Cuộc chiến tranh giành quyền lực ngầm giữa Nga và Mỹ tại châu Phi

Nga đang gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi, tận dụng tình hình bất ổn và căng thẳng ngoại giữa các nước trong khu vực với Mỹ và phương Tây làm bàn đạp để mở rộng sự hiện diện của mình trên lục địa này.

Nga chớp thời cơ mở rộng ảnh hưởng

Từ Libya đến Nigeria, Ethiopia đến Mali, Moscow đã và đang xây dựng các liên minh quân sự chiến lược quan trọng, từng bước giành được sự ủng hộ công khai trên khắp khu vực châu Phi trong những năm gần đây. Trọng tâm của nỗ lực này là tìm giải pháp thay thế cho những quốc gia đang thất vọng trước quan hệ ngoại giao với phương Tây.

Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi tại Sochi năm 2019. Ảnh: Getty.

Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi tại Sochi năm 2019. Ảnh: Getty.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Phi lần thứ nhất, diễn ra tại Sochi vào năm 2019, Tổng thống Nga Putin tuyên bố “sẵn sàng cạnh tranh để hợp tác với châu Phi”. Theo kế hoạch, Hội nghị Thượng đỉnh Nga- châu Phi lần thứ 2 sẽ được tổ chức vào năm 2022. Thông qua Liên Hợp Quốc, Nga đã cung cấp lương thực, hỗ trợ y tế, thương mại, kinh tế và quân sự cho khắp khu vực.

Chỉ trong 2 tháng qua, Nga đã ký các thỏa thuận hợp tác quân sự với Nigeria và Ethiopia, hai quốc gia đông dân nhất châu Phi. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính, châu Phi chiếm 18% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga từ năm 2016 đến năm 2020.

Theo Liên Hợp Quốc, lính đánh thuê của Nga cũng đã hỗ trợ quân sự trực tiếp cho các chính phủ Libya và Cộng hòa Trung Phi. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ mối liên hệ với Nhóm lính đánh thuê Wagner – một tổ chức bán quân sự bị Liên Hợp Quốc cáo buộc tiếp tay cho hành vi vi phạm nhân quyền trong khu vực.

Sau khi các nhà lập pháp Mỹ đình chỉ kế hoạch bán vũ khí trị giá 1 tỷ USD cho Nigieria vào tháng 7/2021, Nga đã ký thỏa thuận cung cấp thiết bị quân sự, công nghệ cho chính quyền của Tổng thống Muhammadu Buhari và hỗ trợ huấn luyện các lực lượng Nigieria.

Mặc dù trong lịch sử, từng là đối tác ngoại giao và thương mại quan trọng của Mỹ, nhưng chính quyền Tổng thống Buhari đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn với Washington sau các cuộc biểu tình của phong trào EndSARS vào năm 2020 và sau vụ Nigieria cấm mạng xã hội Twitter vô thời hạn. EndSARS là phong trào xã hội bao gồm hàng loạt cuộc biểu tình chống nạn bạo lực cảnh sát ở Nigeria. Phong trào này kêu gọi chính phủ giải tán lực lượng Biệt đội Chống thổ phỉ đặc biệt (SARS).

Trong khi đó, nhóm chiến binh Hồi giáo Boko Haram và nhánh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng khu vực Tây Phi (ISWAP) tiếp tục hoành hành tại ở đông bắc nước này, thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các lực lượng chính phủ và dân thường.

Sự kết hợp của các yếu tố nói trên đã mở đường cho Nga gia tăng ảnh hưởng với Nigeria.

Không chỉ Nigieria, Nga cũng đóng một vai trò tích cực tại Ethiopia. Moscow đã hỗ trợ chính quyền Thủ tướng Abiy Ahmed sau khi các nước phương Tây tỏ ra lưỡng lự trước việc giúp Ethiopia đối phó với một cuộc nổi dậy ở tỉnh Tigray, phía Bắc nước này.

Động thái của Moscow diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Ethiopia ngày càng gia tăng. Trong vụ tranh chấp kéo dài nhiều năm giữa Ethiopia, Ai Cập và Sudan xoay quanh Đập thủy điện Đại Phục Hưng, nỗ lực của Mỹ nhằm làm trung gian hòa giải đã thất bại vào năm 2020 sau khi Ethiopia cáo buộc Washington đứng về phía Ai Cập. Đến tháng 3/2021, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục khơi dậy cơn giận dữ của Addis Ababa khi cáo buộc các lực lượng chính phủ ở Tigray “thanh trừng sắc tộc”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sau đó đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ethiopia Demeke Mekonnen vào tháng 6/2021. Nga đã tích cực triển khai các quan sát viên bầu cử tới Ethiopia trong khi EU rút hết quan sát viên của khối này với lý do “tình trạng bạo lực đang diễn ra trên khắp đất nước, căng thẳng chính trị gia tăng, đi kèm với đó là các vụ quấy rối nhân viên truyền thông và giam giữ những thành viên đối lập”.

Nga cũng cung cấp vũ khí chiến lược cho Ethiopia, một mặt giúp nước này phòng thủ trước bất cứ cuộc tấn công tiềm ẩn nào từ phía Ai Cập, mặt khác hỗ trợ các lực lượng chính phủ ở Tigray chống lại phiến quân Lực lượng Phòng vệ Tigray (TDF).

Louw Nel, nhà phân tích chính trị cấp cao tại NKC African Economics, cho rằng: “Những bước tiến của Lực lượng Phòng vệ Tigray (TDF) - lực lượng đã chiếm được các khu vực Afar và Amhara trong những tuần gần đây, đã khiến việc mua vũ khí trở nên vô cùng quan trọng với Addis Ababa và Moscow nhiều khả năng sẽ đáp ứng nhu cầu này, có thể trên cơ sở mua trước trả sau”.

Ethiopia và Nga đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự vào tháng 7, tập trung đặc biệt vào chuyển giao kiến thức và công nghệ. Tuy nhiên, Louw Nel lưu ý, Ethiopia sẽ “cảnh giác với việc cho phép các binh sỹ Nga được triển khai trên đất nước này để thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào khác ngoài việc huấn luyện, đào tạo”.

Mỹ không chịu kém cạnh

Theo một báo cáo gần đây của công ty tư vấn rủi ro chính trị Pangea-Risk, Mỹ đã cam kết nối lại việc hợp tác kinh tế và thương mại ở châu Phi. Dù hạn chế triển khai binh sỹ nhưng Mỹ lại chi tiêu nhiều hơn cho các căn cứ đang hoạt động trong khu vực và theo đuổi một kế hoạch dài hạn để duy trì sự hiện diện chiến lược.

Vào năm 2018, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã chỉ ra tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Nga trên khắp châu Phi và nhấn mạnh, Mỹ cần phải giữ chỗ đứng vững chắc ở lục địa này. Đến thời điểm hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden vẫn duy trì hoạt động 27 tiền đồn quân sự của Mỹ tại châu Phi. Bộ Tư lệnh châu Phi (Africom) của quốc gia này cũng ưu tiên cho các mục tiêu chống khủng bố ở vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel.

Ngoài ra, Washington đang thiết lập sự hiện diện tại các khu vực chiến lược quan trọng khác, chẳng hạn như Biển Đỏ và Vịnh Guinea. Mỹ dự tính chi 330 triệu USD đến năm 2025 để xây dựng các căn cứ quân sự và cơ sở hạ tần liên quan. Song song với đó, Africom cũng vạch ra một kế hoạch chiến lược kéo dài 20 năm, tập trung vào vào hoạt động chống khủng bố, hoạt động của lực lượng đặc biệt, hỗ trợ nhân đạo, bảo vệ lợi ích thương mại của Mỹ trước sự hiện diện ngày càng gia tăng của Nga và Trung Quốc.

Một báo cáo cho biết, vào tháng 7/2020, Cộng hòa Cabo Verde và Mỹ đã nhất trí Thỏa thuận về quy chế các lực lượng (SOFA), cho phép các lực lượng Mỹ hoạt động trên lãnh thổ quốc đảo này.

“Một thỏa thuận như vậy đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị tại Tây Phi ngày càng gay gắt và cuộc chiến chống cướp biển tại Vịnh Guinea ngày càng tăng nhiệt. Cả hai đều là những mối đe dọa hiện hữu với các lợi ích thương mại của Mỹ”, Giám đốc điều hành Pangea-Risk, ông Robert Besseling nhận xét.

“Tuy vậy, thỏa thuận SOFA nói trên cũng đặt ra những câu hỏi về cam kết ngoại giao của Mỹ đối với nước đối tác. Vẫn chưa rõ, thỏa thuận này có thiết lập khuôn mẫu cho quan hệ giữa Mỹ với châu Phi trong tương lai hay không”.

Ông Robert Besseling cho rằng, Mỹ nhiều khả năng sẽ giảm dần sự hiện diện quân sự trực tiếp tại các điểm nóng về mất an ninh, nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm các thỏa thuận SOFA với các quốc gia có tầm quan trọng chiến lược. Bên cạnh đó, Washington sẽ không bao giờ chấp nhận rút lui hoàn toàn khi Trung Quốc và Nga tăng cường can dự vào khu vực./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo CNBC

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cuoc-chien-tranh-gianh-quyen-luc-ngam-giua-nga-va-my-tai-chau-phi-890370.vov