Cuộc chiến với những 'bóng ma lừa đảo' trên không gian mạng
Những đường dây lừa đảo trên mạng thường có 'tổng hành dinh' ở nước ngoài, hoạt động như những 'bóng ma', nhưng vẫn không thoát được lưới trời pháp luật.
Những chiến công xuất sắc của lực lượng công an
Khi sàn giao dịch chứng khoán ngoại hối “Fnory.com” bị lực lượng công an Thanh Hóa "lột mặt nạ" lừa đảo, không ít nạn nhân vốn tự hào về những món “lời” đã có được không khỏi bàng hoàng.
Tài liệu điều tra của Công an huyện Như Xuân cho biết, bước đầu đã tạm dừng giao dịch đối với 20 căn hộ và biệt thự, đồng thời thu giữ 13 xe ôtô, 47 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng giao dịch chuyển nhượng các loại, 60 điện thoại di động, 10 máy tính xách tay, 1 máy tính cây và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan trị giá trên 200 tỷ đồng.
Cũng trong những ngày đầu năm 2025, Công an Bắc Ninh đã triệt phá và bắt giữ hàng chục đối tượng trong một đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, trong đó có hàng chục đối tượng bị bắt ngay tại “tổng hành dinh” lừa đảo. Tài liệu điều tra cho biết, chỉ chưa đầy 1 năm, trong thời gian từ tháng 5/2024 đến nay, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13.000 bị hại trên cả nước. Trong đó, có hơn 300 bị hại ở Bắc Ninh với số tiền chiếm đoạt trên 31 tỷ đồng.
![Đối tượng Phạm Thị Huyền Trang (áo đen), mới 26 tuổi những đã là một trong những "trùm" của tổ chức lừa đảo vừa bị Công an Bắc Ninh triệt phá. Ảnh: bacninh.gov.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_35_51485056/fff4ac7b9f35766b2f24.jpg)
Đối tượng Phạm Thị Huyền Trang (áo đen), mới 26 tuổi những đã là một trong những "trùm" của tổ chức lừa đảo vừa bị Công an Bắc Ninh triệt phá. Ảnh: bacninh.gov.vn
Nhóm đối tượng này hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử (thành phố Bà Vẹt), tỉnh Svay Riêng, Campuchia với thủ đoạn giả danh các ngành chức năng gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế… sau đó chiếm quyền sử dụng điện thoại trước khi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại.
Chưa hết, Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa bắt tại trận 30 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản địa bàn hoạt động tại thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia. Đồng thời, phối hợp với Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Sân bay quốc tế Nội Bài, lực lượng chức năng đã bắt giữ thêm 26 đối tượng khi các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam.
Đây là đường dây lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin trên ứng dụng UNISAT và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok, hoạt động tinh vi, xuyên quốc gia. Với những cách thức hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp, tổ chức lừa đảo quốc tế này đã lừa đảo hàng nghìn bị hại là người Việt Nam, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Đây chỉ là ba trong số các chiến công xuất sắc của của lực lượng Công an trên trận tuyến chống một hoạt động tuy âm thầm mà hết sức khốc liệt như hoạt động lừa đảo trên mạng. Rất có thể tới đây còn những đường dây lừa đảo quy mô lên đến nhiều tỷ đồng tiếp tục được lực lượng công an bóc gỡ, đưa ra ánh sáng công lý.
Nhận dạng chân tướng của các “hệ sinh thái” lừa đảo
Có thể nói, sự tồn tại của các nhóm lừa đảo qua 3 vụ việc được lực lượng công an triệt phá trong những ngày đầu tiên của năm mới 2025 cho thấy tính chất lừa đảo của các nhóm này không dừng lại ở các đường dây riêng lẻ mà thực sự đã có cả một “hệ sinh thái” lừa đảo.
Hệ sinh thái tội phạm đó có tổ chức hẳn hoi theo mô hình kim tự tháp, có lớp lang các vòng và không loại trừ có cả sự liên thông, liên kết với nhau nhằm tối đa hóa số tiền lừa đảo cộng với trợ lực của công nghệ hiện đại, các ứng dụng mạng xã hội.
Các đối tượng tham gia hệ sinh thái này đa phần đều ở độ tuổi trên dưới 30, là độ tuổi sung mãn cả về thể lực và trí lực, đi đi về về trong nước và ra cả bên ngoài biên giới với tần suất hề không nhỏ. Các hình thức lừa đảo của chúng ngày càng tinh vi, phức tạp, khiến nhiều người dân, kể cả những người có những hiểu biết nhất định về kinh tế, tài chính, đầu tư phải “sập bẫy”, sa vào “thiên la địa võng” do các đối tượng lừa đảo giăng ra.
Những yếu tố nêu trên đã khiến cho công tác điều tra, phá án của lực lượng công an trong nước gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa là là một bộ phận người bị lừa đảo có tâm lý mặc cảm hoặc “ngại” trình báo với cơ quan công an và cơ quan chức năng khác, gây những khó khăn nhất định cho công tác phá án.
Tất cả những điều này đòi hỏi sự đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng của lực lượng công an với loại hình tội phạm đặc biệt này. Từ việc nắm thông tin, hành tung của các đối tượng, bản chất, thủ đoạn, chiêu thức lừa đảo đến việc thâm nhập vào các tổ chức lừa đảo, chủ động lên kế hoạch đấu mưu, đấu trí để có thể “đón lõng, cất vó” các nhóm đối tượng tham gia tổ chức lừa đảo thực sự là những khoảng thời gian lấy đi nhiều công sức của lực lượng đánh án.
Quá trình điều tra, phá án cũng đòi hỏi sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ Công an tới cơ sở, sự phối kết hợp của Công an các tỉnh, các địa phương trong cả nước cũng như sự phối hợp với các cơ quan chức năng quốc tế và sở tại bên ngoài biên giới để lột mặt nạ các chiêu thức lừa đảo, để khiến các đối tượng lừa đảo phải “tâm phục, khẩu phục” khi đối diện với công lý.
Những chiến công xuất sắc này càng thêm khẳng định lực lượng Công an nhân dân luôn thực sự là thanh bảo kiếm sắc bén của Đảng của Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đem lại cuộc sống thực sự bình yên cho Nhân dân.
Lực lượng công an nhân dân đã không chỉ bảo đảm an ninh truyền thống mà còn thực sự sắc bén, thực sự chủ động trong đấu tranh với các yếu tố, các loại tội phạm đe dọa an ninh phi truyền thống mà tội phạm lừa đảo qua mạng là một trong những đe dọa hàng đầu hiện nay. Để từ đó lôi ra trước ánh sáng công lý những “bóng ma lừa đảo", chiếm đoạt tiền và tài sản là mồ hôi, nước mắt của chính đồng bào mình, cộng đồng mình từ bên kia biên giới.
Công luận và người dân trên cả nước rất phấn khởi trước các chiến công xuất sắc của lực lượng công an trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để yên tâm sinh sống và làm việc, không để ảnh hưởng tới tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Thách thức an ninh phi truyền thống: Vỏ quýt dày khắc có móng tay nhọn
Theo các chuyên gia, tội phạm phi truyền thống là thách thức lớn nhất của an ninh trật tự dưới góc độ pháp luật hình sự trong thời kỳ an ninh mới. Phức tạp hơn, loại tội phạm này thường sử dụng thành tựu khoa học - công nghệ cao nên ẩn danh, khó phát hiện và việc xử lý dấu vết, truy tìm chứng cứ vô cùng khó khăn. Điều đáng quan ngại nữa ở loại tội phạm này là đa phần tội phạm trong nước liên kết với tội phạm người nước ngoài, hoạt động có tổ chức và mang tính quốc tế, xuyên quốc gia và rất chuyên nghiệp, cực kỳ táo tợn.
Thực tế đó đòi hỏi cần kịp thời tội phạm hóa trong các quy định pháp luật những hành vi nguy hiểm mới phát sinh trong xã hội cũng như kịp thời sửa đổi, bổ sung những điều luật bảo đảm ứng phó với diễn biến của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Để làm được điều này cần đến thời gian, trong khi chính những đối tượng lừa đảo đang từng ngày từng giờ tập trung cao độ cho hành vi câu kéo, phạm tội.
Bởi vậy, chống hành vi lừa đảo trên mạng nói riêng và các loại tội phạm hình sự mang tính an ninh phi truyền thống nói chung bên cạnh sự vào cuộc lực lượng công an cũng như các lực lượng chức năng khác còn rất cần hành động, tư duy tỉnh táo của mỗi công dân. Kẻ phạm tội an ninh phi truyền thống dù có thay đổi không gian hoạt động hay hình thức lừa đảo song “lưới trời lồng lộng”, ý thức mỗi công dân chung tay với sự hành động quyết liệt của cơ quan chức năng mà chủ công, trực tiếp là lực lượng Công an nhân dân chính là bảo đảm để không còn dư địa cho sự tồn tại của hành vi lừa đảo.
Những đường dây lừa đảo trên mạng thường có "tổng hành dinh" ở nước ngoài, hoạt động như những "bóng ma" vô hình, nhưng vẫn không thoát được lưới trời pháp luật.