Cuộc chuyển giao vương quyền nhiều kỳ vọng ở Đan Mạch
Nữ hoàng Margrethe đệ nhị của Đan Mạch, vị quân vương tại vị lâu nhất châu Âu, sẽ thoái vị vào ngày 14/1 sau 52 năm trị vì và người kế ngôi sẽ là con trai cả của bà, Thái tử Frederik.
Một chương đáng chú ý trong lịch sử Đan Mạch
Nữ hoàng Margrethe đệ nhị, là một nhân vật đáng nể trong chế độ quân chủ Đan Mạch, đóng vai trò then chốt trong việc định hình lịch sử và văn hóa quốc gia, có những đóng góp lớn cho nghệ thuật, chính trị của đất nước.
Sinh năm 1940, trong gia đình Vua Frederik đệ tứ và Nữ hoàng Ingrid, bà Margrethe luôn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người Đan Mạch. Họ yêu thích bà vì tính cách khéo léo và sáng tạo. Nữ hoàng cũng là người yêu thích khảo cổ học và đã tham gia một số cuộc khai quật.
Nữ hoàng Margrethe II là người đam mê nghệ thuật, bà nổi tiếng với vai trò là người bảo trợ chính cho các hoạt động văn hóa. Việc bà tham gia vào các hoạt động văn hóa như vẽ tranh và thiết kế bối cảnh sân khấu, đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong nền nghệ thuật của Đan Mạch. Sự ủng hộ của bà đối với nghệ thuật không chỉ làm phong phú thêm di sản văn hóa của dân tộc mà còn phản ánh sự cống hiến cá nhân của bà trong sáng tạo nghệ thuật.
Năm 1972, bà Margrethe chính thức trở thành Nữ hoàng Đan Mạch với khẩu hiệu "Biết ơn Chúa và gìn giữ tình yêu của nhân dân, đó là sức mạnh của Đan Mạch”. Bà luôn xem trọng phúc lợi của dân chúng, lắng nghe và gần gũi họ. Đan Mạch thường được ca ngợi là quốc gia bình yên và có chỉ số hạnh phúc gần như cao nhất thế giới.
Hoàng gia Đan Mạch có thu nhập khiêm tốn hơn nhiều nước châu Âu khác. Cung điện chỉ có hơn 100 nhân viên phục vụ, không có cả vệ binh. Bản thân Nữ hoàng Margrethe cũng có lối sống cực kì giản dị và bình dân. Bà tự mình đi chợ mua đồ, đi máy bay hạng phổ thông, tự thiết kế quần áo cho mình. Người dân bình thường nếu có mong muốn đều có thể đăng kí để gặp mặt, trao đổi với nữ hoàng. Chính phong thái gần gũi này khiến bà hết sức được lòng người dân của mình. Thay vì dành thời gian vào các buổi tiệc tùng hay những nghi lễ phô trương, rườm rà, nữ hoàng tham gia vào nhiều hoạt động xã hội như một công dân bình thường.
Trong suốt cuộc đời của mình, Nữ hoàng Margrethe đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người Đan Mạch. Nhân dịp nữ hoàng chuyển giao ngôi báu, một tiệm bánh ở Copenhagen làm một loại bánh ngọt đặc biệt để vinh danh bà.
Ông Henrik Jonsbak - Chủ hiệu bánh Det Franske Conditori chia sẻ: “Tôi đang cầm chiếc bánh chúng tôi làm nhân dịp nhà vua mới của Đan Mạch lên ngôi và thông thường chúng tôi sẽ làm điều gì đó có ý nghĩa để phục vụ khách hàng khi nữ hoàng và hoàng gia tổ chức sinh nhật, đám cưới hay các sự kiện tương tự”.
Nữ hoàng Margrethe đệ nhị có phong cách thời trang độc đáo. Việc bà chọn mặc gì không chỉ định hình một thời đại mà còn ảnh hưởng đến các xu hướng thời trang Đan Mạch và quốc tế. Tủ quần áo của Nữ hoàng Margrethe II trở thành một bức tranh không chỉ phản ánh sự vương quyền mà còn bộc lộ cá tính của bà. Nhà thiết kế yêu thích của bà là Jørgen Bender. Trang phục kết hợp với những phụ kiện ngọc lục bảo yêu thích đã biến bà thành biểu tượng phong cách hoàng gia.
Lịch sử hoàng gia gồm nhiều nghi lễ và truyền thống lớn, mỗi nghi lễ đều đóng một vai trò quan trọng trong bản sắc văn hóa của Đan Mạch. Từ đám cưới hoàng gia đến tang lễ cấp nhà nước, mỗi sự kiện đều mang một ý nghĩa biểu tượng nhằm củng cố tính liên tục của chế độ quân chủ và mối liên hệ với người dân.
Ở Đan Mạch, quyền lực chính thức thuộc về Quốc hội và Chính phủ do quốc hội bầu. Vua và Nữ hoàng được kỳ vọng đứng ngoài chính trị đảng phái, đại diện cho quốc gia thực hiện các nghĩa vụ truyền thống, từ các chuyến thăm cấp nhà nước đến lễ kỷ niệm ngày quốc khánh.
Theo hiến pháp, Nữ hoàng Margrethe đệ nhị tuy không có quyền quyết định nhưng vẫn được đưa các ý kiến đóng góp vào các vấn đề chính trị, đưa ra cái nhìn sâu sắc và quan điểm về các vấn đề có tầm quan trọng quốc gia, đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình các quyết định chính trị, nêu bật mối quan hệ năng động giữa chế độ quân chủ và chính phủ.
Ảnh hưởng của Nữ hoàng Margrethe đệ nhị vượt ra ngoài biên giới Đan Mạch. Vai trò của bà trong quan hệ quốc tế và ngoại giao đã nâng cao vị thế toàn cầu của Đan Mạch, đóng góp cho nền ngoại giao toàn cầu, thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa Đan Mạch và các quốc gia khác. Nữ hoàng Margrethe II đã giành được sự công nhận quốc tế. Sức ảnh hưởng toàn cầu của bà vượt qua ranh giới văn hóa và địa lý, giúp bà trở thành một nhân vật được kính trọng ngoài lãnh thổ Đan Mạch.
Triều đại của Nữ hoàng Margrethe II là một chương đáng chú ý trong lịch sử Đan Mạch. Những đóng góp nhiều mặt và di sản lâu dài của bà khiến bà trở thành nữ hoàng sẽ được thế hệ mai sau ghi nhớ. Cho dù thông qua ảnh hưởng văn hóa, sự tham gia chính trị hay khả năng cá nhân, Nữ hoàng Margrethe II đã để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong câu chuyện của Đan Mạch, định hình bản sắc dân tộc ngay cả khi thời đại của bà đã kết thúc.
Thái tử kế vị Frederik – Truyền thống và hiện đại
Giờ đây, mọi ánh mắt đang tập trung vào Thái tử Frederik, người đã tốt nghiệp thạc sĩ khoa học chính trị vào năm 1995, trở thành thành viên Hoàng gia Đan Mạch đầu tiên hoàn thành bằng sau đại học. Thái tử Frederik được đánh giá là hiện thân của sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, sẵn sàng lãnh đạo chế độ quân chủ nghìn năm tuổi của Đan Mạch trong tương lai.
Sinh ngày 26/5/1968, Thái tử kế vị Frederik André Henrik Christian là con trai cả của Nữ hoàng Margrethe và Quận công quá cố Henrik.
Thái tử Frederik có em trai là Hoàng tử Joachim. Ông kết hôn với Công nương Mary Donaldson vào năm 2004, và có bốn người con gồm: Hoàng tử Christian, Công chúa Isabella, Hoàng tử Vincent và Công chúa Josephine.
Thái tử Frederik học tiểu học tại Krebs' Skole ở Copenhagen và sau đó học ở École des Roches, một trường nội trú ở Normandie, Pháp.
Ông nổi tiếng năng động, thích đi xe tốc độ cao và thích tiệc tùng, điều này từng khiến ông từng bị đánh giá là sốc nổi vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên, những điều tiếng này bắt đầu thay đổi sau khi ông tốt nghiệp Đại học Aarhus năm 1995, trở thành thành viên Hoàng gia Đan Mạch đầu tiên hoàn thành chương trình giáo dục đại học. Ông cũng có một thời gian làm việc tại Đại học Harvard (Mỹ), nơi ông đăng ký học với bút danh Frederik Henriksen. Sau đó, ông phục vụ trong Quân đội Hoàng gia Đan Mạch, Hải quân Hoàng gia Đan Mạch và Quân đoàn Người nhái Đan Mạch. Ông mang quân hàm Thiếu tướng trong lục quân và không quân, Chuẩn Đô đốc trong hải quân.
Thái tử đã tham gia một số cuộc tập trận và nhiệm vụ quân sự, bao gồm Chiến dịch ma sát ở vịnh Persic; Chiến dịch nỗ lực tích cực ở Địa Trung Hải; Chiến dịch Lá chắn Đại dương ở vùng Sừng châu Phi. Ông cũng là người bảo trợ cho nhiều tổ chức quân sự và nhân đạo khác nhau.
Thái tử Frederik còn là vận động viên thể thao và nhà thám hiểm. Bên cạnh việc tham gia các cuộc thi marathon, ba môn phối hợp, ông cũng đã lên đỉnh Kilimanjaro, đi thuyền qua Đại Tây Dương và đi bộ đến Bắc Cực. Ông là thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế và là Chủ tịch danh dự của Ủy ban Olympic quốc gia Đan Mạch, đồng thời là người bảo trợ cho một số Hiệp hội thể thao và văn hóa.
Thái tử Frederik thông thạo tiếng Đan Mạch, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức. Ông quan tâm đặc biệt tới khoa học, công nghệ và đổi mới, là người bảo trợ cho Lễ hội Khoa học Đan Mạch, Thành phố khoa học Copenhagen và Quỹ Công nghiệp Đan Mạch, Quỹ Động vật hoang dã thế giới, Quỹ Xanh toàn cầu. Ông cũng tham gia vào nhiều sáng kiến khác nhau để thúc đẩy phát triển bền vững, năng lượng tái tạo và hành động khí hậu.
Còn Thái tử phi Mary, vợ của Thái tử Frederik - Nhà vua sắp lên ngôi - từ một cô gái thường dân Australia, vốn không biết tiếng Đan Mạch, giờ đây đã giành được sự yêu mến của người dân khắp đất nước nhờ sự cống hiến cho nghĩa vụ hoàng gia và khả năng ngôn ngữ thông thạo của mình. Bất chấp những đồn đoán về tình trạng hôn nhân của cặp đôi hoàng gia trong nhiều năm qua, họ vẫn luôn chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng mình vẫn đang hạnh phúc.
Người Australia ở bang Tasmania, quê hương của Thái tử phi Mary, rất vui mừng và tự hào về việc bà trở thành Hoàng hậu sau khi Nữ hoàng Margrethe II, tuyên bố thoái vị.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 85% người Đan Mạch có quan điểm tích cực về Thái tử phi Mary. Thái tử Frederik cũng giành được sự yêu mến của người hâm mộ, ông đã tự thay đổi hình ảnh của mình trước công chúng, từ một chàng trai có phần nổi loạn thời trẻ trở thành người đàn ông của gia đình.
Cuộc cải tổ của các hoàng gia
Vào năm 2019, Vua Thụy Điển Carl Gustaf đã miễn nhiệm cho 5 người cháu của mình khỏi các chức danh và nhiệm vụ “hoàng gia”, xóa bỏ khoản trợ cấp dành cho các thành viên hoàng gia lấy từ tiền thuế của người dân. Cách đây hơn 40 năm, một khoảnh khắc lịch sử đã diễn ra tại Thụy Điển, làm thay đổi cả những vương triều đã tồn tại hàng trăm năm ở châu Âu. Hoàng gia Thụy Điển dưới thời vua Carl Gustaf đã làm một việc khiến các vương triều hiện đại ở châu Âu noi gương và tạo ra cuộc tranh luận ở nhiều nơi khác về việc chọn con đầu lòng kế vị, bất kể giới tính.
Hoàng gia Anh có sự hiện diện phạm vi toàn cầu lớn hơn Hoàng gia Thụy Điển. Việc cải tổ là không dễ dàng. Vua Charles coi mình là cầu nối giữa Nữ hoàng Elizabeth với con trai mình và khó có thể thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào đối với chế độ quân chủ trong thời gian ông trị vì. “Nước Anh với tư cách là một quốc gia đang ở trong tình trạng mong manh về bản sắc địa chính trị hậu Brexit và sau khi nữ hoàng qua đời. Vì vậy không thể kỳ vọng một sự thay đổi lớn trong hoàng gia”.
Thay vào đó, Vua Charles có thể tìm cách hiện đại hóa gia đình hoàng gia bằng những việc làm nhỏ, “báo hiệu sự sẵn sàng của chính họ để thích ứng với hiện tại”. Các chế độ quân chủ còn lại đã tồn tại hàng nghìn năm, mỗi chế độ đều tìm ra cách thức quản lý cho các vấn đề của mình.
Mặc dù phần lớn nguồn tài trợ của chế độ quân chủ Anh được hạch toán công khai, trên thực tế, chi phí của gia đình hoàng gia rất phức tạp. Phần lớn chi phí của gia đình hoàng gia được chi trả bằng khoản thanh toán hàng năm do người đóng thuế trả tiền, trong năm tài chính 2021-2022 được đặt ở mức 86,3 triệu bảng Anh (108 triệu USD) - khoảng 1,29 bảng Anh (1,61 USD) cho mỗi người trong nước Anh.
Brand Finance, một trong những công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, ước tính rằng hoàng gia đã đóng góp 1,77 tỷ bảng Anh (1,95 tỷ USD) cho nền kinh tế Anh trong năm 2017 thông qua sự kết hợp giữa doanh thu của doanh nghiệp Crown Estate và lợi ích gián tiếp cho du lịch, thương mại, truyền thông và các tác phẩm nghệ thuật. Nhà vua Charles được cho là đã thảo luận về kế hoạch cho một chế độ quân chủ "thu hẹp", giảm số lượng thành viên hoàng gia hoạt động bằng ngân sách công.
Khác với Vương quốc Anh và một số hoàng gia khác trên thế giới, Vua Frederik và Hoàng hậu Mary sẽ không có lễ đăng quang. Thay vào đó, tuyên bố về triều đại mới sẽ được đưa ra tại Cung điện Christiansborg vào ngày 14/1. Kể từ đầu những năm 1900, Thủ tướng đọc tuyên bố lên ngôi của vua mới trên ban công của cung điện Đan Mạch. Điều này một lần nữa thể hiện phong cách giản dị của Hoàng gia Đan Mạch.