Cuộc chiến tài sản đóng băng: Phản ứng dữ dội của Nga trước lệnh trừng phạt của phương Tây

Nga chuẩn bị luật mới cho phép tịch thu tài sản nước ngoài, đáp trả việc phương Tây phong tỏa 300 tỷ USD của Moscow.

Chính phủ Nga đang chuẩn bị áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài đến từ những quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Moscow.

 Hình minh họa sự rạn nứt giữa mối quan hệ của phương Tây và Nga. Ảnh: Unsplash

Hình minh họa sự rạn nứt giữa mối quan hệ của phương Tây và Nga. Ảnh: Unsplash

Một dự luật mới đang được soạn thảo, cho phép Nga tịch thu tài sản của các nhà đầu tư này nhằm đáp trả những hạn chế tài chính từ phương Tây. Động thái này nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của Nga nhằm đối phó với tác động kinh tế từ các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Dự luật, mới đây đã được một ủy ban lập pháp thông qua, quy định chi tiết quy trình tịch thu tài sản nước ngoài. Trước đó, vào tháng 5/2024, một sắc lệnh đã được ban hành, trao quyền cho chính quyền Nga xác định và tiếp quản tài sản, chứng khoán thuộc sở hữu của Mỹ. Những vụ tịch thu này nhằm bù đắp thiệt hại kinh tế mà Nga phải gánh chịu do các biện pháp phong tỏa tài sản từ phương Tây.

Theo dự luật mới, các cơ quan có thẩm quyền của Nga, bao gồm Ngân hàng Trung ương và Văn phòng Tổng Công tố, sẽ chịu trách nhiệm khởi kiện các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc tòa án Nga sẽ có quyền phê duyệt các vụ tịch thu tài sản nếu chính phủ xác định rằng lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây tổn thất tài chính cho Moscow.

Mối lo ngại về tài khoản loại C

Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất liên quan đến dự luật này là số phận của các tài khoản loại C - những tài khoản đặc biệt tại các ngân hàng Nga, nơi giữ tiền của các nhà đầu tư nước ngoài. Các khoản tiền này không thể được chuyển tự do mà không có sự chấp thuận của chính quyền Nga.

Theo quy định mới, số tiền trong các tài khoản này có thể bị tịch thu, gây rủi ro lớn cho các quỹ đầu tư lớn của Mỹ và các nhà đầu tư cá nhân, những người đang nắm giữ số vốn đáng kể tại Nga.

Vì sao Nga thực hiện bước đi này?

Quyết định mở rộng quyền kiểm soát tài sản nước ngoài của Nga xuất phát từ những động thái cứng rắn của phương Tây. Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã liên tục gia tăng các biện pháp nhằm gây sức ép lên nền kinh tế Nga. Một trong những biện pháp quan trọng nhất là phong tỏa tài sản của Moscow tại các ngân hàng nước ngoài.

Hiện tại, khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga đang bị đóng băng trên toàn cầu, nhưng Moscow chỉ có thể tiếp cận một phần nhỏ trong số này - khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm dưới dạng lợi nhuận. Trước tình hình này, các chính phủ phương Tây đang tìm cách sử dụng nguồn vốn bị đóng băng để hỗ trợ tài chính cho Ukraine.

Nhóm G7, bao gồm Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản, đã đề xuất sử dụng lợi nhuận từ các tài sản đóng băng để tài trợ cho khoản vay 50 tỷ USD dành cho Ukraine. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) cam kết đóng góp 20 tỷ euro (tương đương 20,6 tỷ USD), trong khi Mỹ dự kiến hỗ trợ thêm 20 tỷ USD. Một số quan chức Mỹ thậm chí còn đề xuất sử dụng số tiền này để mua vũ khí cho Ukraine, làm gia tăng căng thẳng giữa Moscow và phương Tây.

Nga coi những động thái này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế và sự ổn định tài chính của mình. Vì vậy, Moscow đang sử dụng hệ thống pháp lý trong nước để đáp trả, nhắm vào các công ty và nhà đầu tư đến từ những quốc gia áp đặt trừng phạt. Bằng cách này, Nga không chỉ tìm cách bù đắp tổn thất kinh tế mà còn gửi đi tín hiệu cứng rắn đối với các lệnh trừng phạt trong tương lai.

Tác động đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài

Dự luật mới có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư phương Tây vẫn còn tài sản tại Nga. Nhiều công ty quốc tế hiện sở hữu nhà máy, văn phòng và các khoản đầu tư tài chính tại quốc gia này. Nếu luật được thực thi, những tài sản đó có nguy cơ bị tịch thu mà không có cảnh báo trước, gây ra tổn thất lớn.

Các tài khoản loại C, với hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài bị mắc kẹt tại Nga do lệnh trừng phạt, cũng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng. Nếu chính phủ Nga quyết định thu giữ số tiền này, các nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đòi lại tài sản của mình.

Đối với những doanh nghiệp vẫn đang hoạt động tại Nga, dự luật này làm gia tăng thêm sự bất ổn. Một số công ty nước ngoài đã tiếp tục duy trì hoạt động tại Nga bất chấp các biện pháp trừng phạt, nhưng trước nguy cơ bị tịch thu tài sản, họ có thể phải cân nhắc lại chiến lược của mình. Ngay cả những doanh nghiệp đã rút khỏi Nga nhưng vẫn có liên kết tài chính với thị trường này cũng có thể đối mặt với nhiều trở ngại trong việc thu hồi vốn.

Cuộc đối đầu kinh tế giữa Nga và phương Tây dự kiến sẽ tiếp tục leo thang, ảnh hưởng không chỉ đến các doanh nghiệp và tổ chức tài chính mà còn tác động sâu rộng đến các nhà đầu tư trên toàn cầu. Khi cả hai bên đều siết chặt kiểm soát đối với tài sản nước ngoài, bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.

Dũng Phan (Theo Regtech Times)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-chien-tai-san-dong-bang-phan-ung-du-doi-cua-nga-truoc-lenh-trung-phat-cua-phuong-tay-post334327.html