'Cuộc chiến xứ Gallia' và sự thật về các biến cố của một thời kỳ lịch sử

Nhờ tập ký sự 'Cuộc chiến xứ Gallia' của Julius Caesar mà một góc quá khứ đã thoát khỏi số phận chìm nghỉm mãi mãi trong lỗ đen của lịch sử.

Nói đến Julius Caesar, chắc phần lớn những ai quan tâm tới ông đều nhớ tới bức thư chỉ gồm ba từ “Veni, vidi, vici” mà Caesar gửi về Viện nguyên lão, ba từ đầy ngạo mạn có nghĩa là “Tôi đã tới, tôi đã thấy, tôi đã thắng”.

Bức thư ngắn tới mức khó có thể ngắn hơn, đồng thời tôn vinh cho tài năng của Caesar không thể trọn vẹn hơn, được tác giả của nó viết ra khi ông đang chinh chiến trên lãnh thổ xứ Gaul, địa bàn ngày nay phần lớn trùng với lãnh thổ nước Pháp hiện đại.

Cần phải nói rằng người Gaul là một đối thủ đặc biệt với người Roma, một nỗi ám ảnh ghê gớm từ khi người Gaul chiếm và tàn phá Roma vào năm 390 TCN, khiến cho hầu như toàn bộ ghi chép về lịch sử trước đó của Roma mất hết. Bởi vậy, chinh phạt và khuất phục vĩnh viễn người Gaul là một sự báo thù tối hậu, một thắng lợi vĩ đại trong quan điểm của người Roma.

Đó cũng là lý do Caesar chọn cuộc chinh phạt xứ Gaul của mình để viết Commentarii de Bello Gallico (Cuộc chiến xứ Gallia), tác phẩm hiếm hoi của ông còn lưu lại, bởi chiến thắng trước đối thủ này sẽ tạo ấn tượng mạnh với dân chúng Roma và rất có lợi cho việc xây dựng vốn liếng chính trị trong sự nghiệp của Caesar.

Cho dù là tường thuật tự sự về cuộc chiến do chính mình tiến hành, Caesar đã sử dụng cách kể ở ngôi thứ ba để viết cuốn sách, tạo cho câu chuyện vẻ khách quan cùng với giọng kể đậm chất trung dung. Tập sách được chia thành 8 quyển, mỗi quyển lại chia thành các tiết theo thông lệ của tác phẩm cổ xưa.

Những biến cố trong Cuộc chiến xứ Gallia diễn ra trong khoảng gần một thập kỷ, từ năm 58 đến năm 50 trước Công nguyên. Bắt đầu từ thắng lợi của Caesar trước người Helvetii cho đến khi ông thực sự trở thành “ông vua không ngai” ở xứ Gaul đã hoàn toàn bị khuất phục, cũng là thời điểm Viện nguyên lão quyết định yêu cầu Caesar phải giao lại binh quyền của mình như một chấp chính quan ngoan ngoãn. Và rồi tập sách dừng lại vào thời điểm Caesar phải đưa ra quyết định quan trọng bậc nhất trong cuộc đời.

Được tường thuật theo thứ tự thời gian, các trang sách dẫn người đọc lần theo không chỉ bước đường chinh phạt của Caesar mà cả một cuộc khám phá về địa dư, dân tộc của phần Tây Âu thời cổ đại. Chín năm chinh chiến đã dẫn các quân đoàn Roma của Caesar vượt ra khỏi lãnh thổ bán đảo Italy, đặt chân tới các vùng đất ngày nay là địa phận của Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan và cả nước Anh thời hiện đại.

Những nét chấm phá tuy sơ lược về đặc tính của các tộc người Gaul, địa bàn sinh sống, cách thức sinh hoạt cũng như chiến đấu của họ đều được đề cập đến trong cuốn sách, bên cạnh những mô tả chi tiết về phương thức chiến đấu của các quân đoàn Roma.

Đã từ lâu tác phẩm Cuộc chiến xứ Gallia được xem là một nguồn tư liệu đương thời quan trọng về các biến cố của một thời kỳ lịch sử xa xưa từ hơn 2.000 năm trước. Không chỉ về mặt lịch sử mà quan trọng hơn thế là những chi tiết về nhân sinh quan, thế giới quan của người xưa, và nhất là các hoạt động hàng ngày của con người thời ấy vì lý do nào đó tình cờ được ngòi bút của Caesar (hay có lẽ nhiều khả năng hơn là của một trong các thư ký luôn tháp tùng ông) ghi chép lại.

Thật khó để nói rằng Caesar viết Cuộc chiến xứ Gallia xuất phát từ tình yêu du ký, địa dư hay muốn lưu lại một tường thuật hoàn toàn khách quan, trung thực về các chiến dịch chinh phạt người Gaul của mình. Tất nhiên Caesar hiểu rõ sức mạnh tuyên truyền mà cuốn sách này đem đến cho ông khi dụng công viết ra nó, bởi thế tác phẩm có thể đóng vai trò như một công cụ tạo dựng uy tín, phục vụ khát vọng thâu tóm quyền lực của ông.

Tuy nhiên, hậu thế chắc chắn sẽ cảm ơn Julius Caesar bởi hai điều. Thứ nhất, nhờ tập ký sự của ông mà một góc của quá khứ đã thoát khỏi số phận chìm nghỉm mãi mãi trong lỗ đen của lịch sử. Thứ hai, có thể quan trọng hơn với người này nhưng ít quan trọng hơn với người khác, bản thân nội dung tập ký sự ấy cũng đủ lôi cuốn độc giả đa dạng. Một người chỉ đơn thuần tìm kiếm bản tường thuật kịch tính về chinh chiến, một người ưa thích những câu chuyện mưu bá đồ vương, tính toán thao lược, hay một người mong chờ gặp nguồn cảm hứng phù hợp để thổi bùng lên cao vọng tiềm tàng của bản thân. Dù là ai cũng sẽ tìm thấy sức hấp dẫn từ các dòng ký sự của Caesar.

Dịch giả Lê Đình Chi

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuoc-chien-xu-gallia-va-su-that-ve-cac-bien-co-cua-mot-thoi-ky-lich-su-2293425.html