Cuộc chiến pháp lý Arm-Qualcomm có thể làm đảo lộn ngành công nghiệp chip

Nhiều công ty công nghệ lớn nhất thế giới dựa vào công nghệ được cấp phép của Arm và Qualcomm để sản xuất sản phẩm, vì vậy phiên tòa kéo dài 1 tuần có thể làm xáo trộn ngành công nghiệp chip.

Logo của công ty thiết kế chất bán dẫn Arm trên một con chip. (Ảnh: Getty)

Logo của công ty thiết kế chất bán dẫn Arm trên một con chip. (Ảnh: Getty)

Tranh cãi pháp lý giữa công ty thiết kế chip Arm Holdings có trụ sở tại Anh và công ty sản xuất chip Qualcomm Inc. của Mỹ sẽ được đưa ra xét xử tại tòa án Liên bang ở Delaware trong tuần này, khiến hai nhà sản xuất chip có ảnh hưởng nhất thế giới trong thế đối đầu trong một vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ gây chấn động ngành công nghệ.

Qualcomm là một trong những khách hàng lớn nhất và là đối tác lâu năm của Arm, nhưng giữa hai công ty ngày càng có nhiều mâu thuẫn. Trọng tâm của cuộc chiến pháp lý này là việc Qualcomm mua lại công ty khởi nghiệp chip Nuvia vào năm 2021 và thỏa thuận cấp phép sử dụng công nghệ của Arm.

Arm tuyên bố thỏa thuận giữa công ty này với Nuvia phải được đàm phán lại sau khi Qualcomm mua lại Nuvia và yêu cầu Qualcomm hủy các thiết kế chip có được từ thương vụ này.

Qualcomm, công ty đang dựa vào các sản phẩm Nuvia để thâm nhập thị trường bộ xử lý máy tính, lập luận rằng họ đã có hợp đồng cấp phép riêng về công nghệ của Arm cho các hoạt động của mình.

Tranh cãi giữa hai công ty đã gây tác động lớn đến lĩnh vực sản xuất chip. Nhiều công ty công nghệ lớn nhất thế giới dựa vào công nghệ được cấp phép của Arm và Qualcomm để sản xuất sản phẩm, vì vậy phiên tòa kéo dài một tuần có thể có những tác động sâu rộng.

Giám đốc điều hành Arm, Rene Haas, khẳng định Arm là một công ty sở hữu trí tuệ và phải bảo vệ những phát minh của mình.

Trong khi đó, luật sư của Qualcomm, Karen Dunn, cho biết công ty này có giấy phép riêng để sử dụng công nghệ của Arm và luôn “tôn trọng hợp đồng.”

Arm, công ty có trụ sở tại Anh, do tập đoàn SoftBank của Nhật Bản sở hữu phần lớn, cho biết họ đàm phán các điều khoản hợp đồng để sử dụng công nghệ của mình với những công ty trên cơ sở cá nhân.

Các công ty khởi nghiệp như Nuvia thường nhận được các điều khoản tài chính ít gánh nặng hơn so với những doanh nghiệp lâu đời như Qualcomm, công ty cho rằng giấy phép riêng của mình đã bao gồm quyền sở hữu trí tuệ được đề cập.

Arm đã thông báo hủy giấy phép của Qualcomm trong năm nay, nói rằng công ty của Mỹ chưa từng đàm phán lại các điều khoản sau thương vụ mua lại Nuvia. Qualcomm phản bác rằng họ không sai và Arm đang muốn ép buộc Qualcomm phải trả nhiều tiền hơn một cách không công bằng.

Ngoài tranh cãi về giấy phép với trị giá ước tính khoảng 1,5 tỷ USD, vụ việc còn cho thấy sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai công ty trước đây đã liên kết chặt chẽ với nhau.

Qualcomm là nhà cung cấp chip lớn nhất cho thị trường điện thoại di động. Công nghệ của Arm được tích hợp vào hầu hết các con chip này.

Arm muốn củng cố vị thế là nhà cung cấp chip và giảm bớt vai trò là nhà cung cấp công nghệ. Nhưng điều này khiến Arm trở thành đối thủ của Qualcomm, công ty muốn tạo sự khác biệt cho công nghệ của mình và giảm sự phụ thuộc vào thiết kế của Arm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cuoc-chien-phap-ly-arm-qualcomm-co-the-lam-dao-lon-nganh-cong-nghiep-chip-post1002577.vnp