Cuộc chiến thương mại Nhật-Hàn: Chưa có ánh sáng cuối đường hầm

Những động cơ chính trị đã thúc đẩy 2 nền kinh tế anh em so găng.

Nhật Bản tuyên bố từ ngày 4/7 thắt chặt việc kiểm soát và hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 hạng mục vật liệu bán dẫn được sử dụng trong điện thoại thông minh và màn hình vô tuyến.

Nghiêm trọng hơn nữa, ngày 2/8, Chính phủ Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách trắng" gồm các quốc gia được hưởng ưu đãi về quy trình xuất khẩu. Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/8. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản loại một quốc gia khỏi "Danh sách trắng". Thực chất là cấm vận cục bộ đối với sản phẩm kỹ thuật cao. Khoảng 1.000 mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc bị ảnh hưởng.

Mục tiêu Nhật Bản

Mục đích trực tiếp của Nhật Bản là ngăn ngừa việc tố tụng đòi bồi thường lao động cưỡng bức của Hàn Quốc. Chính phủ Nhật Bản cho rằng, căn cứ theo Thỏa thuận về Quyền yêu cầu Nhật - Hàn năm 1964, vấn đề bồi thường đã được giải quyết, đem về cho Hàn Quốc số tiền tương đương 2,4 tỷ USD, đồng thời Nhật Bản góp sức thúc đẩy thúc đẩy phát triển kinh tế Hàn Quốc thời kỳ đầu công nghiệp hóa. Nếu như vấn đề này được nêu trở lại sẽ gây tổn thất kinh tế cho Nhật Bản không thể lường hết.

Về lâu dài, có khả năng đánh vào sức cạnh tranh quốc tế của Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn. Nhật Bản muốn làm lung lay vị trí của ngành bán dẫn Hàn Quốc, thay đổi cục diện cạnh tranh ngành bán dẫn, gắn liền với vai trò của Nhật Bản trong chuỗi cung ứng thượng nguồn.

Quan hệ Nhật - Hàn trong khoảng hai năm lại đây không ngừng leo thang căng thẳng. Ngoài vấn đề lao động cưỡng bức, tháng 11/2018, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố bãi bỏ Quỹ Hòa giải và Hàn gắn, có nghĩa là phá bỏ Thỏa thuận Nhật - Hàn về phụ nữ mua vui hai bên ký tháng 12/2015. Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in có thái độ đối kháng với Nhật Bản trên vấn đề lịch sử, chính trị. Thủ tướng Abe nhân sự việc này để cài đặt lại quan hệ Nhật-Hàn.

Đòn bẩy trả đũa của Hàn Quốc

Dựa trên phán quyết của Tòa án tối cao 2012, các tòa án địa phương Hàn Quốc đã yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường từ 70.000 USD tới 90.000 USD cho mỗi người trong khoảng hai chục lao động Hàn Quốc trong thời chiến hay người thân còn sống của họ. Điều khiến Nhật Bản lo ngại, ước tính có tới 700.000 người Hàn Quốc đã bị buộc phải làm việc cho các công ty Nhật Bản; các tòa án Hàn Quốc đã đe dọa nếu họ từ chối trả tiền, các nguyên đơn Hàn Quốc khởi kiện để đóng băng, tịch thu tài sản.

Trong không khí đối đầu thương mại, hai ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quôc gặp nhau bên lê Hội nghị ASEAN không mang lại kết quả.

Trong không khí đối đầu thương mại, hai ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quôc gặp nhau bên lê Hội nghị ASEAN không mang lại kết quả.

Trong tháng 7, sản lượng bia nhập khẩu từ Nhật Bản giảm 45%; xe Nhật Bản đăng ký mới tại Hàn Quốc giảm 17% so với tháng trước; tẩy chay du lịch (22% tổng lượng khách du lịch tới Nhật Bản); kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật.

Tác động song phương và quốc tế

Tranh chấp Nhật-Hàn tác động chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu thắt chặt xuất khẩu nguyên liệu làm thiếu đi 30% nguyên liệu sẽ khiến GDP của Hàn Quốc giảm 2,2%; nếu Hàn Quốc trả đũa, GDP Hàn Quốc suy giảm 3,1% và Nhật Bản giảm 1,8%. Nếu như doanh nghiệp Hàn Quốc không đảm bảo được nguồn cung cấp nguyên liệu và bị thiếu hụt tới 45% thì GDP của Hàn Quốc sẽ bị suy giảm 4,2%. Các công ty công nghệ lớn như LG, Samsung, SK đều bị ảnh hưởng.

Cuộc đàm phán tự do thương mại tay ba Trung - Nhật - Hàn bị mây đen che phủ. Đàm phán hiệp định tự do thương mại mở rộng (RCEP) gồm 16 nước, có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ..., dự định kết thúc trong năm 2019, khó tránh khỏi ảnh hưởng.

Giới quan sát không loại trừ "chiêu" gây bất hòa kinh tế này là nhằm phối hợp với Mỹ để gây khó dễ cho các nỗ lực Trung Quốc thúc đẩy liên kết kinh tế châu Á (FTA 3 bên và RCEP) trong tình hình Mỹ đang thực hiện chiến tranh thương mại chống Trung Quốc.

Hệ quả đối với Tổng thống Moon Jae-in

Hàn Quốc không có một phương tiện nào có ý nghĩa để khởi xướng một cuộc đối đầu kinh tế với Nhật Bản như Trung Quốc với Mỹ. Cuộc bầu cử năm 2020 đang đến gần, ông Moon Jae-in có thể chọn cách đối đầu hơn nữa với Nhật Bản để làm "bia đỡ đạn" cho các thảm họa kinh tế của Hàn Quốc.

Theo thăm dò dư luận hồi tháng 5/2019, ông Moon chỉ có tỷ lệ ủng hộ là 45%, sụt giảm lớn so với mức 83% vào năm 2018. Mức tăng lương tối thiểu 29% và giới hạn giờ làm việc đã đẩy chi phí vận hành của doanh nghiệp lên cao. Chính sách liênTriều Tiên hầu không đem lại chút hi vọng gì thúc đẩy tỷ lệ dân chúng ủng hộ.

Ông Moon sẽ phải cân nhắc nặng nhẹ giữa lập trường dân tộc tuy được lòng dân với mối tai ương kinh tế sâu sắc của nước này.

Cuộc tranh cãi hiện nay không có dấu hiệu sớm kết thúc. Nhật Bản có ít động cơ kinh tế để giảng hòa lập tức. Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc sẽ phải quyết định xem liệu việc đánh bóng thành tích dân tộc chủ nghĩa có xứng đáng với cái giá kinh tế đang chờ đợi nước này hay không. Ngoài ra, áp lực từ các tập đoàn gia đình Chaebol có thể tác động lớn tới quyết sách chính phủ. Xét ra, ở Hàn Quốc các chính phủ phái hữu thì hợp tác với Nhật Bản tốt hơn phái tả./.

Nguyễn Ngọc Trường

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cuoc-chien-thuong-mai-nhat-han-chua-co-anh-sang-cuoi-duong-ham-20190815113815796.htm