Cuộc chiến khốc liệt của thực tập sinh tại Trung Quốc
Sinh viên của các trường đại học tại Trung Quốc phải rất khó khăn để tìm được một suất thực tập ở những tập đoàn hàng đầu. Họ dễ bị bóc lột vì những yêu cầu vô lý của cấp trên.
Tháng trước, một sinh viên tại Đại học Bắc Kinh đã đăng lời kêu cứu lên mạng xã hội. Cô nói rằng đang bị mắc kẹt với quá trình thực tập ở ByteDance, gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc và là chủ sở hữu của TikTok. Cô cho biết cấp trên từ chối nhận đơn xin thôi việc trừ khi tìm được hai người thay thế cô.
Bài đăng của nữ sinh này thu hút sự chú ý của các luật sư. Với sự giúp đỡ của họ, cuối cùng cô đã có thể nghỉ việc. Trong thông báo mới nhất, ByteDance khẳng định công ty chưa bao giờ đưa ra điều kiện vô lý như vậy khi nhân viên muốn từ chức.
Dù tính chất không nghiêm trọng như các vụ bê bối trong ngành công nghệ, sự việc này vẫn phản ánh phần nào cuộc chiến khốc liệt của thực tập sinh tại Trung Quốc, theo Sixth Tone.
Khi thực tập tại một số công ty lớn, sinh viên không được trả lương. Ngoài ra, họ còn bị yêu cầu trả tiền để có được một suất thực tập tại đó. “Cuộc giao dịch” này diễn ra giữa các tổ chức tìm kiếm việc làm, phòng tuyển dụng thực tập sinh và sau đó “bán” vị trí mong muốn cho sinh viên.
Một suất thực tập từ xa dao động từ 8.000-20.000 nhân dân tệ (1.250-3.100 USD), trong khi các vị trí làm việc tại công ty có thể rơi vào khoảng 20.000-50.000 nhân dân tệ, con số vượt xa mức lương trung bình hàng tháng ở Thượng Hải và Bắc Kinh.
Bị bóc lột, không trả lương
Khi được nhận, thực tập sinh sẽ làm việc như những nhân viên không chính thức. Vì không có các thỏa thuận từ trước hoặc hợp đồng ràng buộc, họ dễ bị bóc lột sức lao động.
Việc khai thác sinh viên thực tập của các công ty bắt nguồn từ môi trường công sở, hệ thống pháp luật và chính sách giáo dục của Trung Quốc. Trên hết, đó là hậu quả của sự mất cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường việc làm.
Khảo sát việc làm toàn quốc vào năm 2019 cho thấy 1/5 sinh viên vừa tốt nghiệp bị mất định hướng sau khi hoàn thành chương trình đại học.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục, năm 2021 có 9 triệu cử nhân vừa ra trường. Đại dịch đã khiến số người quay trở lại Trung Quốc tìm việc tăng vọt.
Cơ quan này đã thực hiện nhiều chính sách để giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với nguồn lực bằng cách mở rộng tuyển sinh vào các trường sau đại học. Tuy nhiên, sớm hay muộn, những sinh viên này cũng sẽ cần thời gian để hòa nhập vào một thị trường lao động ngày càng khắt khe.
“Báo cáo việc làm mùa thu năm 2020 cho sinh viên đại học” do trang tuyển dụng trực tuyến Zhaopin.com thực hiện đã chỉ ra rằng 75% công ty được khảo sát cho hay thực tập là một trải nghiệm tích cực.
Nhiều sinh viên đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội thực tập ngay từ năm nhất.
Song, các biện pháp bảo vệ pháp lý cho người thực tập đang không cân bằng so với nhu cầu ngày càng tăng.
Theo Sixth Tone, đây là nhóm dễ bị tổn thương và ít quyền lợi hơn nhân viên chính thức. Họ giống như “những chú vịt” trên thị trường lao động.
Quy định không chặt chẽ
Bộ Giáo dục quy định việc thực tập dành cho sinh viên trường nghề, chương trình vừa học vừa làm và hệ cử nhân.
Thay vì vạch ra các quy định về lương thưởng cho người làm thêm giờ, cơ quan này tuyên bố rằng “thực tập sinh bị cấm làm thêm giờ”. Do đó, khi sinh viên bắt buộc phải tăng ca, họ không có quyền đòi thêm tiền.
Về mặt pháp lý, các tòa án địa phương thường cho rằng thực tập không được coi là quan hệ lao động. Điều đó đồng nghĩa với việc hầu hết thực tập sinh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Lao động tại Trung Quốc.
Các trường đại học cũng phải chịu trách nhiệm về việc không quan tâm đến sinh viên của họ. Một số người đã chỉ trích sự thiếu liên kết giữa kế hoạch giảng dạy và thị trường việc làm.
Khi sinh viên cố gắng chuyển hóa kiến thức trên lớp thành những kỹ năng thực tế mà nhà tuyển dụng cần, cách duy nhất họ có thể làm là thông qua các kỳ thực tập.
“Ngày nay, phần lớn kỳ thực tập đều kéo dài ít nhất ba tháng. Nhưng các công ty thường muốn bạn làm việc lâu hơn. Nếu muốn có ba lần thực tập, điều đó rất khó thực hiện trừ khi bạn bỏ lớp”, một sinh viên nói với China Youth Daily.
Trên thực tế, các trường đại học đều không nắm bắt tình hình này và hiếm khi hướng dẫn cho sinh viên về cách sử dụng luật để bảo vệ quyền, lợi ích của mình.
Các trung tâm nghề nghiệp, tổ chức hội chợ việc làm coi vai trò của họ là kết nối với nhà tuyển dụng và điều phối việc thực tập chứ không phải nơi đào tạo sinh viên hoặc có trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết để tránh bị lợi dụng.
Rất ít sinh viên tốt nghiệp đã tham gia hoặc nghe nói đến các khóa đào tạo về quyền của người lao động do trường đại học tổ chức. Điều đó đã làm hạn chế nhận thức của họ về lợi ích khi đi làm, khiến họ nghĩ rằng việc đối xử không công bằng là sự hy sinh trên con đường đạt đến sự nghiệp thành công.
Wu Aihua, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Sinh viên Đại học thuộc Bộ Giáo dục, dự đoán rằng trong 10 năm nữa, Trung Quốc sẽ là nơi sinh sống của hơn 300 triệu cử nhân. Con số này cho thấy thị trường việc làm của đất nước đông dân nhất thế giới sẽ ngày càng khó khăn hơn, nhưng nó cũng là động lực để thay đổi.