Cuộc chiến với Covid-19 năm thứ ba
Theo TS. Bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại với chúng ta, hằng năm vẫn sẽ có những đợt bùng phát nhỏ tại những vùng lõm về miễn dịch, vì thế, việc có khoa điều trị chuyên ngành Covid-19 là một điều tất yếu.
Ứng xử trước khủng hoảng
Thưa bác sĩ, nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 hai năm qua, với tư cách là người trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định và triển khai công tác hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn quốc, chắc chắn sẽ có những điều đáng quan tâm đã được rút ra?
Có thể nói, hai năm qua, đã có rất nhiều thay đổi trong định hướng chống dịch. Giai đoạn đầu từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2020. Đây là giai đoạn tìm hiểu thông tin về bệnh Covid-19 và virus SARS-CoV-2, mọi hành động đều rất thận trọng bao gồm việc ngăn chặn người về từ nước ngoài, tập trung cách ly và xét nghiệm. Trong giai đoạn này, chúng ta có 2 vụ dịch phải xử lý là vụ dịch tại xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc và vụ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.
Lúc đấy, xét nghiệm duy nhất có được lúc đầu là giải trình tự gien, tốn nhiều thời gian và nguy cơ phải chạy lại xét nghiệm rất cao. Việc phát hiện ra những người đầu tiên nhiễm bệnh cũng như việc phân lập được virus quả thực là thành tựu lớn trong giai đoạn này. Và cũng bởi sự khó khăn trong xét nghiệm và hạn chế cơ sở có khả năng xét nghiệm, việc khoanh vùng cách ly cần làm rất khẩn trương và diện rộng, thậm chí đã có lúc chúng ta đóng băng toàn quốc hơn 20 ngày để ngăn chặn dịch. Đồng thời, do hạn chế về cơ sở làm xét nghiệm, số lượng test lúc đó chỉ dành cho những đối tượng thực sự nguy cơ hoặc thậm chí có triệu chứng mới xét nghiệm nên thành công chính cho giai đoạn này là công tác giám sát và cách ly nghiêm ngặt.
Giai đoạn tiếp theo là vụ dịch tại Đà Nẵng từ tháng 7/2020 đến tháng 10/2020. Đây là giai đoạn mà công tác phòng chống dịch đã đạt các bước tiến tốt hơn, khả năng xét nghiệm nhanh và trả kết quả sớm hơn giai đoạn trước. Tuy nhiên do chưa có biện pháp thích hợp trong dự phòng và điều trị đặc hiệu nên việc tăng cường phong tỏa vẫn phải thực hiện.
Trong giai đoạn này, Đà Nẵng và một số huyện thị của các tỉnh liên quan đã bị phong tỏa và lần đầu tiên xét nghiệm gộp được áp dụng cho phép phát hiện nhanh hơn các trường hợp nhiễm virus. Vụ dịch được khống chế sau khoảng 2 tháng và Việt Nam vẫn giữ được tình trạng Zero Covid sau đó nhiều tháng trước khi đến làn sóng thứ 3.
Làn sóng thứ 3 của dịch khi chủng Alpha tấn công vào Hải Dương ngay trước tết, tháng 1/2021, đây là tình huống bất ngờ sau khi chủ trương cho phép cách ly ngắn ngày đối với khách nhập cảnh vào làm việc được áp dụng. Giai đoạn này, Việt Nam vẫn chưa có liều vaccine nào nên việc cách ly tập trung và phong tỏa vẫn là biện pháp chính. Rất may là trong làn sóng dịch này, chỉ tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nhất còn các địa phương khác cũng đã kịp thời ngăn chặn và truy vết tích cực, nên số ca tử vong thấp. Đây cũng là giai đoạn mà cách ly tập trung bắt đầu xuất hiện những hạn chế khi mà số lượng người cần cách ly quá lớn mà điều kiện cơ sở cách ly chưa đảm bảo dẫn đến xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trong khu cách ly.
Làn sóng thứ 4 cũng là làn sóng đến hiện tại là chủng Delta tấn công vào và lan rộng cả nước từ thời điểm giữa tháng 4/2021. Đây là giai đoạn Việt Nam bắt đầu có vaccine Covid-19 nhưng ở mức độ rất hạn chế trong thời gian đầu. Vì vậy, suốt từ cuối tháng 4 cho đến tận tháng 10, Việt Nam vẫn cố gắng duy trì tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp thông qua các hạn chế về di chuyển và vấn đề cách ly. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên áp dụng việc điều trị F0 tại nhà cho kết quả tốt.
Từ chỗ là nước được thế giới đánh giá cao trong giai đoạn đầu của dịch, khi đối mặt với biến thể Delta, Việt Nam đã bước vào thời kỳ khủng hoảng, bài học rút ra từ khủng hoảng này là gì hay câu chuyện khủng hoảng này cho chúng ta thấy một thực tế về năng lực y tế cơ sở, khả năng chống đỡ, bảo vệ sức khỏe cho người dân; ý thức của cộng đồng và người dân...
Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng Covid-19. Hệ thống y tế Việt Nam trong 3 làn sóng đầu tiên, khi virus chưa biến đổi nhiều, số ca mắc bệnh còn ít, đã căng mình đáp ứng được tốt với việc đối phó với dịch bệnh. Chính sách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam giai đoạn này là “Zero Covid” với các biện pháp ngăn chặn, phát hiện sớm ca bệnh, truy vết, cách ly, dập dịch nhằm cắt nguồn lây, tổ chức điều trị có hiệu quả.
Khi biến chủng Delta lây lan vào Việt Nam khiến lượng bệnh nhân tăng đột biến, hệ thống y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, khám chữa bệnh cho người dân. Lúc này, những vấn đề của y tế cơ sở mới được bộc lộ.
Với số lượng bác sĩ/đầu dân ở mức khá thấp, khi hàng loạt trường hợp bệnh xuất hiện sẽ làm tê liệt nhanh chóng lực lượng y tế cơ sở vốn đã mỏng lại thiếu trang thiết bị. Trước đây, mỗi khi mắc bệnh, người dân thường tự đi đến các bệnh viện để được điều trị nên đã có lúc y tế cơ sở bị coi như chỉ có chức năng tiêm chủng. Thực tế hoàn toàn không phải vậy, chăm sóc sức khỏe ban đầu vốn là nhiệm vụ của y tế cơ sở và cũng là cơ sở để giảm tải cho khối bệnh viện.
Một bác sĩ đầu ngành về truyền nhiễm đã nói với tôi, y tế dự phòng tiêm chủng tốt thì bệnh viện mới được giảm tải, chúng tôi không hề muốn quay lại ngày xưa khi mà bệnh viện đầy bệnh nhân sởi, bạch hầu, ho gà hay bại liệt. Y tế cơ sở càng làm tốt thì bệnh viện càng đỡ vất vả và tập trung điều trị với kỹ thuật cao. Khi Covid-19 tràn qua, người ta lại thấy càng cần phải tăng cường năng lực của y tế cơ sở để có thể nhanh chóng sàng lọc và hỗ trợ sức khỏe cho người dân đặc biệt là hướng dẫn điều trị tại nhà.
Rõ ràng là việc giãn cách, cách ly không thể kéo dài vì sẽ gây ra sự kiệt quệ cho nền kinh tế. Cũng vì mưu sinh, người dân tại các vùng dịch bất chấp các quy định phòng chống dịch, đi làm ngay cả khi biết mình dương tính (tự xét nghiệm) dẫn tới tình trạng lây lan kéo dài không chấm dứt. Trong khi đó, nguồn vaccine giúp ngăn chặn đại dịch đã được cung cấp dồi dào hơn; Chính phủ đã quyết định chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống y tế vẫn phải đang nỗ lực rất nhiều bởi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, biến thể mới Omicron vừa xuất hiện, các nhà khoa học đến nay vẫn chưa thể đưa ra những kết luận chính xác về biến thể này.
Khủng hoảng lớn nhất mà biến thể Delta dạy cho chúng ta đó là sự sẵn sàng của y tế cơ sở. Đã có những lúc hệ thống y tế hoàn toàn tê liệt khi không còn nhân lực, vật lực để lo cho bệnh nhân. Đây là thực tế mà chúng ta cần điều chỉnh.
Chiến đấu ở năm thứ ba
Bước vào năm thứ ba chiến đấu với dịch bệnh, hiện có nhiều ý kiến lo ngại về việc số lượng F0 vẫn liên tục tăng, có tâm lý lo ngại là chúng ta đang “để dân tự bơi” chống dịch, là một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng, ông nghĩ sao về điều này?
Ngay từ lúc ra quyết định mở cửa trở lại, hạn chế cách ly và cho phép điều trị F0, theo dõi F1 tại nhà thì chính là lúc F0 sẽ tăng nhanh. Có hai lý do dẫn đến việc tăng nhanh này, một là người dân không ngại che giấu tình trạng nhiễm bệnh, tăng cường tự xét nghiệm thì số lượng ghi nhận thực tế sẽ tăng. Hai là, khi bật chế độ mở như vậy, khả năng lây nhiễm trong cộng đồng cũng tăng, điều này phản ánh thực tế là các biện pháp dự phòng trong dân đã bị xem nhẹ.
Nhiều người vô tư bỏ khẩu trang nói chuyện, tổ chức ăn uống tập trung..., cộng với việc đi lại dễ dàng hơn dẫn tới lây nhiễm tăng vọt. Ở mức độ lây nhiễm như hiện tại, không có một hệ thống truy vết nào có thể làm việc được, vì vậy, chúng ta thực sự phải chuyển hướng từ chỗ truy bằng hết đến chỗ phân luồng bệnh nhân hợp lý, đánh giá nguy cơ và phân tầng điều trị.
Như vậy, không phải buông lỏng phòng, chống dịch hay là “để dân tự bơi” mà chuyển trạng thái chống dịch từ ngăn chặn không nhiễm sang hạn chế nguy cơ tăng nặng và tử vong thông qua tiêm chủng và phân luồng điều trị. Đây chính là dự phòng cấp II và III trong thang chia cấp độ dự phòng thay vì dự phòng cấp 0 và 1 như trước đây.
Khủng hoảng lớn nhất mà biến thể Delta dạy cho chúng ta đó là sự sẵn sàng của y tế cơ sở. Đã có những lúc hệ thống y tế hoàn toàn tê liệt khi không còn nhân lực, vật lực để lo cho bệnh nhân. Đây là thực tế mà chúng ta cần điều chỉnh.
Rõ ràng cần phải có cách nhìn mới về cuộc chiến với đại dịch toàn cầu này, khi tỷ lệ vaccine đã được bao phủ toàn dân, người dân đã được tập dượt và hình thành thói quen 5K, đặc biệt tư duy Covid-19 là một bệnh có phác đồ điều trị. Hiện tại một bệnh viện TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Khoa Điều trị Covid-19, ông có thể chia sẻ thêm về xu hướng này?
Đây là xu hướng toàn cầu và tất yếu của một bệnh mang cấp độ đại dịch. Đại dịch nào thì cũng sẽ qua đi, có điều nó sẽ qua đi theo kịch bản như thế nào mà thôi.
Trong tình huống xấu, dịch bệnh tiếp tục lan tràn và biến đổi nhất là khi tiêm chủng vaccine không được bình đẳng giữa các quốc gia. Có những nước đạt tỉ lệ tiệm cận 100% trong khi vẫn còn nhiều nước chưa có vaccine. Khi đó virus tiếp tục biến đổi và tạo ra các chủng mới né tránh được miễn dịch cũ bao gồm cả vaccine và loài người sẽ phải tiếp tục sống chung với virus thêm nhiều năm nữa.
Kịch bản tốt hơn là sẽ có vaccine thế hệ mới, đủ rẻ và dễ tiếp cận để mọi người được tiêm đầy đủ, khi đó sẽ hạn chế lây nhiễm đến mức thấp nhất và dù có nhiễm cũng sẽ nhẹ nhàng, nhân loại sẽ vượt qua đại dịch.
Nhưng dù có kịch bản nào đi nữa thì virus cũng sẽ tồn tại với chúng ta chứ không mất đi hoàn toàn, hằng năm vẫn sẽ có những đợt bùng phát nhỏ tại những vùng lõm về miễn dịch, vì thế, việc có khoa điều trị chuyên ngành Covid-19 cũng là một điều tất yếu.
Cách đây một năm, các chuyên gia y tế đã dự tính điều này và bây giờ đã thành thực tế. Kể cả khi Covid-19 có trở thành bệnh như cảm lạnh thì chuyên khoa này vẫn sẽ có tác dụng như một bước chuẩn bị cho những đại dịch khác trong tương lai. Như vậy, sẽ bớt đi sự bị động như thời gian qua.
Ngoài ra, vấn đề rất nóng là sức mạnh của y tế cơ sở đã bị bào mòn quá nhiều trong suốt thời gian chống dịch cũng như sự thiếu quan tâm đầy đủ trong một thời gian dài trước đây cũng là vấn đề phải điều chỉnh.
Cần nhiều hơn những chính sách hỗ trợ để y tế cơ sở bao gồm cả tuyến quận huyện, xã, phường và y tế thôn, bản được quan tâm hơn, có chính sách thu hút và luân chuyển cán bộ để tuyến đầu chống dịch có nền tảng vững vàng hơn nhằm giảm tải cho tuyến cuối, tránh tình trạng quá tải bệnh viện như đã gặp trong thời gian bùng dịch vừa qua.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-chien-voi-covid-19-nam-thu-ba-174147.html