'Cuộc chơi' Việt Nam - EU được thiết lập theo nguyên tắc nào?
Theo Vụ Thương mại đa biên những quy tắc cam kết của Hiệp định EVFTA sẽ đòi hỏi sự phức tạp, chi tiết hơn so với những cam kết truyền thống trước đây, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích nghi mới có thể nhập cuộc.
EVFTA – Hiệp định Thương mại toàn diện
Theo đánh giá của Vụ Chính sách thương mại đa biên tại Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA”, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Từ năm 2009 đến năm 2019, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần (từ 1,3 tỷ USD lên 14,90 tỷ USD).
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, nếu đưa vào thực thi, EVFTA được dự báo sẽ đem lại những tác động tích cực trên nhiều lĩnh vực đối với Việt Nam và cả những thách thức mà doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước của Việt Nam cần giải quyết.
Việt Nam – EU cam kết mở cửa thị trường song phương
Bên cạnh những nội dung cốt lõi của Hiệp định EVFTA về cam kết mở cửa thị trường thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ… ông Lương Hoàng Thái cũng nhấn mạnh, việc mở cửa thị trường trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ cần được chú trọng. Bởi lẽ, khi tiếp cận được thị trường này trong tương lai, cánh cửa cơ hội của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng.
Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu…Việt Nam có lộ trình để thực hiện. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này.
Về diện cam kết, nước ta cam kết mở cửa mua sắm của các Bộ, ngành trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (đối với các hàng hóa và dịch vụ mua sắm thông thường không phục vụ mục tiêu an ninh – quốc phòng), thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số Viện thuộc trung ương.
Về ngưỡng mở cửa thị trường, ta có lộ trình 15 năm để mở cửa dần các hoạt động mua sắm.
Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước trong vòng 18 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với dược phẩm, Việt Nam cam kết cho phép các doanh nghiệp EU được tham gia đấu thầu mua sắm dược phẩm của Bộ Y tế và bệnh viện công trực thuộc Bộ Y tế với một số điều kiện và lộ trình nhất định.
Quy tắc thiết lập mối quan hệ song phương Việt Nam – EU
Tại Hội nghị, ông Lương Hoàng Thái đã nhấn mạnh việc “hài hòa hóa”, các quy tắc về môi trường đầu tư, loại bỏ rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn ô tô,…
Những quy tắc cam kết của Hiệp định EVFTA sẽ đòi hỏi sự phức tạp, chi tiết hơn so với những cam kết truyền thống trước đây, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích nghi và đổi mới.
Đơn cử như một số quy tắc về sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
Hai bên khẳng định cam kết theo đuổi phát triển bền vững, bao gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Về vấn đề lao động, với tư cách là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hai bên cam kết tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện Tuyên bố 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm việc thúc đẩy phê chuẩn và thực thi có hiệu quả các Công ước cơ bản của ILO.
Doanh nghiệp cần chủ động đón đầu mọi cơ hội
Để đón đầu những cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, Vụ chính sách thương mại đa biên cũng đã đưa ra 5 giải pháp đồng bộ, hỗ trợ DNNVV Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực:
Thứ nhất, chủ động tìm hiểu Hiệp định EVFTA thông qua việc tham gia các chương trình phổ biến, hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn về EVFTA do Bộ Công Thương và các đơn vị phối hợp tổ chức; tra cứu tài liệu, thông tin cập nhật về Hiệp định, cơ hội thị trường EU tại trang thông tin điện tử về EVFTA của Bộ Công Thương tại địa chỉ evfta.gov.vn; liên hệ trực tiếp Bộ Công Thương nếu có thắc mắc trong quá trình tận dụng, thực thi Hiệp định.
Thứ hai, chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Thứ ba, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, từ đó đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của Hiệp định và tiêu chuẩn cao của EU.
Thứ tư, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững của Hiệp định, cụ thể, cần lưu ý đến các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động và các quy định, nguyên tắc về bảo vệ môi trường, do đây là những nội dung mà phía EU đặc biệt quan tâm.
Thứ năm, doanh nghiệp cần chủ động và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực.