Cuộc chiến ở Ukraine đe dọa sự phục hồi của các nền kinh tế châu Á
Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra cảnh báo rằng, cuộc chiến ở Ukraine sẽ đe dọa sự phục hồi kinh tế của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Chiến tranh Nga Ukraine diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang vướng mắc nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, chính sách tài khóa thắt chặt của Hoa Kỳ và chính sách zero COVID của Trung Quốc.
Theo báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới về Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương, cuộc chiến ở Ukraine và những lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga đang làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gây căng thẳng tình hình tài chính và làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
Trong khu vực này, tại những quốc gia nhập khẩu lượng lớn nhiên liệu (Mông Cổ và Thái Lan) và những quốc gia nhập khẩu lượng lớn lương thực (các đảo Thái Bình Dương), tổng thu nhập quốc dân đang có sự sụt giảm. Những quốc gia có nợ công lớn (như Lào, Mông Cổ) và những quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu (như Malaysia và Việt Nam) cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những vấn đề về tài chính toàn cầu.
Ông Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Khi những nền kinh tế của khu vực Đông Á, Thái Bình Dương vừa mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch, thì cuộc chiến ở Ukraine lại có nguy cơ làm giảm đà tăng trưởng của khu vực này. Một nền tảng tài chính mạnh và những chính sách hợp lý sẽ giúp các nước trong khu vực vượt qua cơn bão này.”
Về tổng thế, nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 5% vào năm 2022, thấp hơn 4 điểm phần trăm so với mức dự đoán vào tháng 10 năm ngoái. Nếu điều kiện kinh tế toàn cầu xấu đi và các quốc gia này không có phản ứng kịp thời, tốc độ tăng trưởng trong khu vực có thể giảm xuống mức 4%.
Theo Guardian, đầu năm nay, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức "khoảng 5,5%". Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục diễn ra và biến chủng Omicron đã khiến cho những thành phố lớn nhất của nước này phải đóng cửa.
Những biến động này đã khiến cho Ngân hàng Thế giới dự đoán, nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2022, thậm chí ở mức 4% nếu thị trường diễn biến xấu. Tương tự, sản lượng của những nước khác trong khu vực được dự báo sẽ tăng 4,8% trong điều kiện thường và tăng 4,2% trong điều kiện ngược lại. Nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, khu vực sẽ có thêm 6 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo với mức thu nhập chỉ 5,50 USD/ngày vào năm 2022.
Chiến tranh, chính sách tài khóa thắt chặt và tình hình suy thoái của Trung Quốc có khả năng sẽ khiến cho những vấn đề hiện tại của các nước trong khu vực ngày càng trở nên trầm trọng.
Các doanh nghiệp trong khu vực cũng đang trải qua nhiều khó khăn. Có đến hơn 50% doanh nghiệp trong khu vực đã phải gánh chịu tình trạng nợ quá hạn trong năm 2021. Những doanh nghiệp này có khả năng sẽ phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi những cú sốc cung cầu trong tương lai.
Những hộ gia đình rơi vào cảnh đói nghèo trong đại dịch sẽ tiếp tục bị giảm thu nhập thực tế khi giá cả ngày càng tăng cao. Các chính phủ đang mắc nợ sẽ phải cố gắng để vừa trả nợ vừa hỗ trợ nền kinh tế. Do giá dầu tăng, lạm phát khu vực sẽ gia tăng thêm ít nhất 1 điểm phần trăm so với kỳ vọng, khiến dư địa nới lỏng tiền tệ bị thu hẹp.
Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết: “Những biến cố liên tục xảy ra khiến cho thị trường càng phải gánh chịu nhiều khó khăn;đồng thời khả năng tài chính của các chính phủ cũng bị thu hẹp. Sự kết hợp của các chính sách tài khóa, tài chính và thương mại có thể khiến các quốc gia giảm thiểu rủi ro, phục hồi tăng trưởng và giảm nghèo.”
Ngân hàng Thế giới đã đề xuất bốn mục tiêu về mặt chính sách có thể giúp các chính phủ phục hồi nền kinh tế trong khu vực:
Thứ nhất, thay vì kiểm soát giá cả và hỗ trợ mọi đối tượng, chính phủ các nước nên tập trung hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp quốc gia này giảm thiểu khó khăn và tạo không gian đầu tư và tăng trưởng.
Thứ hai, các chính phủ nên tăng cường các chính sách an toàn vĩ mô để giảm thiểu rủi ro từ hoạt động thắt chặt tài chính toàn cầu.
Thứ ba, cải cách các chính sách liên quan đến thương mại đối với hàng hóa và, đặc biệt, trong các lĩnh vực dịch vụ vẫn được bảo hộ sẽ cho phép các quốc gia tận dụng những chuyển dịch trong bối cảnh thương mại toàn cầu.
Thứ tư, doanh nghiệp nên nâng cao kỹ năng và tăng cường khả năng cạnh tranh. Điều này sẽ giúp cho việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số được thực hiện dễ dàng và hiệu quả hơn.