Vì sao Israel triển khai xe tăng đến Bờ Tây, lần đầu tiên sau 20 năm?

Ngày 23/2, Israel điều động một đội xe tăng đến Jenin - lần đầu tiên xe tăng được gửi đến Bờ Tây kể từ năm 2002. Quân đội Israel không còn tin rằng chỉ có lính bộ binh - và ngay cả không kích - là đủ.

Xe tăng quân đội Israel được triển khai gần cửa khẩu Shalom Kerem, miền Nam Israel, giáp giới Dải Gaza hồi tháng Năm năm ngoái. (Ảnh: THX/TTXVN)

Xe tăng quân đội Israel được triển khai gần cửa khẩu Shalom Kerem, miền Nam Israel, giáp giới Dải Gaza hồi tháng Năm năm ngoái. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quân đội Israel vào cuối tuần qua đã điều động xe tăng đến khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, lần đầu tiên sau hai thập kỷ.

Trong bối cảnh lệnh ngừng bắn tại Gaza, Israel đã gia tăng mạnh mẽ một chiến dịch quân sự tại các thành phố của Palestine ở Bờ Tây, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải di dời.

Kể từ sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, Israel đã thường xuyên tiến hành các cuộc không kích vào Bờ Tây - điều gần như chưa từng xảy ra trước đây.

Theo hãng tin CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Israel Katz, hôm 23/2 vừa qua cho biết ông đã chỉ đạo quân đội ở lại khu vực này trong một năm “để ngăn chặn các cư dân trở lại.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải hứng chịu sự chỉ trích nặng nề vì đề xuất trục xuất 2,1 triệu người Palestine khỏi Gaza. Tuy nhiên, như tờ báo Israel thiên tả Haaretz đã nêu trong một bài xã luận vào ngày 24/2: “Những gì Israel đe dọa sẽ làm ở Gaza, họ đang làm những điều đó ở Bờ Tây.”

Bờ Tây là gì?

Bờ Tây, một vùng lãnh thổ nằm phía Tây sông Jordan giữa Israel và Jordan, đã bị quân đội Israel chiếm đóng từ năm 1967. Đây là nơi sinh sống của hơn 3,3 triệu người Palestine.

Israel chiếm Bờ Tây và Đông Jerusalem - bao gồm Thành cổ và các địa danh tôn giáo - từ Jordan sau một cuộc chiến ngắn ngủi vào năm 1967. Nhiều người Israel tin rằng người Do Thái có quyền lịch sử đối với vùng đất này, mà họ gọi là Judea và Samaria.

Kể từ khi chiếm Bờ Tây, khoảng nửa triệu người Israel gốc Do Thái đã xây dựng nhà cửa tại các thị trấn được gọi là "khu định cư." Do Bờ Tây được coi là bị chiếm đóng theo luật pháp quốc tế, các khu định cư này là bất hợp pháp, nhưng Chính phủ Israel vẫn dung túng và thậm chí khuyến khích chúng.

Vào những năm 1990, Israel và các phe phái Palestine bắt đầu một quá trình hòa bình, được gọi là Hiệp định Oslo. Thỏa thuận này đã thành lập chính quyền Palestine, được gọi là Chính quyền Palestine, có thẩm quyền tại một số khu vực của Bờ Tây và Gaza, trước khi thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Nhiều cộng đồng trong các thành phố Palestine được biết đến như là trại tị nạn. Mặc dù giờ đây chúng trông giống các khu dân cư đô thị, chúng được thành lập sau cuộc chiến Arab-Israel năm 1948 để nơi trú ẩn cho những người Palestine phải rời bỏ nhà cửa khi Israel được thành lập.

Vào tháng Bảy, Tòa án Công lý Quốc tế, tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra một ý kiến tư vấn chưa từng có, cho rằng sự hiện diện của Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem là bất hợp pháp và yêu cầu Israel chấm dứt sự chiếm đóng kéo dài nhiều thập kỷ.

Điều gì đã xảy ra kể từ ngày 7/10?

Luôn có căng thẳng giữa người Palestine và chính phủ Israel ở Bờ Tây. Trong nhiều năm, Israel đã thực hiện các cuộc đột kích vào các cộng đồng Palestine, mà theo lời họ, là nhắm vào các chiến binh Palestine.

Tuy nhiên, cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 đã mở ra một kỷ nguyên mới.

 Binh sỹ Israel được triển khai tại thành phố Tulkarm, Bờ Tây. (Ảnh: THX/TTXVN)

Binh sỹ Israel được triển khai tại thành phố Tulkarm, Bờ Tây. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quân đội Israel đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát đối với người Palestine, thiết lập các trạm kiểm soát mới và hạn chế người có thể di chuyển từ Bờ Tây vào Israel. Các cuộc tấn công của những người định cư Do Thái vào người Palestine gia tăng, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Israel đã phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Bờ Tây vào tháng Tám, gọi là “Chiến dịch Trại Hè.” Họ đưa xe bọc thép vào các thành phố Jenin và Tulkarem, cắt đứt nguồn cung cấp nước và điện, khiến người dân phải tiết kiệm lương thực - theo lời cư dân kể lại với CNN.

Các xe ủi của Israel thường xuyên phá hủy những con đường trải nhựa trong các cuộc đột kích này. Israel lý giải đây là một chiến thuật cần thiết để phát hiện và vô hiệu hóa các thiết bị nổ tự chế, nhưng nó thường để lại các khu phố không thể đi lại.

Israel cũng đã nhắm vào nhiều lĩnh vực khác của đời sống người Palestine ở Bờ Tây. Quốc hội Israel (Knesset) đã thông qua một đạo luật vào năm ngoái, làm cho việc tiếp tục hoạt động của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn Palestine (UNRWA) trở nên cực kỳ khó khăn, với lý do rằng UNRWA chưa đủ mạnh tay trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan trong hàng ngũ của mình. UNRWA đang giáo dục 45.000 người Palestine tại Bờ Tây và cung cấp gần một triệu lượt khám bệnh hằng năm tại 43 cơ sở y tế.

Chuyện gì đang xảy ra lúc này?

Israel đã phát động một chiến dịch quân sự quyết liệt hơn ở Bờ Tây vào tháng Một, tập trung vào trại tị nạn Jenin, mang tên "Chiến dịch Tường Sắt." Israel cho biết chiến dịch này là cần thiết để tiêu diệt các chiến binh được Iran hậu thuẫn, những người đe dọa an ninh của Israel.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, đã nói rằng lực lượng của họ đang áp dụng chiến lược của Gaza vào Bờ Tây.

Theo thông tin từ Liên Hiệp Quốc, chiến dịch của Israel đã buộc hơn 40.000 người Palestine phải rời bỏ nhà cửa ở Bờ Tây.

Bộ Y tế Palestine cho hay quân đội Israel đã khiến hơn 1.000 người Palestine ở Bờ Tây và Đông Jerusalem thiệt mạng kể từ ngày 7/10/2023, trong đó có ít nhất 184 trẻ em. Vào cuối tuần qua, quân đội Israel thừa nhận đã khiến hai trẻ em 13 tuổi thiệt mạng, và đang điều tra “những sự cố này.”

Thị trưởng Jenin nói với CNN rằng quân đội Israel đã phá hủy ít nhất 120 tòa nhà dân cư và gây thiệt hại hàng trăm triệu đôla. “Tôi tin rằng chiến dịch này ngay từ đầu là một kế hoạch chính trị được ngụy trang dưới hình thức một chiến dịch quân sự và an ninh,” ông Mohammad Jarrar phát biểu đầu tháng này. “Nhưng rất rõ ràng - chúng ta đều biết mục tiêu chính sách của chính phủ cực hữu này.”

Ngoại trưởng Israel Gideon Saar đã nói với các phóng viên tại Brussels hôm 24/2 rằng “đây là các chiến dịch quân sự chống lại ‘những kẻ khủng bố’ và không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu này.”

Vai trò của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Không thể phủ nhận vai trò của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc ông lên làm tổng thống đã tiếp thêm sức mạnh cho những người trong Israel muốn chính phủ mở rộng chủ quyền của Israel đối với các khu định cư ở Bờ Tây - một quá trình được gọi là “sáp nhập.” Một số người muốn đi xa hơn nữa và sáp nhập toàn bộ Bờ Tây.

Đầu tháng này, ông Trump đã phát biểu rằng “mọi người rất thích ý tưởng” về sáp nhập, “nhưng chúng tôi chưa đưa ra lập trường chính thức về vấn đề này.” “Nhưng chúng tôi sẽ sớm đưa ra một thông báo về vấn đề cụ thể này trong khoảng bốn tuần nữa” - ông nói.

Bộ trưởng Tài chính cực hữu của Israel, Bezalel Smotrich, người chịu trách nhiệm về các khu định cư ở Bờ Tây, đã ra lệnh chuẩn bị cho việc sáp nhập, nói rằng chiến thắng của Trump “mang lại một cơ hội quan trọng cho nhà nước Israel.”

Ông nói rằng cách duy nhất để loại bỏ "mối đe dọa" từ một nhà nước Palestine là "áp dụng chủ quyền của Israel đối với tất cả các khu định cư ở Judea và Samaria."

Bộ trưởng Tài chính này dường như đóng một vai trò lớn trong chiến lược quyết liệt hơn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

 Binh sỹ Israel được triển khai tại thành phố Hebron, Bờ Tây. (Ảnh: THX/TTXVN)

Binh sỹ Israel được triển khai tại thành phố Hebron, Bờ Tây. (Ảnh: THX/TTXVN)

Smotrich đã phản đối lệnh ngừng bắn tại Gaza và đang thúc đẩy Thủ tướng Netanyahu “quay lại chiến tranh” ở đó. Ông là một người định cư tại Bờ Tây. Vào tháng Một, Smotrich nói rằng chính phủ hiện xem an ninh ở Bờ Tây là một "mục tiêu chiến tranh chính thức."

"Sau Gaza và Liban, hôm nay, với sự giúp đỡ của Chúa, chúng tôi đã bắt đầu thay đổi khái niệm an ninh ở Judea và Samaria" - ông nói.

Cảnh báo về tình hình cuối tuần qua

Việc gia tăng hoạt động của Israel tại trại tị nạn Jenin là một sự leo thang quan trọng. Nhưng vào cuối tuần qua, tình hình trở nên rõ ràng là không có dấu hiệu dừng lại.

Hôm 21/2, ông Netanyahu đã đến thăm Jenin và khen ngợi "công việc tuyệt vời" mà quân đội đang thực hiện. Một bức ảnh đã được lan truyền, trong đó ông ngồi cùng các chỉ huy trong một ngôi nhà Palestine mà quân đội đã chiếm làm trung tâm chỉ huy.

“Chúng ta đang thực hiện một công việc rất, rất quan trọng nhằm ngăn chặn Hamas… gây hại cho chúng ta” - ông Netanyahu nói.

Và vào ngày 23/2, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã điều động một đội xe tăng đến Jenin - lần đầu tiên xe tăng được gửi đến Bờ Tây kể từ năm 2002.

Đây là dấu hiệu cho thấy chiến dịch quân sự ở đó đã trở nên mạnh mẽ như thế nào. Quân đội Israel không còn tin rằng chỉ có lính bộ binh - và ngay cả không kích - là đủ.

Và trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các bộ trưởng cực hữu của Israel lập kế hoạch “trục xuất” dân cư Gaza, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz đã thông báo rằng những người Palestine đã rời bỏ nhà cửa ở Bờ Tây trong những tuần gần đây sẽ không được phép quay lại.

"Hôm nay, tôi đã chỉ đạo IDF chuẩn bị cho sự hiện diện kéo dài tại các trại tị nạn đã được giải phóng trong suốt một năm, và không cho phép cư dân quay lại và khủng bố tái xuất hiện" - ông Katz nói.

Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã ra thông báo vào ngày 24/12 bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về tác động của các hoạt động quân sự của Israel ở Bờ Tây đối với dân thường.

"Các dân thường di dời tại Bờ Tây cần sự trợ giúp khẩn cấp" - thông báo của ICRC cho biết, nhấn mạnh rằng nhiều người đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nhu cầu thiết yếu như nước sạch, thực phẩm, chỗ ở và chăm sóc y tế.

"ICRC nhắc lại rằng dân cư phải được đối xử nhân đạo và bảo vệ khỏi bạo lực" - thông báo cho hay./.

 Người tị nạn Palestine tại thành phố Jenin, Bờ Tây. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người tị nạn Palestine tại thành phố Jenin, Bờ Tây. (Ảnh: THX/TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-israel-trien-khai-xe-tang-den-bo-tay-lan-dau-tien-sau-20-nam-post1014248.vnp