Làm thuê ở New Zealand
Hội nhập quốc tế, người lao động không chỉ làm việc ở quê nhà mà có mặt khắp nơi trên thế giới với đủ ngành nghề. Ở New Zealand (NZ), đất nước có nhiều khác biệt về luật pháp, văn hóa, môi trường so với quê nhà thì lao động nơi đây cũng có nhiều điều cũng đáng suy ngẫm…

Một lao động người Việt bán hàng ở chợ ngoài trời cạnh Bảo tàng Te papa, Wellington.
Đến NZ bằng visa sinh viên nên theo quy định, tôi được phép làm thêm 20 giờ/tuần trong thời gian học và 40 giờ/tuần lúc nghỉ hè. Cần nói thêm, Bộ Di trú NZ yêu cầu sinh viên quốc tế khi xin visa du học phải chứng minh tài chính để đảm bảo chi phí học tập, sinh hoạt, tránh tình trạng “chăm chỉ” kiếm tiền mà bê trễ học tập, thể hiện mục đích du học là hoàn toàn nghiêm túc chứ không phải mượn danh nghĩa du học rồi sinh sống, làm việc bất hợp pháp. Việc làm thêm của du học sinh cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Muôn kiếp… visa
Ở thành phố Auckland nơi tôi ở có khá nhiều người Việt sinh sống, một số thành lập doanh nghiệp, kinh doanh khá phát đạt. Chị chủ hệ thống sushi nơi tôi làm việc là một ví dụ, công ty của chị cung cấp sushi cho nhiều quán trong các mall (trung tâm mua sắm, giải trí) ở Auckland và vùng phụ cận, thậm chí mở rộng xuống đến Wellington. Lao động làm việc cho chị tại Auckland khoảng hơn 20 người đều là người Việt.
Trò chuyện với các chị trong xưởng, tôi hiểu thêm được nhiều ngóc ngách của con đường ra nước ngoài làm việc. Luật NZ quy định mức lương tối thiểu là 23,15 NZD/h, nếu mỗi tuần làm đủ 40 giờ thì người lao động có khoảng 64 triệu đồng/tháng, trừ xong thuế thu nhập cá nhân cũng còn xấp xỉ 55 triệu đồng, thêm tiền tăng ca, tiền holiday các thứ thì thu nhập quả là trong mơ so với quê nhà. Vì thế nhiều lao động Việt đã tìm mọi cách để đến NZ làm việc.
Ở NZ tôi ít thấy cảnh lao động làm chui bất hợp pháp vì luật phạt rất nặng. Lao động vi phạm bị trục xuất đã đành, chủ sử dụng lao động bất hợp pháp bị phạt đến 100 ngàn NZD hoặc 7 năm tù giam hoặc cả hai. Bộ Di trú NZ có đường link giúp kiểm tra visa làm việc có hợp lệ hay không, nên chủ hoàn toàn không thể viện cớ “em hổng biết”. Chủ nào thuê lao động AEWV không do mình bảo lãnh thì bị phạt 10 ngàn NZD, tái phạm bị phạt lên đến 50 ngàn NZD.
Ngoài dạng đi học, sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp visa ở lại làm việc 3 năm, có lẽ một trong những cách dễ đến NZ là được chủ bảo lãnh. Theo luật, doanh nghiệp nếu đạt đến một số điều kiện nhất định sẽ được bảo lãnh cho lao động có tay nghề sang làm việc, gọi là Accredited employer work visa (AEWV), có thời hạn từ 3-5 năm, nếu mức thu nhập từ 55.844 NZD/năm trở lên thì lao động được đưa gia đình sang theo, vợ/chồng cũng được cấp visa làm việc, con được hưởng giáo dục, y tế miễn phí như người bản địa, sau thời gian làm việc có thể được xét duyệt thường trú nhân. Nhiều chị ở xưởng sushi đều theo chồng có AEWV sang đây làm việc. Một thông tin không chính thức cho biết tính đến đầu tháng 4-2024 đã có 4.453 lao động Việt Nam đến NZ với visa này.
Ưu đãi như vậy, tất nhiên phải kèm theo một số yêu cầu ngặt nghèo, và nếu không đạt yêu cầu thì… tìm cách lách luật, từ đó nảy sinh nhiều cảnh éo le. Phổ biến nhất là người lao động “chi” tiền để được bảo lãnh sang làm việc. Lao động Việt Nam thường khó tiếp xúc với “chính chủ” mà thông qua tầng tầng lớp lớp môi giới, “cò” nên chi phí để được cấp AEWV đôi khi “đội” lên khá cao. Theo thông tin từ Đài Phát thanh NZ vào cuối tháng 12-2024, những lao động người Trung Quốc và Việt Nam đến làm việc ở NZ trong năm 2023 cho biết họ đã trả khoảng 20 ngàn NZD/người để có AEWV; còn theo thông tin vỉa hè nhiều trường hợp bị “ăn ác” lên đến gấp đôi, gấp ba. Thôi thì “cố đấm ăn xôi”, nếu gặp chủ tốt qua làm việc một thời gian cũng gỡ lại được, còn nếu xui xẻo gặp chủ “ba khứa” thì tương lai quá đỗi bấp bênh.
Luật của NZ yêu cầu chủ nào bảo lãnh thì lao động chỉ được làm việc cho chủ đó, nếu muốn nhảy việc làm cho chủ khác thì phải hủy AEWV ban đầu và làm lại visa mới. Nếu lao động bị phát hiện chủ này bảo lãnh mà làm cho chủ khác, kể cả chỉ là làm thêm, sẽ bị trục xuất và vào “sổ bìa đen” của Cục Di trú. Vì vậy tốn một đống tiền qua NZ làm được vài tháng mà gặp chủ cầm phí bảo lãnh xong “đem con bỏ chợ”, không bố trí việc làm toàn thời gian hoặc không thuê nữa, dẫn đến người lao động thu nhập không đủ sống, lâm vào tình trạng đi thì dở mà ở không xong, chỉ còn cách tìm việc làm khác và đổi visa (loại này gọi là recovery visa) để gỡ sở hụi, còn không thì phải về nước ôm đống nợ do vay tiền trả cho môi giới.
Cô Kim Anh, giáo viên tiểu học ở khu Hataitai (Wellington), kể vào buổi xế trưa, học sinh ở trường có “giờ ăn vặt” thường đem các loại bánh quy, snack vào ăn chung với nhau để tăng cường giao lưu, riêng có nhóm mấy em người Việt không thấy đem gì ăn. Tưởng phụ huynh quên, cô nhắc mấy lần nhưng vẫn vậy nên cô trực tiếp gặp cha mẹ các em. Hỏi ra mới biết, phụ huynh các em bị chủ bỏ rơi, thất nghiệp đã mấy tháng, đời sống rất khó khăn. Trên các Facebook của cộng đồng người Việt ở NZ thường xuyên đăng bài về tình trạng lao động bị lừa, kêu gọi giúp đỡ.
Gần đây, cộng đồng người Việt lan truyền thông tin có một số lao động về quê ăn Tết, khi ra sân bay trở lại NZ mới biết đã bị hủy visa, thế là bị kẹt lại Việt Nam. Nguyên nhân là do doanh nghiệp bảo lãnh “có vấn đề”. Điều này khiến nhiều lao động hoang mang, không biết chủ bảo lãnh của mình làm ăn thế nào nên không dám về quê. Chị Snow Nguyễn, chuyên làm về dịch vụ di trú, cho biết vừa trở thành phiên dịch bất đắc dĩ giữa lao động và nhân viên Bộ Di trú. Theo đó, mới đây đoàn 7-8 người của bộ ập đến khu nhà trọ, không cho ai ra vào để tìm người phụ nữ tên Tr. bị hủy visa. Những người trong nhà đều bị lục soát, kiểm tra visa, điện thoại, giao dịch ngân hàng và truy vấn chi tiết từng khoản mục trong tài khoản, giờ làm, công ty đang làm việc, bằng chứng đóng thuế, hợp đồng thuê nhà… Do mọi người đều có visa hợp lệ nên không ai bị trục xuất, nhưng có một người bị phát hiện không đóng thuế, thế là bị hủy visa ngay lập tức. Theo quy định, người này có 28 ngày để phản biện, kháng cáo hoặc trở về nước, nếu không sẽ trở thành cư trú bất hợp pháp.
Những chàng du mục
Khi tôi chuyển sang làm việc cho NZ Post ở Grenada (thuộc Wellington) đã gặp rất nhiều bạn từ khắp nơi đến NZ làm việc với Working holiday visa - loại visa “vừa làm vừa chơi” dành cho thanh niên từ 18-30 tuổi, chỉ có thời hạn 1 năm, mỗi nơi làm việc không được quá 3 tháng. Joakim, đến từ Thụy Điển, cho biết trước đây anh làm việc trong trang trại ở Gibbston (thuộc vùng Otago, đảo Nam NZ), sau khi hết hạn 3 tháng thì anh đến đây và sau đó nữa sẽ đi đâu thì… chưa biết.
Công việc ở NZ Post khá thoải mái, tự do, lương cũng thỏa đáng: thời gian làm trước 7h được tính 28,7 NZD/h, sau đó là 25,7 NZD/h; làm 3 tiếng được nghỉ 15 phút, có bánh quy hoặc mì gói, sữa miễn phí. Ai khỏe thì tăng ca tùy thích, ngày lễ thì có thêm tiền holiday 8%. Vì vậy hầu như ai cũng ra sức cày. Nhật, đến từ Việt Nam, bày tỏ hy vọng sau 1 năm sẽ tìm được việc có chủ bảo lãnh để tiếp tục ở lại. Còn Huang, chàng trai Trung Quốc đã gần hết hạn visa, cho biết sắp tới anh sẽ đến Otago làm việc trong trang trại nho để được gia hạn thêm 3 tháng theo quy định.
Mới đây, anh bạn Joakim chia tay chúng tôi. Lúc ấy tôi mới biết 3 tháng qua Joakim toàn ngủ trong ô tô. Anh kể, thuê phòng trọ chủ nhà yêu cầu thế chân 2 ngàn NZD, đấy là toàn bộ số tiền anh có, rồi lại thêm chi phí thuê phòng 250 NZD/tuần cùng điện nước, wifi các thứ nên anh chọn cách ngủ trong ô tô để tiết kiệm. Luật ở NZ không cho phép người ngủ qua đêm trong ô tô (chỉ được ngủ trong loại xe caraval chuyên dụng cắm trại), vì vậy anh phải chọn những nơi khuất, vắng để né cảnh sát. Không có chỗ ở thì không thể tự nấu ăn, Joakim ăn ngoài với chi phí 50 NZD/ngày, sử dụng phòng vệ sinh ở mall, giặt giũ ở tiệm. Không biết Joakim có “tính già hóa non” không, chứ như tôi tuy thuê phòng 250 NZD/tuần nhưng bù lại tự nấu ăn chỉ mất 20 NZD/ngày, tiết kiệm được 30 NZD so với Joakim nên chỉ 10 ngày là “lấy lại vốn” mà còn được chăn êm nệm ấm. May mà Wellington khá an ninh, ít có trộm cướp, lại đang là mùa hè, nếu vào mùa đông ngủ trong ô tô thật là cơn ác mộng. Lao động kiếm được đồng tiền ở nước ngoài, dù Tây hay ta đều không dễ dàng...
Cơ quan Quan hệ lao động NZ vừa phán quyết bà Huỳnh Ngọc Tuyết Uyên, chủ cơ sở Amy’s hair and nail designe ở phố Ghuznee, Wellington phải bồi thường cho 7 lao động người Việt từ 27-37 ngàn NZD/người để chi trả tiền lương bị mất, tổn thất tinh thần với tổng số tiền phải trả là 230.929,6 NZD; đồng thời bà Uyên phải nộp phạt vì vi phạm hợp đồng. Theo đó, các lao động này đã phải chi số tiền lớn để được bà Uyên bảo lãnh sang NZ làm việc, cá biệt có chị Doan Thi Thanh Thuy đóng đến 40 ngàn NZD. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi đến NZ, các lao động này bị bà Uyên sa thải. Từ tháng 6-2022 đến tháng 5-2024, doanh nghiệp của bà Uyên đã bảo lãnh cho 29 lao động người Việt, hiện doanh nghiệp này đã bị dừng hoạt động.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202502/lam-thue-o-new-zealand-4d3587c/