Cuộc đình công có thể thay đổi toàn bộ ngành phim ảnh thế giới

Như một bộ phim bom tấn hoành tráng, quy tụ dàn diễn viên đông đảo thường thấy của Hollywood, cuộc biểu tình mới đây làm rung động ngành công nghiệp giải trí tại Mỹ, đồng thời gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Lần đầu tiên sau 63 năm, Hollywood đối mặt với cuộc đình công kép của 2 hiệp hội có tầm ảnh hưởng sâu sắc tại kinh đô điện ảnh thế giới. Hiếm khi nào đông đảo diễn viên, nhà biên kịch, người dẫn chương trình xuất hiện đồng thời, hô to chung khẩu hiệu và đòi hỏi cùng một vấn đề như vậy.

Chương trình trò chuyện đêm khuya thu sẵn được phát đi phát lại liên tục trên truyền hình, quá trình sản xuất phim ngưng trệ, dàn diễn viên ngôi sao bỏ ngang buổi ra mắt bom tấn Oppenheimer.

Một tình huống nghiêm trọng như vậy chưa bao giờ xuất hiện trước đây.

Cuộc đình công, biểu tình lớn nhất tại Hollywood trong vòng 63 năm qua. Ảnh: New York Times.

Cuộc đình công, biểu tình lớn nhất tại Hollywood trong vòng 63 năm qua. Ảnh: New York Times.

Chuyện gì đang xảy ra?

Sáng 13/7, Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh cùng Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) chính thức phát động cuộc đình công quy mô lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp giải trí nước này.

Quyết định được thông qua sau khi SAG-AFTRA không tìm được tiếng nói chung với Liên minh các nhà sản xuất Điện ảnh và Truyền hình Mỹ (AMPTP) để ký kết thỏa thuận giữa hai bên, kết thúc vào ngày 12/7.

SAG-AFTRA muốn mức thù lao xứng đáng hơn cho các thành viên, bao gồm lương cơ bản và khoản lợi nhuận từ hoạt động phát trực tuyến, cùng cam kết lâu dài về việc họ không bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Phía bên kia, AMPTP - đại diện cho Walt Disney, Netflix, Paramount Pictures… không chấp nhận.

SAG-AFTRA ra đời vào năm 2012, sau sự hợp nhất giữa Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh (SAG) và Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh (AFTRA), đại diện cho 160.000 thành viên gồm diễn viên, phát thanh viên, nhà báo truyền hình, vũ công, người dẫn chương trình… làm việc trong ngành giải trí Mỹ.

Ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: New York Times.

Ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: New York Times.

Hôm 14/7, khi cuộc biểu tình của SAG-AFTRA nổ ra cũng là ngày thứ 73 kể từ lúc các thành viên Hiệp hội Tác giả Mỹ (WGA), với khoảng 20.000 thành viên, đình công.

Như vậy, kể từ sự kiện tương tự diễn ra vào năm 1960, giới chủ tại Hollywood lại đối đầu với cả 2 phía của ngành giải trí: những nhà sáng tạo nội dung và các nghệ sĩ biểu diễn.

Lỗi thuộc về Netflix và AI?

Theo nhận định của Vox, những gì SAG-AFTRA muốn cũng tương tự yêu cầu của WGA, tất cả đều được thúc đẩy bởi công nghệ.

Với sự bùng nổ của lĩnh vực phát trực tuyến do Netflix dẫn đầu, thời lượng mùa phim truyền hình giảm đáng kể, từ mô hình phát sóng truyền thống, tối đa 26 tập mỗi mùa, xuống còn 8 hoặc 10 tập.

Điều này đồng nghĩa việc làm ít hơn cho mọi khâu có sự tham gia của người lao động, từ viết kịch bản, sản xuất, biểu diễn, đến hậu kỳ. Khoảng cách giữa mỗi dự án cũng xa hơn, khiến cho cuộc sống của những người làm trong nghề khó ổn định.

Vì vậy, SAG-AFTRA yêu cầu tăng lương cơ bản, đồng thời muốn AMPTP chia sẻ phần lợi nhuận tính trên lượng người xem trực tuyến, vốn có thể kéo dài trong nhiều năm sau khi dự án kết thúc.

Song song đó, giống như WGA, SAG-AFTRA rất lo ngại về sự phát triển nhanh chóng của AI, có thể thay thế các thành viên của mình. AI được huấn luyện từ dữ liệu hình ảnh, giọng nói, cử chỉ của diễn viên, sau đó tạo ra các màn trình diễn mới trên màn ảnh, lồng tiếng hoặc một số khả năng khác.

Trong thông cáo gửi đến các thành viên, SAG-AFTRA tuyên bố không chống lại xu thế sử dụng AI vào phim ảnh, nhưng họ yêu cầu phải có sự đồng ý từ các diễn viên, kèm theo mức thù lao tương xứng.

Đại diện các diễn viên yêu cầu giới chủ tại Hollywood tăng lương cơ bản và chia sẻ lợi nhuận. Ảnh: Reuters.

Đại diện các diễn viên yêu cầu giới chủ tại Hollywood tăng lương cơ bản và chia sẻ lợi nhuận. Ảnh: Reuters.

Đáp lại yêu cầu đó, AMPTP - tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất lớn nhất trong ngành công nghiệp giải trí Mỹ - vẫn im lặng.

“Trong những tuyên bố công khai và chính sách việc làm, các công ty không thể hiện mong muốn coi trọng quyền cơ bản của chúng tôi, đối với tiếng nói và hình ảnh của họ”, lãnh đạo SAG-AFTRA cho biết.

Tại cuộc họp báo trước cuộc đình công, Trưởng đoàn đàm phán của SAG-AFTRA, Duncan Crabtree-Ireland tiết lộ yêu cầu của AMPTP về việc sử dụng AI. “Họ đề xuất quét hình ảnh các diễn viên của chúng tôi, trả lương trong một ngày. Công ty của họ sẽ sở hữu bản ghi, hình ảnh, chân dung đó và có thể sử dụng mãi mãi, trong bất kỳ dự án nào mà không cần sự đồng ý, không trả thêm thù lao”, ông cho biết.

Tương lai nào cho ngành công nghiệp phim ảnh?

Theo The New York Times, cả 2 mảng kinh doanh truyền thống của Hollywood, doanh thu phòng vé và thuê bao truyền hình, đều trong tình trạng sụt giảm nghiêm trọng.

Năm 2023 là thời điểm bước ngoặt cho sự phục hồi của các rạp phim sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh thu bán vé tại Mỹ và Canada vẫn giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019. Những tia hy vọng từ bom tấn như Spider-Man: Across the Spider-Verse nhanh chóng bị dập tắt bởi các “bom xịt” đắt tiền Indiana Jones and the Dial of Destiny, Elemental, The Flash hay Shazam! Fury of the Gods.

Trailer 'The Flash'

Số lượng vé phim trên toàn cầu có thể đạt 7,2 tỷ vào năm 2027, theo ước tính của công ty kiểm toán PwC. Trong khi đó, tổng số lượt người mua vé đến rạp vào năm 2019 là 7,9 tỷ.

Đó là dự báo cho một ngành công nghiệp đang chết dần, nhưng ít nhất vẫn còn khả quan hơn phần còn lại. PwC dự đoán chưa đến 50 triệu gia đình sẵn sàng trả tiền cho truyền hình cáp hoặc vệ tinh vào năm 2027. Con số này từng đạt đến 100 triệu vào năm 2016.

“Thế giới đã thay đổi mãi mãi theo hướng tồi tệ hơn”, Michael Nathanson, một nhà phân tích tại SVB MoffettNathanson nhận định.

Bởi vậy, có lý do khiến AMPTP im lặng trước những yêu cầu liên quan đến lợi nhuận từ phát trực tuyến cũng như việc sử dụng AI của SAG-AFTRA và WGA.

Trong một thời gian, Phố Wall bị mê hoặc bởi tiềm năng hút thuê bao của các dịch vụ như Disney+, Max, Hulu, Paramount+ và Peacock. Điều này thúc đẩy các ông lớn của Hollywood thi nhau đổ tiền vào việc xây dựng nền tảng xem phim trực tuyến.

Netflix đang chinh phục thế giới, Amazon đã đến Hollywood với quyết tâm xâm nhập vào ngành giải trí, trong khi Apple thừa tiền để làm điều họ thích. Nếu các công ty giải trí lâu đời muốn duy trì cạnh tranh thì chỉ có một con đường duy nhất: chạy đua, đầu tư vào công nghệ và cắt giảm chi phí.

Một lãnh đạo SAG-AFTRA kêu gọi đình công. Ảnh: Reuters.

Một lãnh đạo SAG-AFTRA kêu gọi đình công. Ảnh: Reuters.

Vào lúc này, nhượng bộ các yêu cầu của SAG-AFTRA và WGA có thể đe dọa lợi nhuận của lĩnh vực phát trực tuyến, điều mà giới chủ tại Hollywood không thể dễ dàng chấp nhận.

Trong những tuần tới, các hãng phim có thể hủy bỏ thỏa thuận dài hạn với tác giả kịch bản theo điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng, bắt đầu vào ngày thứ 60 hoặc 90 của cuộc đình công, tùy thuộc vào giao ước. Cuối cùng, thỏa thuận với WAG và SAG-AFTRA cũng có khả năng không còn hiệu lực.

Thách thức của ngành công nghiệp phim ảnh vẫn còn ở phía trước.

Nguyễn Hiếu (Theo Vox, The New York Times)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuoc-dinh-cong-co-the-thay-doi-toan-bo-nganh-phim-anh-the-gioi-2166110.html