Cuộc chiến thương mại của ông Trump dễ biến thành cuộc chiến nợ nếu các nước đáp trả bằng cách này
Tổng thống Donald Trump đã vạch ra nhiều kế hoạch to lớn và tuyên bố đanh thép để đánh thuế các đối tác thương mại của Mỹ, nhưng phản ứng từ các nước đó có thể không chỉ diễn ra dưới hình thức áp thuế trả đũa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: CNN/Bloomberg News, Kyodo News, Getty Images).
Phản ứng theo những cách không ngờ
Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành tâm điểm chú ý từ những ngày đầu năm và được dự đoán sẽ tiếp tục làm rung chuyển hệ thống thương mại toàn cầu trong thời gian tới.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1, ông Trump đã áp thuế bổ sung 10% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Nói thêm, trong nhiệm kỳ đầu tiên, vị tổng thống đã đánh thuế khoảng 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông mới đầu công bố nhưng sau đó lại quyết định tạm hoãn áp thuế 25% lên Mexico và Canada thêm một tháng. Nếu hai nước láng giềng của Mỹ không thể giải quyết vấn đề biên giới thỏa mong đợi của ông Trump, họ sẽ sớm phải gánh chịu thuế quan.
Không lâu sau, chủ nhân Nhà Trắng chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với toàn bộ sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 4/3, không miễn trừ cho bất kỳ đối tác nào.
Giữa tuần trước, ông cũng vừa chỉ đạo các cấp dưới lập kế hoạch áp thuế quan đối ứng đối với mọi quốc gia đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Mỹ. Đến cuối tuần, ông cảnh báo Mỹ có thể đánh thuế lên ô tô nhập khẩu sau ngày 2/4.

Đáp lại quyết định của chính quyền ông Trump, Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế trả đũa lên đến 15% đối với sản phẩm năng lượng, máy móc nông nghiệp và một số hàng hóa khác của Mỹ kể từ ngày 10/2.
Chưa dừng lại, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết họ sẽ áp lệnh hạn chế xuất khẩu đối với một loạt khoáng sản quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng và bán dẫn như tungsten, tellurium, ruthenium,...
Và vượt ra khỏi lĩnh vực thương mại, Bắc Kinh còn thông báo đã mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với gã khổng lồ công nghệ Google của Mỹ.
Về phía Canada - thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Mỹ, Thủ tướng Justin Trudeau cảnh báo nước này sẽ đưa ra phản ứng “cứng rắn và rõ ràng”. Liên minh châu Âu và Australia cũng lên án thuế quan của ông Trump.
Trước đó, vào đầu tháng 2, ngay sau khi ông Trump thông báo đánh thuế hai nước láng giềng, nhà lãnh đạo Canada đã tuyên bố sẽ trả đũa bằng mức thuế 25% áp lên khoảng 105 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Trong lĩnh vực quân sự, các chiến lược gia biết rằng khi một cuộc chiến nổ ra, xung đột thường không chỉ diễn ra trên một mặt trận duy nhất. Tương tự, cuộc chiến thương mại của ông Trump cũng có thể phát triển thành một cục diện lớn hơn, lan sang những mặt trận khác.
Điều này có vẻ đúng trong bối cảnh hiện nay, khi Mỹ áp đặt thuế quan cao đáng kể lên các đối tác thương mại và những nền kinh tế bị nhắm đến có khả năng sẽ phản ứng theo những cách không lường trước được.
Ngoài áp thuế trả đũa, một cách khác mà chính phủ các nước có thể sử dụng để phản đòn là bán số chứng khoán kho bạc Mỹ mà họ đang nắm giữ. Chứng khoán kho bạc là một trong những trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu, quyết định vô số loại lãi suất khác nhau.
Nhắm vào loại trái phiếu an toàn nhất thế giới
Chính phủ Mỹ vay tiền thông qua việc phát hành các loại chứng khoán nợ với nhiều kỳ hạn và lãi suất khác nhau. Ba loại phổ biến và chiếm tỷ trọng lớn nhất là tín phiếu kho bạc (T-bills), trái phiếu kho bạc trung hạn (T-notes) và trái phiếu kho bạc dài hạn (T-bonds).
Tính đến ngày 14/2/2025, tổng nợ công của Mỹ đạt 36.220 tỷ USD và con số vẫn trên đà tăng. Trong một phân tích vào năm 2024, chiến lược gia Michael Harnett của Bank of America ước tính cứ 100 ngày nợ công sẽ tăng thêm 1.000 tỷ USD.
Theo số liệu chính thức đến tháng 11/2024, các nhà đầu tư Mỹ đang nắm giữ khoảng 55% nợ công, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nắm 13%, An sinh Xã hội và các cơ quan khác của chính phủ Mỹ giữ 7%.
Các chủ nợ nước ngoài kiểm soát 24% còn lại, tương đương gần 8.700 tỷ USD. Trong đó, 5 chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ là Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Luxembourg và Quần đảo Cayman.

Nhật Bản nắm giữ 1.090 tỷ USD chứng khoán kho bạc, đánh bại Trung Quốc để trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Trung Quốc xếp hạng hai với 768,6 tỷ USD chứng khoán kho bạc.
Các nhà đầu tư Anh nắm giữ 765,6 tỷ USD nợ công của Mỹ, đứng thứ ba. Hai thiên đường thuế Luxembourg và Quần đảo Cayman xếp ngay sau, mỗi quốc gia nắm giữ lần lượt 424,5 và 397 tỷ USD chứng khoán kho bạc.
Các chủ nợ còn lại trong top 10 bao gồm Canada, Bỉ, Ireland, Pháp và Thụy Sỹ. Lượng chứng khoán kho bạc mà mỗi nước nắm giữ được thể hiện trong biểu đồ bên dưới.
Ấn Độ, một mục tiêu tiềm năng của ông Trump, nắm giữ 234 tỷ USD chứng khoán kho bạc, là chủ nợ lớn thứ 14 của Mỹ. Trong khi đó, Mexico là chủ nợ lớn thứ 19, nắm trong tay 100,8 tỷ USD chứng khoán kho bạc.
Dữ liệu tính đến cuối năm 2022 cho thấy Việt Nam nắm giữ 36,9 tỷ USD chứng khoán kho bạc, đứng thứ 36 trong số các chủ nợ của Mỹ. Ở thời điểm đó, Việt Nam xếp ngay sau Tây Ban Nha, Ba Lan, Italy và ngay trước Chile, Peru.

Dù các nước chỉ bán một phần nhỏ trong số chứng khoán nợ đó, thị trường trái phiếu đều có thể rơi vào một đợt bán tháo nghiêm trọng. Và khi giá chứng khoán kho bạc giảm, lợi suất sẽ tăng và kéo một loạt chi phí đi vay như lãi vay mua nhà lên cao hơn.
Trong kịch bản đó, các chủ nợ sẽ phải chịu lỗ vốn (vì giá chứng khoán kho bạc lao dốc) nhưng những người phải chịu thiệt hại nặng nề hơn cả chính là công chúng Mỹ.
Đây là một ví dụ minh họa cho tác động nói trên. Tại Mỹ, lãi suất đi vay mua nhà kỳ hạn 30 năm vốn gắn liền với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm. Lãi suất vay mua nhà sẽ đi lên khi lợi suất tăng.
Lãi vay mua nhà vốn đã dao động trên mức 6% trong suốt nhiều tháng qua, khiến không ít người muốn mua nhà phải đứng bên ngoài thị trường. Một khi chứng khoán kho bạc bị bán tháo, lãi suất đi vay mua nhà có khả năng sẽ vọt lên cao hơn nữa.
Doanh số bán nhà bị ảnh hưởng thì hoạt động trên thị trường nhà đất cũng chùng xuống, tác động đến mọi nhà phát triển, nhà cung ứng vật liệu và người lao động. Và kéo theo đó là những tác động đến nền kinh tế thực.
Trong khi người dân Mỹ vật vã với lãi suất cao, Fed cũng sẽ có thêm một cơn đau đầu mới khi các chủ nợ đáp trả thuế quan của Tổng thống Trump. Trong tình huống đó, các quan chức có thể sẽ phải cân nhắc lại bài toán chính sách tiền tệ.
Có khả năng Fed sẽ phải hạ lãi suất trở lại để chi phí đi vay cao không đẩy nền kinh tế vào tình cảnh tồi tệ. Nhưng cùng lúc, ngân hàng trung ương này còn phải cảnh giác với tác động của thuế quan lên giá cả, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát vẫn đang cao hơn đáng kể mức mục tiêu 2%.
Và động thái bán tháo chứng khoán kho bạc của các chủ nợ cũng có thể sẽ gây bất bình trong chính quyền ông Trump, bởi Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent gần đây chia sẻ rằng Washington muốn giảm lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm. Lợi suất giảm sẽ giúp Washington tiết kiệm chi phí vay nợ.

Trong một bài bình trên Washington Post vào ngày 13/2, ông Peter Orszag, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhấn mạnh: “Thị trường chứng khoán kho bạc có thể trở thành mục tiêu nếu các cuộc đàm phán [thuế quan] dẫn đến xung đột kéo dài”.
Vị cựu quan chức lưu ý thêm: “Bán chứng khoán kho bạc đồng nghĩa với việc chính phủ các nước sẽ lỗ vốn, nhưng họ có thể chấp nhận thua lỗ để gây áp lực lên Mỹ”.
Ông Orszag, hiện là Chủ tịch kiêm CEO công ty tư vấn tài chính Lazard, cho biết các nước cũng có thể giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT mà phương Tây hậu thuẫn.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, phương Tây đã loại Moscow khỏi SWIFT. Tuy nhiên, động thái đó lại khuyến khích Nga cùng những nước khác tìm kiếm giải pháp thay thế cho SWIFT.
Tương tự, để phản đòn thuế quan của Mỹ, các quốc gia còn có thể giảm phụ thuộc vào đồng USD trong hoạt động thương mại và tài chính, qua đó làm xói mòn ưu thế thống trị của đồng tiền này.
Hiện tại, đồng bạc xanh là hình thức thanh toán chủ chốt trong các giao dịch quốc tế và là tài sản hàng đầu trong kho dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương toàn cầu.
Song, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, bao gồm việc Washington đóng băng hàng trăm tỷ USD tài sản của Moscow, đã tạo động lực cho xu hướng phi đô la hóa.
Các nhà kinh tế cho rằng còn lâu đồng bạc xanh mới mất đi vị thế của mình, nhưng các nỗ lực thoái lui khỏi đồng tiền này đang gia tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc.
“Mặc dù Mỹ tung ra những đòn đầu tiên trong cuộc chiến thương mại hiện tại, các mặt trận mới có khả năng sẽ xuất hiện và vấn đề quan trọng là chúng ta phải biết xung đột có thể xảy ra ở đâu.
Đúng là các nước khác có nhiều thứ để mất trong một cuộc chiến thương mại. Nhưng bản thân Mỹ cũng vậy, đặc biệt là khi căng thẳng có khả năng không chỉ leo thang trong lĩnh vực thương mại”, ông Orszag cảnh báo.