Cuộc chiến quyền lực Thổ Nhĩ Kỳ - Israel tại 'Syria mới'
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Israel vốn căng thẳng lại càng leo thang sau nội chiến Syria, liệu căng thẳng này có bùng phát thành xung đột?
Trong nhiều năm qua, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel luôn trong tình trạng căng thẳng. Tình hình tại Syria sau khi chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad sụp đổ đẩy quan hệ hai nước xuống cấp hơn nữa khi cả Ankara và Tel Aviv đều là những bên đóng vai trò lấp đầy khoảng trống quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp ở Syria, theo tờ The New Arab.
Xung đột lợi ích
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính phủ mới của Syria, do Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa lãnh đạo. Dựa trên các cân nhắc về an ninh quốc gia, Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối bất kỳ vùng tự trị nào do Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) hoặc đảng Liên minh Dân chủ (PYD) kiểm soát ở đông bắc Syria.
Xem YPG và PYD là nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK - Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố) tại Syria, viễn cảnh các lực lượng này nắm quyền kiểm soát bất kỳ khu vực nào của Syria khiến cả giới chức lẫn người dân Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sâu sắc.
Ankara cũng có lợi ích trong việc thúc đẩy dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Syria. Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn Syria phục hồi vì nhiều lý do. Ankara không muốn chứng kiến sự sụp đổ của nhà nước Syria và khoảng trống quyền lực nguy hiểm nảy sinh, bởi kịch bản này có thể dẫn đến tình trạng bất ổn nghiêm trọng và tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy. Những bất ổn và khủng hoảng an ninh như vậy có thể dễ dàng lan sang Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung đường biên giới dài 900 km với Syria.
Chính phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng chịu áp lực chính trị lớn trong việc đạt được một thỏa thuận với Damascus để hàng triệu người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể sớm trở về quê hương.
Ngoài ra, các công ty xây dựng và sản xuất của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có cơ hội đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết Syria, thông qua việc giành được các hợp đồng dự án quy mô lớn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: THE NEW ARAB
Trong khi đó, Israel dường như có mục tiêu hoàn toàn trái ngược. Tel Aviv có lợi ích trong việc duy trì một Syria suy yếu. Với việc nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) giữ vai trò chi phối trong chính quyền mới của Syria, Israel muốn Damascus tiếp tục bị phương Tây trừng phạt.
“Israel mong muốn một Syria bị chia cắt và suy yếu, dựa trên tính toán rằng một Syria phân mảnh sẽ đảm bảo an ninh tốt nhất cho họ, trong khi một Syria thống nhất có thể trở thành mối đe dọa trong tương lai” - ông Gordon Gray, cựu đại sứ Mỹ tại Tunisia, trao đổi với The New Arab.
Ngay sau khi chính quyền ông al-Assad sụp đổ vào tháng 12-2024, lực lượng Israel bắt đầu không kích Damascus và các khu vực khác của Syria.
Chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng nêu mục tiêu đóng quân vô thời hạn và kêu gọi phi quân sự hóa hoàn toàn miền nam Syria với lý do bảo vệ các cộng đồng của Israel ở biên giới hai nước và chặn đường tiếp tế quân sự cho nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon).
Với những khác biệt trên, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel có lý do để quan ngại về nhau.
“Cuộc đấu tranh quyền lực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tại ‘Syria Mới’ chủ yếu bắt nguồn từ sự khác biệt trong tầm nhìn về ổn định khu vực và ảnh hưởng chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ coi các hành động của Israel là những nỗ lực có chủ đích nhằm chia cắt Syria - điều đi ngược lại nguyên tắc lâu dài của Ankara về một Syria thống nhất” - TS Gokhan Ereli, Điều phối viên Nghiên cứu vùng Vịnh tại Viện ORSAM (Thổ Nhĩ Kỳ), nhận định.
“Ngược lại, Israel coi ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa đối với lợi ích an ninh và cán cân quyền lực khu vực. Các diễn biến gần đây cho thấy cả hai quốc gia đều ngày càng nhận thức rõ các động thái chiến lược của bên kia, làm gia tăng sự cạnh tranh không chỉ về sức mạnh mà còn về mặt ý thức hệ” - ông Ereli nói thêm.
Nguy cơ đối đầu quân sự
Nhiều chuyên gia cùng nhận định rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Israel có thể sẽ không xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp, dù nguy cơ này vẫn tồn tại.
“Tôi không tin rằng một cuộc đối đầu quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tại Syria là điều có thể xảy ra. Nhưng chắc chắn, họ đang vướng vào một cuộc xung đột chính trị nghiêm trọng” - theo ông Matthew Bryza, cựu quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Lực lượng an ninh Syria tại hiện trường vụ không kích được cho là do Israel thực hiện ở thủ đô Damascus (Syria) ngày 13-3. Ảnh: AFP
TS Ereli cho rằng ngay cả khi một cuộc “đối đầu quân sự gián tiếp” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tại Syria không phải là viễn cảnh chắc chắn, vẫn có “những lý do đáng kể” để lo ngại về khả năng này.
“Sự phức tạp của tình hình Syria, cộng với những căng thẳng leo thang gần đây và sự dịch chuyển của các liên minh, đồng nghĩa với việc bất kỳ tính toán sai lầm hoặc xung đột cục bộ nào cũng có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc đối đầu quy mô lớn” - ông Ereli lưu ý.
“Nếu điều đó xảy ra, không chỉ làm gián đoạn tình hình an ninh vốn đã mong manh trong khu vực, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sự ổn định của khu vực và các nỗ lực ngoại giao quốc tế” - vị chuyên gia nói thêm.
TS Mustafa Caner tại Viện Trung Đông ORMER thuộc ĐH Sakarya (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trong ngắn hạn là “khó xảy ra”, một phần nhờ vào vai trò của Mỹ trong kiềm chế Ankara và Tel Aviv.
Ông Caner cũng lưu ý rằng với việc “Israel vẫn đang phải đối phó với tình hình bất ổn và những thế cân bằng nhạy cảm ở mặt trận Lebanon và Gaza, nước này không có đủ năng lực để đối đầu quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia sở hữu quân đội lớn thứ hai trong NATO”.
Tuy nhiên, TS Caner lưu ý rằng “các cuộc đụng độ gián tiếp và căng thẳng là điều có thể dự đoán được”.
Tác động với chính sách đối ngoại của Mỹ
Với Mỹ, bất kỳ kịch bản nào dẫn đến một cuộc đụng độ lớn giữa hai đồng minh đều sẽ là điều không mong muốn.
“Điều mà chính quyền ông Trump muốn tránh nhất ở Trung Đông lúc này là một cuộc chiến nữa, nhất là khi cuộc chiến đó có thể liên quan những đồng minh thân cận của Mỹ, mà lãnh đạo của họ - ông Erdogan và ông Netanyahu – đều có quan hệ tốt với ông Trump” - ông Gordon Gray, cựu đại sứ Mỹ tại Tunisia giải thích.
Các chuyên gia cảnh báo rằng những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel có thể làm phức tạp tình hình cho Mỹ. Các lợi ích của Washington trong giai đoạn chuyển tiếp ở Syria – bao gồm cuộc chiến chống IS, kiềm chế ảnh hưởng của Nga và Iran – có thể bị đe dọa nếu xảy ra một cuộc đối đầu giữa Ankara và Tel Aviv.
“Khả năng các chiến dịch quân sự hoặc một sự leo thang ngoài ý muốn có thể làm suy yếu các kênh ngoại giao của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ – một đồng minh NATO – và với Israel – một đối tác lâu năm, khiến chính sách can dự của Mỹ tại Trung Đông trở nên phức tạp hơn” - TS Gokhan Ereli, Điều phối viên Nghiên cứu vùng Vịnh tại Viện ORSAM (Thổ Nhĩ Kỳ) lưu ý.
TS Mustafa Caner tại Viện Trung Đông ORMER thuộc ĐH Sakarya (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng Mỹ có thể đóng vai trò trong việc giảm leo thang căng thẳng giữa Ankara và Tel Aviv.
“Mối quan hệ Mỹ - Israel vốn có tính cộng sinh và được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, không thể bỏ qua vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ như một lực lượng ổn định khu vực tại Trung Đông” - TS Caner nêu quan điểm.
Các chuyên gia đề xuất rằng Mỹ có thể xoa dịu quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel thông qua việc thúc đẩy thỏa thuận hòa bình lâu dài ở Gaza, cải thiện quan hệ Israel-Syria, vốn là những mâu thuẫn cốt lõi trong quan hệ Ankara-Tel Aviv.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cuoc-chien-quyen-luc-tho-nhi-ky-israel-tai-syria-moi-post838862.html