Người nổi tiếng cần biết giữ danh tiếng

Người nổi tiếng nếu đánh đổi niềm tin công chúng bằng lợi ích cá nhân thì từ sàn diễn danh vọng đến nhà giam sẽ là con đường không xa.

Từ sàn diễn đến nhà giam

Từng đại diện cho vẻ đẹp, trí tuệ và lòng nhân ái của người phụ nữ Việt Nam trên các đấu trường sắc đẹp quốc tế, nhưng hào quang sàn diễn giờ đây lại nhường chỗ cho vòng lao lý. Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên - cái tên từng được tung hô trên truyền thông và mạng xã hội, nay đã bị khởi tố về hành vi "lừa dối khách hàng".

Những hình ảnh lộng lẫy trên sàn diễn, các chiến dịch quảng bá rầm rộ hay thông điệp truyền cảm hứng từng khiến cái tên Thùy Tiên trở thành biểu tượng của thành công sau danh hiệu hoa hậu. Nhưng đằng sau vẻ ngoài lấp lánh ấy là chuỗi hoạt động kinh doanh với nhiều khuất tất.

Ngày 19/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên về tội "Lừa dối khách hàng".

Trước đó, tháng 12/2024, Thùy Tiên công bố hợp tác ra mắt thương hiệu kẹo rau củ Kera cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt do Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục cùng góp vốn thành lập. Thùy Tiên được hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận góp vốn, tương đương 30%, các cổ đông còn lại góp 70% cổ phần.

Dù biết rõ chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, không có vùng nguyên liệu nhưng Thùy Tiên cùng Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs đã đưa ra các thông tin không đúng sự thật, phóng đại công dụng của sản phẩm. Lẽ ra nguyên vật liệu của kẹo Kera là bột rau được thu mua từ các nông trại của nhà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng thực tế bột rau có các hàm lượng dưới mức tiêu chuẩn (chỉ 0,61-0,75%) rồi công bố là 28%.

Người dùng mua kẹo rau củ Kera bởi tin tưởng có chức năng tốt cho tiêu hóa, nhuận tràng như lời quảng cáo. Thực chất, nhuận tràng lại đến từ sorbitol - một dạng rượu đường tạo ngọt.

Đến cuối tháng 2, khi xảy ra tranh luận trên mạng xã hội liên quan đến hàm lượng chất xơ có trong kẹo Kera, để tránh ảnh hưởng, Thùy Tiên đề nghị ký hợp đồng hợp thức về hợp tác quảng cáo, để loại bỏ vai trò của Tiên với tư cách là cổ đông.

Cơ quan công an xác định, Công ty Chị Em Rọt bán được hơn 135.000 hộp kẹo Kera với tổng số tiền thu được gần 18 tỉ đồng, riêng Nguyễn Thúc Thùy Tiên được trả tiền hoa hồng gần 7 tỉ đồng.

Từ sàn diễn danh vọng đến nhà giam, con đường không xa nếu người nổi tiếng đánh đổi niềm tin công chúng bằng lợi ích cá nhân.

Danh tiếng: Món hàng dễ vỡ

Ánh hào quang của danh tiếng không chỉ mang lại quyền lực truyền thông mà còn kéo theo áp lực phải luôn thành công, phải giàu có, phải chứng minh bản thân. Từ vụ việc của Thùy Tiên - người từng là biểu tượng của nhan sắc và truyền cảm hứng, chúng ta nhìn thấy một thực trạng đang báo động. Một bộ phận người nổi tiếng “tay ngang” tham gia kinh doanh, đầu tư mà thiếu hiểu biết, dễ bị lôi kéo vào những mô hình lợi nhuận ảo, thậm chí vô tình tiếp tay cho hành vi lừa đảo.

Danh tiếng - tài sản vô hình nhưng đầy sức nặng, có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu không được sử dụng đúng cách và không gắn với trách nhiệm pháp lý.

Danh tiếng mang lại cho người nổi tiếng nhiều cơ hội gia tăng thu nhập từ các hợp đồng quảng cáo, đầu tư kinh doanh. Sự cám dỗ của đồng tiền, có thể khiến một số người nổi tiếng trở nên dễ dãi trong việc lựa chọn đối tác và các sản phẩm quảng cáo. Danh tiếng có thể thành con dao hai lưỡi hủy hoại sự nghiệp nếu không được sử dụng một cách cẩn trọng.

Theo chuyên gia truyền thông, đã là người của công chúng, mỗi phát ngôn, mỗi hình ảnh của họ đều có tác động sâu rộng đến nhận thức và hành vi của người hâm mộ. Cần có ý thức đạo đức nghề nghiệp, đạo đức bản thân, đạo đức xã hội, giữ gìn danh tiếng đã gây dựng và niềm tin của công chúng.

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê chia sẻ: "Chúng ta yêu cầu các doanh nhân phải tuân thủ đạo đức khi kinh doanh thì người nổi tiếng cũng phải như thế. Họ sai khi đã lạm dụng sự nổi tiếng của mình để buôn bán bất tín".

Sau ánh đèn sân khấu, danh tiếng không chỉ là món hàng được định giá cao, nó còn là món hàng dễ vỡ. Giữ được danh tiếng là giữ được niềm tin của công chúng - thứ không thể mua bằng tiền và một khi đã mất, rất khó để lấy lại.

Danh tiếng cần đi kèm với trách nhiệm

Ngẩng cao đầu không để vương miện rơi. Thế nhưng, sự "ngẩng cao đầu" ấy, dù có chói lọi đến mấy, cũng không thể nào vượt qua được ranh giới của pháp luật. Vụ việc của Thùy Tiên là trường hợp đầu tiên một hoa hậu bị khởi tố vì vi phạm liên quan đến quảng cáo và lừa dối khách hàng.

Từ ngẩng cao đầu, đứng trên đỉnh vinh quang đến cúi đầu trước bản án của pháp luật, hình ảnh một cô hoa hậu tràn đầy nhiệt huyết được xây dựng bấy lâu nay sụp đổ hoàn toàn. Một Miss Grand International xinh đẹp, tài năng bị "sứt mẻ" nghiêm trọng trong mắt bạn bè quốc tế. Thùy Tiên biết rõ là sai nhưng chủ động mua cổ phần của Công ty Chị em Rọt, tiếp tay cho hành vi vi phạm bằng tầm ảnh hưởng của bản thân để giờ đây đứng trước nguy cơ đối mặt với án phạt tù từ 1-5 năm với vết nhơ “Lừa đối khách hàng”.

Ánh hào quang có thể mang lại danh tiếng và tiền bạc, nhưng cũng là con dao hai lưỡi, dễ dàng "cắt đứt" sự nghiệp và niềm tin khi dính dáng đến những hoạt động không minh bạch hay vi phạm pháp luật. Sau tất cả những ồn ào, những phiên tòa, những bản án có thể phải đối mặt, điều còn lại có lẽ chỉ là sự cay đắng và hối tiếc. Ánh hào quang phải nhường chỗ cho bóng tối của vòng lao lý.

Chiếc vương miện, dù lấp lánh đến mấy, cũng không phải là tấm kim bài miễn tử trước pháp luật. Đây không còn một vụ việc đơn lẻ mà cho thấy đã đến lúc cần gắn trách nhiệm của nghệ sĩ, KOLs hay giới truyền thông trong việc sử dụng hình ảnh cá nhân trước công chúng.

Phan Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nguoi-noi-tieng-can-biet-giu-danh-tieng-333356.htm