

“Tôi biết một số công ty đang làm vậy. Tôi cho rằng triết lý của chúng tôi là làm những gì mình làm tốt nhất”, bà Heather Gobet, quản lý một công ty pháo hoa gia đình tại bang Oregon, nói.

Bà Gobet, người mua lại công ty từ cha mẹ mình 8 năm về trước, cho rằng chi phí mua thiết bị, học hỏi kỹ năng và xin cấp phép vận hành máy bay không người lái là quá lớn. Thay vào đó, bà sẽ hợp tác với các công ty có dịch vụ trên nếu khách hàng yêu cầu.

Nhiều buổi diễn hiện nay kết hợp cả hai loại hình chiếu sáng. Khi đảng Dân chủ ăn mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, họ cũng sử dụng cả pháo hoa lẫn máy bay không người lái.

 Pháo hoa từng được coi là thứ không thể thiếu trong các buổi lễ mừng quốc khánh Mỹ. Ảnh: AP.

Pháo hoa từng được coi là thứ không thể thiếu trong các buổi lễ mừng quốc khánh Mỹ. Ảnh: AP.

Trong lĩnh vực quảng cáo, máy bay không người lái có thể làm những điều pháo hoa không làm được - như chiếu logo của một doanh nghiệp trên con phố đông đúc.

Theo ông Rick Boss - lãnh đạo Sky Elements, công ty đã hoạt động trong lĩnh vực máy bay không người lái gần ba thập kỷ, việc cạnh tranh sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, trong khi các công ty pháo hoa lớn có thể mở rộng ra các lĩnh vực khác, các công ty nhỏ sẽ gặp khó khăn.

“Có những công ty đang suy yếu, thậm chí bước ra khỏi thị trường. Điều này lại tạo ra cơ hội”, ông nói.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/cuoc-chien-giua-phao-hoa-va-drone-post1444517.html