'Cuộc chơi' đa mục đích

Kéo giảm giá dầu vừa là cách để Mỹ tạo động lực tăng trưởng kinh tế vừa gây tổn hại cho Nga, đồng thời tăng áp lực với chính các đồng minh và đối tác

Trong những ngày qua, giá dầu mỏ trở thành chủ đề rất thời sự trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế. Hai dòng diễn biến chính là giá dầu mỏ giảm và ứng phó của các nước bị tác động trực tiếp cũng như của các nước chủ ý chơi cuộc chơi quyền lực với biến động giá dầu.

Đáng chú ý nhất trong những diễn biến này là hội nghị của Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+), là việc Brazil tham gia liên minh này, chuyến công du Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chuyến thăm Nga của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Trong chương trình nghị sự đương nhiên không thiếu vắng những chuyện chính trị và an ninh khu vực cũng như thế giới, đặc biệt dưới tác động của cuộc xung đột ở Ukraine và ở Dải Gaza. Song, vấn đề năng lượng nói chung và giá dầu mỏ thế giới nói riêng vẫn được ưu tiên hàng đầu.

Trong OPEC+, chỉ có Angola không đồng ý quyết sách chung của nhóm là giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu để chặn đà suy giảm rồi dần dần đẩy giá dầu tăng trở lại. Các thành viên khác đều nhất trí tiếp tục chủ trương vốn đã được thực thi từ khá lâu nói trên.

Người đi xe máy chờ đổ xăng ở Buenos Aires - Argentina ngày 8-12 giữa lúc các công ty dầu nước này đồng loạt tăng giá Ảnh: REUTERS

Người đi xe máy chờ đổ xăng ở Buenos Aires - Argentina ngày 8-12 giữa lúc các công ty dầu nước này đồng loạt tăng giá Ảnh: REUTERS

Cách tiếp cận ở đây đơn giản và mang tính kinh điển là tác động trực tiếp tới mối quan hệ giữa cung và cầu: Cung ứng giảm trong khi nhu cầu không thay đổi hoặc tăng thì giá sẽ tăng. OPEC+ thực hiện 2 cách giảm cung là quy định hạn ngạch cụ thể cho từng thành viên về giảm sản lượng xuất khẩu hằng ngày và từng thành viên tự nguyện giảm thêm khối lượng nhất định nữa.

Khi thăm Ả Rập Saudi, ông Putin và thái tử nước này cùng khẳng định sự đồng thuận sâu rộng về chủ trương nêu trên và nhất trí cùng nhau thực hiện. Ngược lại, Mỹ vừa tăng cường khai thác dầu khí trong nước vừa thúc ép các đồng minh ở Trung Đông và vùng Vịnh tăng sản lượng cả khai thác lẫn xuất khẩu.

Cứ thế, cuộc chơi với diễn biến giá dầu hình thành. Các thành viên OPEC+, trừ Angola, muốn giá dầu duy trì ở mức cao để lợi nhuận thu về luôn nhiều nhất và ổn định nhất.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới nói chung chưa được khả quan, lại còn bị vạ lây bởi biến động chính trị - an ninh cũng như cuộc cạnh tranh, đối đầu chiến lược giữa các đối tác lớn, nhu cầu tiêu dùng về dầu mỏ không thể tăng.

Vì thế, OPEC+ chỉ còn quyết sách duy nhất là giảm khối lượng khai thác và xuất khẩu. Qua đó, các nước này cũng chủ ý thể hiện sự tự chủ chứ không lụy Mỹ.

Angola và Mỹ lại theo đuổi mục tiêu khác nhau. Trong khi Angola muốn tăng khối lượng xuất khẩu bù cho thiệt hại bởi giá dầu giảm thì Mỹ tăng khai thác để kích cầu nội địa, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và tự chủ về cung ứng năng lượng.

Mỹ còn muốn kéo giảm giá dầu để gây tổn hại to lớn cho Nga, làm Nga suy yếu về kinh tế và cạn kiệt về thu nhập. Làm giảm giá dầu cũng là cách để Mỹ gia tăng áp lực với chính các đồng minh và đối tác của nước này (đồng thời là thành viên nhóm OPEC+). Tùy theo giác độ nhìn nhận mà các bên coi đó là cuộc chơi hay cuộc chiến với giá dầu.

NGẢI SA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-choi-da-muc-dich-196231209202129444.htm