Cuộc chơi xa xỉ của giới siêu giàu

Theo tờ Sunsport của nước Anh, Qatar đã chi 200 tỷ USD để tổ chức World Cup 2022.

Sân Lusail sẽ diễn ra trận chung kết World Cup 2022.

Sân Lusail sẽ diễn ra trận chung kết World Cup 2022.

Mặc dù, trái bóng Al Rihla – cuộc hành trình của Vòng chung kết World Cup 2022 chưa lăn, song chủ nhà Qatar đã biến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh trở thành cuộc chơi vô cùng tốn kém và đắt đỏ.

Kỷ lục siêu khủng

Theo tờ Sunsport của nước Anh, Qatar đã chi 200 tỷ USD để tổ chức World Cup 2022. Con số này gấp gần 20 lần so với số tiền 11,6 tỷ USD mà Nga bỏ ra để tổ chức giải đấu năm 2018. Khoản chi tiêu cao nhất để đăng cai một kỳ World Cup trước đó thuộc về Brazil là 15 tỷ USD năm 2014, trong khi Nam Phi tốn 3,6 tỷ USD cho giải đấu năm 2010.

World Cup 2006 tiêu tốn của nước Đức 4,3 tỷ USD. Hàn Quốc và Nhật Bản chi tổng cộng 7 tỷ USD để cùng đăng cai giải đấu năm 2002. Pháp bỏ ra 2,3 tỷ USD tổ chứcWorld Cup 1998, trong khi Mỹ chi 500 triệu USD cho giải đấu năm 1994.

Như vậy, tổng số tiền các nước chủ nhà đầu tư để đăng cai 7 kỳ World Cup gần nhất là 44,3 tỷ USD, chưa bằng một phần tư so với số tiền mà quốc gia Tây Á chi ra cho giải đấu vào cuối năm nay.

Cũng theo SunSport, Qatar đã chi khoản tiền khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, bao gồm những con đường mới, nâng cấp giao thông công cộng, khách sạn và các cơ sở thể thao.

Chín trong số những công trình ngốn của Qatar nhiều tiền nhất là 8 sân vận động được xây mới hoặc tu sửa. Đặc biệt, sân Lusail được xây mới có sức chứa 80 nghìn người với kinh phí xây dựng 675 triệu USD và tuyến tàu điện trị giá 36 tỷ USD.

Theo bà Fatma Al Nuaimi - Giám đốc truyền thông giải đấu, World Cup 2022 là một phần của Tầm nhìn Quốc gia 2030, và Chính phủ Qatar kì vọng những dự án họ xây dựng cho ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quốc gia này, đặc biệt là ngành du lịch.

Trong khi đó, ông Sheikha Alanoud Al Thani, Phó Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Kinh doanh của Trung tâm Tài chính Qatar, cho biết: Việc tổ chức một kỳ World Cup thành công sẽ chứng tỏ đẳng cấp của ngành công nghiệp thể thao của Qatar, mang lại cho Qatar một cơ hội có một không hai để đưa mình không chỉ lên bản đồ thể thao quốc tế, mà cả kinh tế và kinh doanh quốc tế.

Qatar làm nên lịch sử khi lần đầu tiên mang World Cup đến Trung Đông, chào đón hàng triệu người hâm mộ và các đội tuyển từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư của nước chủ nhà cũng như khu vực Tây Á siêu giàu.

Chi tiêu cho quảng cáo và tiếp thị xung quanh World Cup được dự báo đạt mức cao kỷ lục và các chuyên gia cho rằng, thời điểm diễn ra World Cup trước thềm Giáng sinh và Năm mới sẽ mang đến cho Qatar tiềm năng về sự trải nghiệm độc đáo nhất cho các thương hiệu quảng cáo tại sự kiện này.

Hãng tin Euronews nhấn mạnh, khoảng 1,5 triệu người hâm mộ dự kiến sẽ đến thăm Qatar để tham dự sự kiện bóng đá lịch sử này, tạo động lực phát triển cho ngành du lịch và thực phẩm “không khói”. World Cup 2022 không chỉ là một sự kiện lịch sử trong khu vực, mà còn có khả năng là một động lực sinh lợi hiếm có cho nền kinh tế Qatar trong nhiều năm tới.

Đồng hồ đếm ngược đến ngày khai mạc World Cup 2022 ở Qatar.

Đồng hồ đếm ngược đến ngày khai mạc World Cup 2022 ở Qatar.

Đằng sau sự tráng lệ

Những hành động tình tứ ở nơi công cộng, như ôm hôn… nằm trong nội dung bị cấm. Và nếu thể hiện tình cảm đồng giới, kể cả khi nó là biểu hiện của tình bạn, có thể bị phạt 3 - 7 năm tù. Các khách sạn ở Qatar không chào đón những cặp đôi không phải vợ chồng. Hoạt động mại dâm và các mối quan hệ ngoài luồng đều bất hợp pháp. Thậm chí, những người dụ dỗ phụ nữ hoặc mua dâm đều phải nhận bản án lên đến vài năm tù. Vứt rác, khạc nhổ, phóng uế nơi công cộng hoặc đường phố có thể bị phạt đến 25 nghìn Qatar riyal (6.500 USD).

World Cup 2022 hứa hẹn sẽ trở thành ngày hội bóng đá kỳ vĩ, hoành tráng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên giải đấu thế giới diễn ra ở Trung Đông và tại một quốc gia Hồi giáo nên nó cũng kéo theo những điều kỳ lạ cùng những quy định khắt khe, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Các cổ động viên không được mang theo rượu, văn hóa phẩm đồi trụy, sách tôn giáo (trừ đạo Hồi) và các chế phẩm từ thịt lợn. Ngay cả thuốc lá điện tử cũng đã bị cấm ở Qatar từ năm 2014.

Chuyện ăn mặc cũng là vấn đề rất lớn. Dưới nền nhiệt độ mùa đông đã vào khoảng 30 độ C, du khách hãy quên đi những chiếc quần soóc ngắn, áo ba lỗ bó sát hay crop top. Thay vào đó, họ cần chuẩn bị quần tây, váy dài và áo che vai ở những nơi công cộng.

Ngay cả bãi biển, phụ nữ mặc bikini và đàn ông ngực trần, mặc quần đùi cũng không được khuyến khích. Các du khách chỉ có thể làm điều đó nếu ở bãi biển riêng hoặc hồ bơi của khách sạn quốc tế.

Bên cạnh đó, rượu bia, phần không thể thiếu ở ngày hội bóng đá sẽ bị hạn chế. Ở Qatar, chỉ những người trên 21 tuổi mới được phép sử dụng đồ uống có cồn, uống và say xỉn nơi công cộng là hành vi phạm pháp. Rượu bia chỉ được cung cấp ở các nhà hàng, quán bar được cấp phép.

Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền, hoặc có thể bị phạt 6 tháng tù. Tuy nhiên, ngành công nghiệp bia rượu đã có những động thái cần thiết, đủ khiến chủ nhà Qatar đồng ý mở rộng địa điểm cung cấp đồ uống có cồn. Không gian riêng sẽ là những nơi “gắn cờ FIFA”, như tại các ki-ốt trong sân vận động hoặc khu fan zone.

Nhìn lại lịch sử World Cup, chưa có quốc gia nào tổ chức giải đấu này mà lại hạn chế mọi điều kiện như Qatar. Nga, nước đăng cai World Cup gần nhất tổ chức giải đấu trên 11 thành phố, Brazil từng tổ chức giải đấu tại 12 thành phố.

Trong khi đó, Qatar chỉ rộng gần 12km2 với dân số chỉ khoảng 3 triệu người. Thủ đô Doha, với dân số khoảng 2,4 triệu người, đang phải gồng mình chuẩn bị, bởi giải đấu gồm 32 đội sẽ được tổ chức tại 8 sân vận động trong và xung quanh thủ đô, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng. Chi phí về phòng khách sạn, vé máy, visa... đang được đẩy lên rất cao.

World Cup 2022 dự kiến sẽ thu hút hơn một triệu khách du lịch, nhưng đến tháng 3, Qatar chỉ có 30 nghìn phòng khách sạn, 80% trong số đó đã được Liên đoàn Bóng đá thế giới đặt cho các đội bóng, quan chức và nhà tài trợ.

Để có thêm chỗ ở, ban tổ chức đang cung cấp các phòng ở chung trong các căn hộ trống, biệt thự và lều kiểu truyền thống trên sa mạc. Hai tàu du lịch cũng được chuyển đổi thành khách sạn neo đậu tại cảng Doha. Tuy vậy, đến lúc này, các lựa chọn về phòng trọ, khách sạn trên đất liền dành cho du khách là rất ít và quá đắt đỏ.

Thành Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuoc-choi-xa-xi-cua-gioi-sieu-giau-post610937.html