Cuộc điện thoại từ người cha đòi xét nghiệm ADN cho con vì lời gièm pha

Chỉ vì những lời gièm pha của bạn bè, anh Trương mang con đi xét nghiệm ADN để rồi nhận cái kết ê chề, vợ con chịu tổn thương lớn.

“Cay cú” vì người yêu cũ của vợ ở gần

Hôn nhân không thể hạnh phúc nếu không có sự tin tưởng đối phương. Nhiều người chỉ vì những suy nghĩ ích kỉ, nhỏ nhen chấp nhặt quá khứ mà khiến cuộc hôn nhân dần sa vào vũng lầy.

Anh Trương (43 tuổi) vốn có một gia đình khá hạnh phúc, kinh tế dư dả. Thế nhưng vì nghe một vài câu nói bâng quơ của bạn rằng “con mày nhìn không giống bố”, anh lập tức nghi ngờ vợ. Bởi lẽ, vợ anh từng có một mối quan hệ sâu đậm trong quá khứ. Bao năm nay, dù đã lấy được người vợ xinh đẹp, hiền thục nhưng lúc nào anh cũng lo lắng một ngày bị vợ “cắm sừng”.

Sự tự ti và những hoài nghi của anh khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt. Chính lần tình cờ gặp người yêu cũ của vợ hỏi han, mua quà cho con gái anh ở siêu thị đã bắt đầu khiến anh nảy sinh nghi ngờ. Anh nhất nhất đòi vợ mang con đến trung tâm xét nghiệm ADN để tìm ra sự thật.

Chứng kiến cảnh bố mẹ giằng co đứa con mới 8 tuổi trên tay, bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền không khỏi bận lòng.

Chị Thanh (38 tuổi), vợ anh Trương, nói với bà Nga giọng ấm ức: “Cháu nhờ cô xét nghiệm ADN cho con cháu và bố nó. Hôm nay, cháu phải làm rõ ràng mọi chuyện ở đây. Và dù kết quả có thế nào, cháu cũng nhất định ly hôn”.

Nói rồi, chị Thanh kể về câu chuyện nghi ngờ của chồng. Chị khẳng định cả đời chỉ có một mình người chồng hiện tại nhưng anh ta vẫn không tin. Bởi chị Thanh rất xinh đẹp lại từng có nhiều người yêu cũ. Nghe chị Thanh nói, bà Nga có chút hoảng. Cháu bé còn đang ngồi trước mặt mà bố mẹ lại nói chuyện ly hôn.

Dù đã hết lời can ngăn nhưng bà Nga vẫn không thể cản nổi khí thế bừng bừng của người vợ. Thấy vợ làm găng, anh Trương cũng có phần nhụt. Nhưng nếu không làm rõ, những câu nói khích bác của bạn bè mãi ám ảnh, chị Thanh cũng không được minh oan. Cuối cùng, bà Nga đành chấp nhận làm xét nghiệm.

Sau 3 ngày, nhận được kết quả, chị Thanh nghẹn ngào gọi điện cho bà Nga: “Cô ơi, cháu cảm ơn cô, nhờ cô mà cháu được giải oan rồi. Dù con cháu cần bố nhưng cháu không cần người chồng như vậy. Lần này cháu nhất định ly hôn. Cháu không thể sống với người đàn ông nghi ngờ, xúc phạm mình. Cả đời cháu chung thủy lại bị vấy bẩn bởi chính người mình yêu thương”.

Cuộc điện thoại đặc biệt

Nghe chị Thanh khóc, bà Nga hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Từ một chuyên gia về xét nghiệm ADN, bà trở thành “nhà tâm lý học”. Bà khuyên chị Thanh nên bình tĩnh suy xét mọi chuyện.

“Ở đời, ai cũng có sai lầm cháu ạ. Cô làm xét nghiệm cho mọi người nhưng không mong tờ kết quả ấy lại khiến gia đình tan nát, con cái chia ly ba mẹ. Cháu hãy nghĩ kĩ lại những năm chung sống, chồng có tốt với cháu không, có đối xử tệ bạc với mẹ con cháu không? Nếu không thì cháu nên cân nhắc. Tìm được người chồng yêu thương mình thực sự rất khó. Điều quan trọng là giữ cho đứa trẻ một mái ấm trọn vẹn.

Cuộc điện thoại cảm ơn của người cha từng sai lầm. Ảnh minh họa: Pxfuel

Cuộc điện thoại cảm ơn của người cha từng sai lầm. Ảnh minh họa: Pxfuel

Chuyện ngày hôm nay dù cháu thiệt thòi nhưng có thể bỏ qua thì nên bỏ qua. Dù sao có kết quả cũng giúp cháu được minh oan và chồng cháu cũng không còn khúc mắc, nghi ngờ. Điều này đôi khi lại tốt, khiến cả hai tin tưởng nhau nhiều hơn trong tương lai.

Hơn cả, cô cho rằng, chồng cháu ngoài nghi ngờ còn thiếu tự tin khi có một người vợ xinh đẹp như cháu. Vì vậy anh ấy mới yêu cầu làm xét nghiệm chứ không phải vì hết yêu mẹ con cháu đâu. Cháu phải làm cách nào để khiến chồng tự tin hơn, tin vào tình yêu của cháu”.

Nghe những lời bà Nga phân tích, giọng chị Thanh dịu lại. Chị nói sẽ suy nghĩ kĩ mọi chuyện rồi đưa ra quyết định. Bẵng đi một thời gian, bà Nga không còn nhận được tin của chị Thanh nhưng trong lòng bà vẫn không quên câu chuyện của vị khách ấy. Hình ảnh đứa trẻ khóc lóc đòi bố mẹ cứ ám ảnh trong tâm trí bà nhiều ngày.

Một thời gian sau, bà nhận cuộc điện thoại từ một người đàn ông: “Cô Nga ạ, cháu là Trương lần trước có đến trung tâm của cô làm xét nghiệm cha con”.

Cái tên Trương khiến bà Nga nhớ ra ngay. “Cháu cảm ơn cô rất nhiều. Nhờ có cô mà cháu mới giữ được gia đình này. Vợ cháu không còn đòi ly hôn cháu nữa rồi cô ơi. Cháu đã sai lầm khi nghi ngờ con gái của mình, khiến cháu suýt mất đi tất cả. Hôm nay, cháu gọi điện để cảm ơn cô đã đưa ra lời khuyên cho vợ cháu, giúp cô ấy hiểu và tha thứ cho chồng. Hôm nào rảnh, vợ chồng cháu xin phép được đưa con tới nhà cô chơi ạ”.

Lời cảm ơn đó cuối cùng cũng khiến bà Nga thở phào. Bao năm làm nghề, xét nghiệm ADN tìm ra huyết thống là trách nhiệm, công việc của bà. Nhưng chưa khi nào bà mong muốn những tờ kết quả ấy lại là "bản án" đè lên đầu những đứa trẻ đang cần được che chở, yêu thương, cần có một mái ấm có cả cha và mẹ.

“Làm nghề xét nghiệm nhiều năm, gặp nhiều trường hợp éo le chỉ vì những hiểu lầm nhỏ mà nghi ngờ, mang con đi xét nghiệm, tôi không còn lạ những tình huống như thế này. Là một người làm nghề, tôi mong có khách hàng đến trung tâm. Nhưng là một người vợ, người mẹ, tôi hiểu ly hôn là điều không ai mong muốn. Tôi luôn đưa ra những lời khuyên chân thành, giúp những người phạm sai lầm sửa sai, những người bị hiểu lầm có thể bao dung, tha thứ”, bà Nga chia sẻ.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi

Tú Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mang-con-di-xet-nghiem-adn-chi-vi-mot-loi-giem-pha-2213582.html