Cuộc chiến thương mại tiềm ẩn giữa EU và Trung Quốc

Bất chấp lời phản đối của các nước thành viên EU, nỗ lực tháo gỡ bất đồng của Trung Quốc, châu Âu và 'gã khổng lồ châu Á' vẫn chưa đạt được tiến triển trong đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại.

Theo thông cáo từ Ủy ban châu Âu (EC), các cuộc đàm phán giữa Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) tại Brussels (Bỉ), ngày 18/9, đã diễn ra một cách thẳng thắn và mang tính xây dựng.

Ô tô chờ được xuất khẩu tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ô tô chờ được xuất khẩu tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Song, hai bên đã thất bại trong việc đạt được thỏa thuận để giải quyết bất đồng về xe điện. Diễn biến này đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa EU và Trung Quốc.

Làn sóng phản đối

Trong chuyến thăm gần đây tới Trung Quốc, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã lên tiếng phản đối mức thuế EU đề xuất áp đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. Quốc gia này kêu gọi EU xem xét lại và tìm kiếm thỏa thuận với Trung Quốc để tránh một cuộc chiến thương mại. Đồng tình với Tây Ban Nha, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng chỉ trích kế hoạch thuế này.

Dây chuyền lắp ráp xe ôtô năng lượng mới ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: THX/TTXVN

Dây chuyền lắp ráp xe ôtô năng lượng mới ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: THX/TTXVN

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã kêu gọi EU và Trung Quốc đạt được một giải pháp thông qua thương lượng cho vấn đề thuế quan đối với xe điện (EV). Ông Habeck nói Đức muốn tránh một cuộc xung đột thương mại có thể leo thang thành vòng xoáy thuế quan mà cuối cùng sẽ gây tổn hại cho cả hai bên, đồng thời tái khẳng định lập trường cho rằng cần đạt được một giải pháp cho vấn đề này.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Đức và châu Âu, ông Habeck cho biết các điều kiện cạnh tranh công bằng phải được đảm bảo và Đức hoan nghênh sự cạnh tranh với Trung Quốc. Ông nói thêm EC và Trung Quốc nên nỗ lực hướng tới một giải pháp thông qua thương lượng.

Hồi tháng Năm, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cũng cảnh báo rằng việc áp thuế lên xe điện Trung Quốc có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại lớn hơn và gây bất lợi cho các quốc gia công nghiệp như Đức và Thụy Điển. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng đề xuất áp thuế của EU là hình phạt đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, đồng thời ông kêu gọi cần cạnh tranh công bằng.

Một số nhà quan sát cảnh báo việc EU và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc, gây thiệt hại cho cả hai bên lẫn kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia Ferdinand Dudenhoeffer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô tô (CAR) tại Đức, cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ và thuế quan là các chiến lược sai lầm và sẽ gây thiệt hại cho Đức và EU.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức, Volker Wissing, nhấn mạnh rằng các mức thuế này sẽ tác động tiêu cực đến các công ty Đức và rằng giá xe sẽ giảm thông qua sự cạnh tranh và thị trường mở, chứ không phải thông qua cuộc chiến thương mại.

Những ảnh hưởng tiêu cực

Theo các nhà quan sát, quyết định của EU áp thuế đối với xe điện Trung Quốc, mặc dù nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của khối, có thể làm chậm tốc độ phát triển và hạn chế quyền tiếp cận của người tiêu dùng châu Âu đối với các mẫu xe điện giá cả phải chăng.

Ông Sjors ten Tije, quản lý của Hiệp hội Lái xe Điện Hà Lan, cho biết các nhà sản xuất châu Âu phụ thuộc nhiều vào linh kiện từ Trung Quốc, và thuế bổ sung sẽ cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô châu Âu. Ông cảnh báo rằng giá xe điện sẽ tăng, làm cho người tiêu dùng khó tìm được các mẫu xe sạch với giá phải chăng.

Giáo sư tại Đại học Công nghệ Eindhoven, Maarten Steinbuch, cho biết việc chuyển đổi sang xe điện có thể bị trì hoãn, dẫn đến ít nguồn lực hơn cho nghiên cứu và phát triển.

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng các mức thuế này không chỉ làm gián đoạn thương mại và hợp tác giữa EU và Trung Quốc, mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của EU. Cựu tổng biên tập tờ báo Ba Lan Trybuna, Piotr Gadzinowski, nhấn mạnh rằng hợp tác với Trung Quốc trong ngành xe điện là rất quan trọng để EU đạt được mục tiêu khí hậu.

Doanh số bán ô tô mới tại EU trong tháng 8/2024 đã giảm 18,3% xuống mức thấp nhất trong ba năm. Số liệu cũng cho thấy doanh số bán xe điện giảm tháng thứ tư liên tiếp khiến Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) yêu cầu phải "hành động khẩn cấp" để ngăn chặn sự sụt giảm hơn nữa.

Doanh số bán xe điện tại EU đã giảm 43,9% trong tháng 8/2024, khi các thị trường xe điện lớn nhất của khối là Đức và Pháp ghi nhận mức giảm lần lượt là 68,8% và 33,1%. Doanh số bán xe điện đang giảm một phần là do các chính sách khuyến khích phát triển xanh trên khắp EU có khả năng làm tăng giá xe, trong khi các cơ quan quản lý đã áp mức thuế cao để cố gắng ngăn chặn xe EV giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

EC đã cáo buộc Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất xe điện trong nước để hạ giá bán lẻ và đẩy các đối thủ châu Âu ra khỏi thị trường. Sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, EC phát hiện Trung Quốc đã trợ cấp cho toàn bộ chuỗi cung ứng xe điện, tạo ra rủi ro cho ngành công nghiệp của EU.

EC đã đề xuất một loạt thuế nhập khẩu bổ sung cho xe điện sản xuất tại Trung Quốc, với mức thuế từ 7,8% đến 35,3% tùy thuộc vào thương hiệu và mức độ hợp tác với cuộc điều tra. Mức thuế này sẽ cộng thêm vào mức thuế 10% hiện có.

Các quốc gia thành viên EU cần phải phê chuẩn những mức thuế trên trong một cuộc bỏ phiếu dự kiến trước tháng Mười Một. Nếu được phê duyệt, các mức thuế trên sẽ có hiệu lực trong 5 năm.

Trà My (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cuoc-chien-thuong-mai-tiem-an-giua-eu-va-trung-quoc/347778.html