Cuộc chiến Nga-Ukraine tái cấu trúc mạnh mẽ dòng chảy dầu thô toàn cầu
Ngay cả khi chưa có lệnh cấm chính thức, giới giao dịch và các nhà máy lọc dầu ở châu Âu, điển hình là những ông lớn như Shell, BP hay ExxonMobil, đều đã đi đến quyết định ngừng mua dầu của Nga.
Tuần trước, hãng TotalEnergies (Pháp) thuê một tàu chở dầu để vận chuyển dầu thô tới Anh. Đó là một giao dịch bình thường. Thế nhưng con tàu mang tên “Moscow Spirit” (Tinh thần Mosvka) sẽ tiếp nhận dầu thô hiệu Murban từ cảng Jebel Dhanna, thuộc Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE). Đây là chuyến tàu chở dầu đầu tiên từ UAE tới Anh trong vòng hai năm trở lại đây.
Bước đi này, xuất phát từ mục tiêu giảm nhập khẩu dầu thô từ Nga, là một tín hiệu cho thấy phương thức giao dịch dầu thô sẽ được tái định hình một cách cơ bản sau khi Nga can thiệp quân sự ở Ukraine. Là một nhà sản xuất dầu thô lớn của thế giới, nhưng UAE gần như không xuất dầu sang châu Âu. Năm 2020, lượng dầu thô và các sản phẩm xăng, dầu diesel UAE xuất sang châu lục này chỉ chiếm lần lượt 0,3% và 6% tổng xuất khẩu của UAE.
Đó cũng là xu hướng chung tại Trung Đông: chỉ có 16% xuất khẩu dầu thô của khu vực là sang châu Âu, rất nhỏ so với mức 77% xuất sang châu Á. Ngoại trừ Iraq và Saudi Arabia, các nhà sản xuất dầu thô ở Trung Đông hiếm khi bán dầu qua châu Âu. Nước Nga lại ở chiều hướng đối lập: 53% xuất khẩu dầu thô của Nga là tới châu Âu, chỉ có 33% có điểm đến là châu Á.
Nhưng thực tế đang thay đổi. EU trong tuần tới dự kiến sẽ công bố đề xuất áp dụng lệnh trừng phạt dầu thô nhập khẩu từ Nga theo giai đoạn, với mục tiêu chấm dứt nhập khẩu mặt hàng này của Nga vào cuối năm nay. Việc Điện Kremlin cắt khí đốt cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria khiến châu Âu phải tính toán bước đi đáp trả.
Ngay cả khi chưa có lệnh cấm chính thức, giới giao dịch và các tổ hợp lọc dầu ở châu Âu như Shell, BP và ExxonMobil đã dừng mua dầu thô của Nga, do lo sợ bị ảnh hưởng tới uy tín cũng như những rắc rối pháp lý tiềm tàng liên quan đến lệnh cấm vận. Anh, Mỹ, Canada và Australia – những đối tác không phải là nhà nhập khẩu dầu thô lớn của Nga, đã ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ chống Moskva.
Kỳ vọng hiện nay chính là việc dòng dầu từ Nga sẽ tái phân phối sang châu Á, nhất là với hai đối tác Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng đây không phải là công việc đơn giản. Dầu phẩm cấp cao Urals của Nga khá giống với các nhãn dầu thô ở Trung Đông, nhưng chứa nhiều tạp chất kim loại hơn, trong khi không phải tất cả các nhà máy lọc dầu tại châu Á đều có khả năng xử lý tạp chất này.
Khó khăn nghiêm trọng hơn nằm ở vấn đề logistics và tiếp cận thị trường. Hầu hết dầu thô của Nga xuất sang phương Tây đều đi qua bốn điểm chính: Cảng Murmansk ở phía bắc, trạm cung ứng Ust-Luga và Primorsk ở bờ biển Balitc và cảng Novorossiysk trên Biển Đen. Cùng với đó là tuyến đường ống Druzhba chạy xuyên qua Belarus và Ukraine để tới Ba Lan, miền Đông nước Đức và khu vực Trung Âu.
Tuyến đường ông Druzhba sẽ trở nên vô dụng nếu châu Âu áp lệnh trừng phạt dầu thô của Nga. Việc vận chuyển dầu từ Biển Đen đứng trước nguy cơ mất an toàn do xung đột tại Ukraine. Ngoài vận tải đường ống, dầu thô Nga thường được chuyên chở bằng các tàu chở dầu cỡ trung bình tới châu Âu. Trong khi quãng đường di chuyển tới châu Á sẽ dài gấp từ 5-6 lần, gây sức ép lớn đối với đội tàu chở dầu. Vì thế, có khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày từ Nga sẽ phải tìm được điểm đến ở châu Á, trong khi dầu thô từ Trung Đông sẽ thế chỗ dầu của Nga ở thị trường châu Âu.
Trước khi nổ ra chiến tranh ở Ukriane, tập đoàn Saudi Aramco, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới của Saudi Arabia, đã mua cổ phần tại nhà máy lọc dầu Gdansk – cơ sở lọc dầu lớn thứ hai ở Ba Lan. Saudi Aramco cũng đồng ý tăng lượng cung dầu thô cho Ba Lan. Chính điều này giúp Warsaw giảm phụ thuộc vào dầu thô Nga. Đức mới đây cũng đạt thỏa thuận với Ba Lan về sử dụng cảng và tuyến đường ống do Ba Lan vận hành để chuyển dầu thô sang miền đông nước Đức.
Cùng lúc, các nhà nhập khẩu tại châu Á có quan hệ hợp tác truyền thống, lâu đời với các nhà cung ứng tại vùng Vịnh, không sẵn sàng chuyển sang nhập hoàn toàn dầu thô từ Nga, với quãng đường vận chuyển dài hơn, độ tin cậy thấp hơn.
Những dịch chuyển chấn động trên thị trường năng lượng trước đây – như việc đóng cửa kênh đào Suez tronng các cuộc chiến tranh 1956, 1967 hay sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc tại các nước sản xuất dầu thô ở Trung Đông, bùng nổ tiêu thụ từ Trung Quốc… đều đã tái định hình dòng chảy dầu mỏ toàn cầu. Quá trình đó có thể tức thời, hoặc kéo dài trong nhiều năm. Nhưng lần này, đó sẽ là một cú dịch chuyển nhanh chóng và triệt để.