Cuộc chiến tỷ USD của các nhà sản xuất vaccine Covid-19
Moderna và Pfizer-BioNTech là hai hãng dược phẩm đang rơi vào các cuộc chiến pháp lý bởi tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng các thành phần để tạo ra vaccine chống Covid-19.
Khi cả thế giới đang căng mình chống dich Covid-19, những cuộc chiến pháp lý cũng gay gắt đang diễn ra xung quanh bằng sáng chế vaccine giữa công ty dược phẩm, Chính phủ Mỹ và các nhà khoa học hàn lâm.
Wall Street Journal cho biết, phần thưởng giành cho người chiến thắng trong các vụ kiện liên quan tới vaccine Covid-19 sẽ không chỉ là được thừa hưởng hàng tỷ USD lợi nhuận mà còn là danh tiếng và uy tín khoa học. Đó là thứ tài sản vô hình nhưng mang giá trị không thể đong đếm được trong lĩnh vực dược phẩm của toàn thế giới.
Moderna gặp rắc rối kiện cáo
Pfizer-BioNTech và Moderna là những hãng dược phẩm đã đến lúc phải trả tiền bản quyền cho các công ty cùng tổ chức nghiên cứu khác dựa trên doanh thu từ vaccine Covid-19. Cả hai hãng này đều sử dụng một số bằng sáng chế bên ngoài để chế tạo vaccine Covid-19.
BioNTech và Moderna đều sử dụng bằng sáng chế đối với nghiên cứu vaccine theo phương thức RNA thông tin thuộc về Đại học Pennsylvania của Mỹ. Ngoài ra, hai công ty này cũng mua một bằng sáng chế thuộc về chính phủ Mỹ.
Phía Moderna đã chi trả khoản tiền phí bản quyền lên tới 400 triệu USD dựa trên doanh thu từ vaccine Covid-19 trong 9 tháng đầu năm 2021 cho các công ty nắm quyền sở hữu bằng sáng chế đối với nghiên cứu của Đại học Pennsylvania. Hiện tại Pfizer-BioNTech chưa tiết lộ thông tin số tiền bản quyền đã phải trả.
Moderna và Viện Y tế Quốc gia Mỹ phát sinh một tranh chấp, ngay sau khi hãng dược phẩm này từ chối ghi tên các nhà khoa học của chính phủ liên bang vào mục đồng phát minh trong đơn đề nghị cấp bằng sáng chế thành phần chính của vaccine Covid-19.
Hai bên cùng tranh cãi về thành phần trong vaccine - thông qua một trình tự di truyền tích hợp giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể người để có khả năng chống lại virus.
Trước khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện, Moderna đã phối hợp với Viện Y tế Quốc gia Mỹ nghiên cứu vaccine trong nhiều năm liền. Ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, hai bên nhanh chóng hợp tác phát triển và thử nghiệm các dòng vaccine.
Theo Moderna, sự đóng góp của các nhà khoa học chính phủ đều được hãng ghi nhận trong các đơn đăng ký bằng sáng chế khác liên quan tới vaccine như liều lượng mỗi mũi tiêm ngừa. Đồng thời hãng này cho biết, do trình tự di truyền sử dụng trong vaccine không có sự tham gia của các nhà khoa học chính phủ, nên phát minh này hoàn toàn chỉ thuộc về các nhà khoa học của hãng.
Hồi đầu tháng 12, Moderna đã tạm thời rút lại đơn xin đăng ký cấp bằng sáng chế. Hãng muốn có thêm thời gian để thảo luận với Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nhằm đạt được một giải pháp hữu nghị nhất cho hai bên.
Tranh chấp trên chưa phải là sự kiện duy nhất trong cuộc chiến giành bằng sáng chế vaccine Covid-19. Một tranh chấp khác có thể phát sinh liên quan tới bằng sáng chế của Viện Y tế Quốc gia Mỹ đối với một phiên bản nhân tạo gai protein của virus corona – phương thức giúp vaccine kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn.
Điều gây tranh cãi là các phiên bản trình tự gene của gai protein nhân tạo này đều có trong vaccine sử dụng công nghệ mRNA của Moderna và Pfizer-BioNTech. Phía Pfizer-BioNTech đã được Viện Y tế Quốc gia Mỹ đồng ý cấp quyền sử dụng bằng phát minh, nhưng Moderna thì vẫn chưa.
Ở thời điểm này, vấn đề đặt ra là, cho tới khi Moderna được cấp quyền sử dụng bằng sáng chế này, thì vaccine của hãng vẫn bị coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với bằng sáng chế của Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Ước tính, hãng dược phẩm này có thể đối mặt với khoản tài chính hơn một tỷ USD để trả cho chính phủ Mỹ vì xâm phạm quyền sáng chế.
Moderna trước đó đã khởi động các thủ tục pháp lý nhằm vô hiệu hóa các bằng sáng chế thuộc về tập đoàn công nghệ sinh phẩm Arbutus Biopharma. Vụ việc này có liên quan tới thành phần vaccine của Arbutus Biopharma có một số hạt protein siêu nhỏ tương tự loại được sử dụng trong vaccine Covid-19 của Moderna, giúp đưa RNA thông tin vào tế bào cơ thể người.
Moderna tuyên bố hạt protein siêu nhỏ sử dụng trong vaccine Covid-19 do hãng tự nghiên cứu phát triển nên các sản phẩm vaccine của Arbutus Biopharma được coi là đã xâm phạm bằng sáng chế.
Mặt khác, nếu Moderna bị xử thua, hãng này sẽ buộc phải trả phí bản quyền cho Arbutus. Hôm 1/12, Tòa án phúc thẩm Mỹ đã ra phán quyết giữ nguyên một số bằng sáng chế của Arbutus, điều này giống như “ngòi nổ”, công kích sự tực giận của Moderna.
Những cuộc chiến tỷ USD chưa có hồi kết
Không chỉ có hãng Moderna và những “lùm xùm” xung quanh vấn đề bằng phát minh, Pfizer-BioNTech cũng đang vướng vào cuộc chiến pháp lý với các công ty khác xung quanh vaccine Covid-19.
Hồi tháng 10/2020, công ty dược phẩm nhỏ ở San Diego có tên Allele Biotechnology & Pharmaceuticals khởi kiện Pfizer và BioNTech. Phía công ty kia cho rằng, hai gã khổng lồ dược phẩm đã sử dụng một protein trong quá trình thử nghiệm vaccine Covid-19 – đây là hành vi xâm phạm bằng sáng chế của mình. Mặc dù cả Pfizer và BioNTech đều bác bỏ đơn kiện cáo của Allele, vụ kiện vẫn đang diễn ra.
Thời gian tới, nhiều vụ kiện bằng sáng chế khác có thể sẽ tiếp tục phát sinh. Năm ngoái, hãng Moderna cho biết sẽ không thực thi các đặc quyền đối với bằng sáng chế liên quan tới vaccine Covid-19 cho tới khi dịch Covid-19 đã hoàn toàn được khống chế.
Điều này đồng nghĩa với việc một khi cả thế giới đã chiến thắng đại dịch, Moderna sẽ khởi động tiến trình nộp đơn khởi kiện vi phạm bằng sáng chế với nhiều công ty dược phẩm khác. Cả Pfizer và BioNTech và các công ty khác cũng sẽ góp mặt trong bản khởi kiện này, nếu các công ty không đồng ý với những điều khoản về cấp phép sử dụng bằng sáng chế mà Moderna đưa ra.
Bằng sáng chế là một thứ đặc biệt có giá trị, là một “kim bài danh giá” trong ngành công nghiệp dược phẩm mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn được sở hữu. Nếu có bằng sáng chế dược phẩm, các hãng có thể có độc quyền bán một loại thuốc và vaccine trong nhiều năm mà không vấp phải bất kỳ sự cạnh tranh nào đến từ các đối thủ khác.
Đối với giới nghiên cứu khoa học, gồm các đại học và viện nghiên cứu của Chính phủ, nếu các công ty dược phẩm sử dụng bằng sáng chế để sản xuất và bán dược phẩm, họ cũng có thể nhận được tiền bản quyền dựa trên doanh thu hàng năm.
Đại học Princeton là một ví dụ điển hình khi có thể xây dựng một phòng nghiên cứu hóa học trị giá 278 triệu USD nhờ khoản phí bản quyền khổng lồ mà tập đoàn dược phẩm Eli Lilly phải trả. Hãng này đã sản xuất và bán thuốc điều trị ung thư Alimta dựa trên nghiên cứu của một giáo sư tại Đại học Princeton.
Với các vụ kiện về bằng sáng chế liên quan tới vaccine Covid-19, khoản đền bù có thể trị giá hàng trăm triệu, thậm chí đến hàng tỷ USD. Bất cứ ai chứng minh được vai trò của mình trong khâu nghiên cứu, phát minh và phát triển vaccine Covid-19 đều có thể buộc Pfizer và Moderna phải chia sẻ miếng bánh lợi nhuận khổng lồ từ doanh thu mà vaccine Covid-19 mang lại.
Giáo sư Jacob Sherkow, chuyên gia luật sở hữu trí tuệ Đại học Illiois cho biết: "Bạn biết đấy, chỉ có uy tín khoa học và tiền. Đó là tất cả những gì mà họ mong muốn. Vaccine Covid-19 là một phát minh công nghệ sinh học lớn lao đang nhận được hàng chục tỷ USD đầu tư”.
Vượt xa những dự đoán ban đầu của các chuyên gia Phố Wall, thị trường vaccine Covid-19 đã cho thấy quy mô về lợi nhuận khổng lồ. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, Pfizer và Moderna đã cùng nhau thu về 35 tỷ USD từ doanh thu bán vaccine Covid-19 trên toàn cầu.
Trong năm 2022, hai loại vaccine này có thể mang về lợi nhuận lên tới 52 tỷ USD cho các hãng dược phẩm nhờ nhu cầu tiêm các mũi vaccine bổ sung đang gia tăng trên toàn cầu, theo các chuyên gia ước tính.