Cuộc chiến phức tạp chống dược phẩm giả từ vụ Thùy Tiên

Internet là một môi trường thuận lợi để phát tán dược phẩm giả, thực phẩm bổ sung kém chất lượng. Một người nổi tiếng hoàn toàn có thể trở thành kẻ lừa đảo vì lợi nhuận.

 Hoa hậu Thùy Tiên lúc đăng quang Miss Grand. Ảnh: Miss Grand.

Hoa hậu Thùy Tiên lúc đăng quang Miss Grand. Ảnh: Miss Grand.

Cuộc chiến chống lại dược phẩm giả và thực phẩm chức năng kém chất lượng ngày càng trở nên phức tạp. Vụ việc liên quan đến hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên là một minh chứng điển hình cho thực trạng này. Từ một hoa hậu nổi tiếng, Thùy Tiên đã vướng vào vòng lao lý khi sản phẩm kẹo Kera bị phát hiện là thực phẩm kém chất lượng. Theo điều tra, cô không chỉ quảng cáo mà còn tham gia công ty sản xuất loại kẹo này sau khi thấy tiềm năng lợi nhuận.

Sự việc làm dấy lên tranh cãi về trách nhiệm người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm. Nó cũng cho thấy mức độ tinh vi của các đường dây sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng không đạt chuẩn.

Thực phẩm bổ sung kém chất lượng len lỏi trên Internet

Sau khi sự thật được phơi bày từ bộ ba Thùy Tiên, Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục, có thể thấy người tiêu dùng cần phải đặt một dấu hỏi lớn cho các mặt hàng trên Internet. Dù được quảng cáo bởi người nổi tiếng, chất lượng của những thực phẩm bổ sung trôi nổi này vẫn chưa rõ ràng.

Theo cuốn sách Pharmaceutical Anti-Counterfeiting, chuyên gia dược phẩm giả Mark Davison cảnh báo rằng Internet là môi trường lý tưởng cho thực phẩm bổ sung kém chất lượng phát triển. Các trang bán hàng trực tuyến dễ dàng che giấu những thông tin về thành phần, tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu với chi phí thấp. Điều này càng nghiêm trọng hơn với thực phẩm chức năng vì không cần đơn từ bác sĩ mọi người vẫn có thể mua chúng.

Khảo sát năm 2008 của European Alliance for Access to Safe Medicines cho thấy hơn 90% các trang bán thuốc, thực phẩm chức năng không yêu cầu đơn. Trong số đó, có tới 62% thuốc được bán là giả hoặc kém chất lượng.

Điều này cho thấy người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa bởi quảng cáo và mức giá hấp dẫn. Các chiêu trò tiếp thị thường tận dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng và niềm tin vào người nổi tiếng để thúc đẩy tiêu dùng.

 Hoa hậu Thùy Tiên trong đoạn quảng cáo kẹo Kera với Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục. Ảnh: FB Hằng Du Mục.

Hoa hậu Thùy Tiên trong đoạn quảng cáo kẹo Kera với Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục. Ảnh: FB Hằng Du Mục.

Sách Trends in Counterfeit Drugs do CRC Press xuất bản năm 2023 phân loại các đường dây sản xuất dược phẩm giả, thực phẩm bổ sung chất lượng thấp thành ba nhóm: sơ sài, trung gian và tinh vi. “Không có cơ sở nào để xác nhận quy trình sản xuất, thành phần hóa học hay độ an toàn của các thực phẩm bổ sung trôi nổi trên mạng. Vì vậy, mỗi loại hàng giả đều tiềm ẩn nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe người sử dụng”, trích từ cuốn sách Trends in Counterfeit Drugs.

Trường hợp kẹo Kera cũng nằm trong chuỗi sản phẩm không rõ nguồn gốc như vậy. Bên ngoài sản phẩm có vẻ an toàn, nhưng kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng chất xơ rất thấp. Trẻ em nếu tin tưởng quảng cáo sẽ phải ăn hàng trăm viên mỗi ngày để đủ chất xơ, đồng thời nạp quá nhiều đường vào cơ thể.

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu siết chặt giám sát với hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội. Cần có các quy định buộc người nổi tiếng công khai quan hệ tài trợ khi giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần nâng cao cảnh giác. Họ nên kiểm chứng thông tin trước khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng. Vụ việc của Thùy Tiên là lời cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của thực phẩm chức năng giả.

Hậu quả từ thực phẩm bổ sung kém chất lượng

Từ nhiều năm trở lại đây, ở các nước phát triển, thực phẩm bổ sung kém chất lượng và thuốc giả đang trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, khi dịch bệnh như Covid-19, H5N1... lan rộng, nhu cầu đối với các loại thực phẩm chức năng, thuốc tăng cao. Đây chính là thời điểm các loại thuốc giả có cơ hội thâm nhập vào chuỗi cung ứng thông thường. Điều này có thể gây hậu quả tlớn đối với những bệnh nhân đang phụ thuộc vào thuốc thật để duy trì sự sống.

Theo chuyên gia Mark Davison, nhiều loại thuốc, thực phẩm bổ sung không đạt chuẩn hiện nay cố tình chứa một lượng nhỏ hoạt chất. Điều này giúp chúng vượt qua các kiểm tra sơ bộ và tránh bị phân loại là hàng giả. Hơn hết, chúng có thể qua mắt được những người tiêu dùng.

 Cuốn sách Pharmaceutical Anti-Counterfeiting. Ảnh: Amazon.

Cuốn sách Pharmaceutical Anti-Counterfeiting. Ảnh: Amazon.

Tuy nhiên, hậu quả để lại là nghiêm trọng. Chẳng hạn, sự hiện diện của thuốc kháng sinh giả hoặc kém chất lượng đang đẩy nhanh tốc độ kháng thuốc. Trong khi đó, ngành dược phẩm thế giới lại đang cắt giảm đầu tư vào nghiên cứu kháng sinh. Nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời, nhân loại có thể mất đi vũ khí chính trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm.

Tình trạng thuốc giả cũng kéo theo những hệ lụy kinh tế lớn. “Chi phí y tế tăng do bệnh nhân phải điều trị lâu hơn, nằm viện dài ngày hơn và có thể cần dùng các phương pháp can thiệp phức tạp hơn. Ngoài gánh nặng tài chính cho cá nhân và gia đình, toàn xã hội cũng phải chi trả nhiều hơn qua thuế hoặc phí bảo hiểm”, trích từ cuốn sách Pharmaceutical Anti-Counterfeiting.

Người tiêu dùng gần như không có cách nào để kiểm chứng chất lượng thuốc. Họ chỉ có thể tin vào hệ thống phân phối. Tuy nhiên, không phải lúc nào thuốc không hiệu quả cũng được phát hiện. Chính điều này khiến nhiều trường hợp sử dụng thuốc giả không bị nghi ngờ hay điều tra. Nhiều người vô tình mua và sử dụng chúng trong thời gian dài. Mọi thứ chỉ bị phát hiện cho tới khi một người kiểm định lời quảng cáo là sai sự thật.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/su-phuc-tap-trong-cuoc-chien-chong-duoc-pham-gia-tu-vu-thuy-tien-post1554585.html