'Cuộc đấu' xuyên đại dương

Tình thế đối đầu dai dẳng giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) liên quan cáo buộc trợ cấp đối với các hãng chế tạo máy bay Boeing và Airbus đã leo thang cấp độ mới sau quyết định phân xử của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nguy cơ bùng nổ 'cuộc đấu thuế quan' giữa các nền kinh tế hai bờ Ðại Tây Dương hiện rõ hơn bao giờ hết, phủ 'bóng đen' lên bức tranh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu.

Theo phán quyết của Tòa trọng tài thuộc WTO, các nước EU cạnh tranh không bình đẳng khi trợ cấp bất hợp pháp cho "ông lớn Airbus", vì thế Mỹ được phép đánh thuế hàng hóa của EU để đáp trả, với giá trị thuế thu bổ sung lên tới 7,5 tỷ USD, bắt đầu từ ngày 18-10 tới. Ðây là con số kỷ lục, mà WTO từng đưa ra trong một lệnh trừng phạt thương mại, kể từ khi tổ chức đa phương này được thành lập năm 1995. Phán quyết của WTO có thể đưa vụ kiện kéo dài 15 năm qua giữa hai "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay thế giới đi tới hồi kết, song lại khởi động một cuộc tranh cãi mới, có thể dẫn tới trận chiến quyết liệt về áp thuế giữa Mỹ và EU.

Ngay lập tức hoan nghênh đây là một "chiến thắng đẹp" dành cho "xứ cờ hoa", Tổng thống Mỹ D.Trump cảnh báo sẽ "tuân thủ" phán quyết của WTO. Theo đó, Mỹ sẽ áp mức thuế 25% với khoảng 150 loại sản phẩm của các nước EU, như rượu vang, dầu ô-liu, pho-mát, sản phẩm công nghiệp...; và đánh thuế 10% đối với máy bay dân dụng do bốn đối tác của Airbus là Pháp, Ðức, Tây Ban Nha và Anh sản xuất.

Ðáp lại, một mặt kêu gọi thương lượng để tránh thiệt hại cho cả hai bên, mặt khác EU vẫn cảnh báo có các bước đi tương xứng nếu Mỹ triển khai "biểu thuế đen" như tuyên bố từ ngày 18-10 tới. EU cũng chuẩn bị sẵn một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ có thể bị áp thuế bổ sung, với tổng giá trị khoảng 20 tỷ USD. Viện dẫn lo ngại về tính cạnh tranh, EU còn lên kế hoạch mở cuộc "điều tra sâu rộng" về dự án của Boeing liên doanh với hãng chế tạo máy bay lớn thứ ba thế giới là Embraer của Brazil.

Phán quyết của WTO rõ ràng đem lại lợi thế cho Mỹ, trong bối cảnh tranh cãi giữa hai bờ Ðại Tây Dương vẫn chưa lắng dịu sau khi năm 2018 Mỹ tăng thuế đối với nhôm, thép nhập khẩu từ EU và cuộc thương thảo về một thỏa thuận thương mại mới giữa hai bên chưa có tiến triển. Trong khi đó, "cuộc đấu thương mại" giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài một năm rưỡi qua vẫn chưa ngã ngũ. Phán quyết của WTO có lợi cho Mỹ càng giúp Tổng thống D.Trump củng cố chính sách "nước Mỹ trước tiên", nhất là nỗ lực "lấy lại cân bằng thương mại" với các đối tác, đồng thời góp thêm "điểm cộng" cho ông D.Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai.

Tuy nhiên, "bóng đen" một cuộc đấu thuế mới xuyên Ðại Tây Dương lại khiến giới doanh nghiệp Mỹ "đứng ngồi không yên". Giới chuyên gia ước tính, mức thuế mới Washington dự định áp dụng với EU sẽ khiến giá các mặt hàng thực phẩm tại Mỹ tăng cao, làm giảm doanh thu và việc làm của hàng chục nghìn hãng bán lẻ, trong đó có khoảng 14 nghìn hãng kinh doanh thực phẩm. Áp thuế cao không chỉ khiến người tiêu dùng Mỹ phải chi trả nhiều hơn, mà còn trở thành lực cản đối với nền kinh tế số 1 thế giới. Riêng với Boeing, biện pháp trừng phạt mà EU dự định thực thi có thể "tàn phá", khiến nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ phải ngừng hoạt động tại châu Âu, vốn là thị trường mỗi năm tiếp nhận cả trăm máy bay của Boeing...

Nguy cơ "ăn miếng trả miếng" về thuế quan giữa Mỹ và EU còn được cảnh báo sẽ hủy hoại mối quan hệ thương mại giữa hai bờ Ðại Tây Dương, đồng thời tác động sâu sắc thương mại toàn cầu và kinh tế thế giới. WTO dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm tốc. Trong khi đó, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), xung đột thương mại leo thang sẽ làm giảm lòng tin và hoạt động của giới đầu tư, tạo bất ổn về chính sách, tăng rủi ro cho các thị trường tài chính và tô đậm "triển vọng xám" của kinh tế thế giới.

Mối lo về suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng, phần nhiều là do những xung đột thương mại trên thế giới, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa lắng dịu sau hơn một năm leo thang. Nguy cơ có thêm những tranh cãi mới càng khiến dư luận lo ngại. Ðó là điều cả Mỹ và EU phải cân nhắc, khi mấp mé một "trận đấu thuế quan" xuyên đại dương.

SƠN NINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41806602-cuoc-dau-xuyen-dai-duong.html