Cuộc đời Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Xuân Sênh vào sách
Tác giả Nguyễn Xuân Bối đã giúp bạn đọc hiểu hơn về cuộc đời chiến đấu chống Mỹ và trở thành anh hùng của Trung tá Lê Xuân Sênh qua cuốn sách 'Chớp biển'.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Xuân Sênh (mặc quân phục ở giữa) là niềm tự hào của quê hương Kinh Môn
Người anh hùng tài hoa
Trong giờ giáo dục địa phương, cô trò lớp 7A, Trường THCS Duy Tân, phường Duy Tân (Kinh Môn) thích thú với cuốn sách “Chớp biển” của tác giả Xuân Bối kể về cuộc đời chiến đấu của Trung tá Lê Xuân Sênh. “Tôi thích nhất là chi tiết kể về đám cưới của anh hùng Sênh. Bác được bố đẽo cho đôi guốc bằng gỗ xoan. Đám cưới đón dâu bằng xe ngựa. Ngày ấy không có phù dâu, phù rể mà chỉ có họ hàng. Cô dâu, chú rể đến ngày cưới còn chưa biết mặt nhau. Thế rồi tình yêu vẫn nảy nở… Tất cả rất chân thực, sinh động và cho tôi hiểu thêm những khía cạnh khác, rất mới về người anh hùng của quê hương”, cô giáo Nguyễn Thị Thúy cho biết.
Cũng theo cô Thúy, cuốn sách thú vị với chi tiết kể về đêm thực hiện nhiệm vụ gần nhà, bác Sênh tranh thủ về thăm vợ con: “Lê Xuân Sênh muốn ôm vợ. Nhưng trước mặt bố mẹ, không dám. Lê Xuân Sênh định vào buồng thì anh em thằng Sủng, thằng Hùng dụi mắt chạy ra…”. “Người lính chất phác và dũng cảm có ước muốn duy nhất là được đánh giặc nhưng lại rất lãng mạn, hào hoa trong tình yêu với vợ”, cô giáo Thúy nói.

Cô trò lớp 7A, Trường THCS Duy Tân hào hứng tìm hiểu cuốn sách "Chớp biển"
Còn em Văn Lệ Quyên, học sinh lớp 7A cho biết: “Đọc cuốn sách, em hiểu thêm về cuộc đời bác Sênh, thêm yêu, tự hào về quê hương và biết ơn những người đi trước đã chiến đấu, hy sinh để chúng em có được ngày hôm nay”.
Trung tá Lê Xuân Sênh sinh năm 1941, ở khu dân cư Trại Xanh, phường Duy Tân. Năm 1965, ông nhập ngũ về một đơn vị công binh của Quân khu Đông Bắc (sau này thuộc Quân chủng Hải quân). Ông được biên chế về Phân đội 3, Đại đội 2, Đoàn đặc công nước 126, Bộ Tư lệnh Hải quân bấy giờ.
Năm 1969, ông được cử vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Từ năm 1969 đến năm 1972, ông là phân đội trưởng làm nhiệm vụ đánh tàu địch ở cảng Cửa Việt.
Ai từng đọc cuốn sách cũng ấn tượng về những trận đánh tàu giặc mưu trí, tài hoa của anh hùng Lê Xuân Sênh. Đặc biệt, trận đầu tiên trong cuộc đời chiến đấu của ông: tiêu diệt chiếc tàu 5.000 tấn của Mỹ ở sông Cửa Việt vào năm 1969.
Hồi đó, phía bắc cảng Cửa Việt là hàng rào điện tử McNamara Trong hàng rào là đồn bốt giặc được trang bị đủ loại vũ khí. Ngoài biển, tàu chiến tuần tiễu suốt ngày đêm. Trên trời, các loại máy bay trinh sát quần đảo...
Đêm 13/11/1969, ông Sênh cùng đồng đội tên Tập và một tổ trinh sát 5 người bò men theo bờ sông, 11 giờ đêm vào đến cồn Tòng. Chiếc tàu đã chạy vào cảng cách đó hơn 1 cây số. Biết là đã muộn nhưng ông Sênh và ông Tập đề nghị xin được vào đánh, nếu sau 2 giờ hai người không ra, anh em cứ rút trước.
Ông Sênh và ông Tập bơi cách tàu địch khoảng 50 m, lính gác đi xung quanh tàu thả lựu đạn xuống nước. Chờ khi địch vừa ném lựu đạn đoạn khoang giữa, ông Sênh nhào vào tiếp cận. Do nước chảy xiết nên khi đến gần tàu, lựu đạn mới nổ, ông Sênh bị sức ép gây choáng váng. Sau đó, ông và đồng đội vẫn tháo mìn ốp vào tàu rồi báo hiệu cho nhau.
Hành trình trở về, nước vẫn chảy xiết. Dọc bờ, thuyền của giặc đậu san sát. Có lúc bị lộ, súng, lựu đạn của địch nổ chát chúa. Cuối cùng, ông Sênh và ông Tập cũng về được chỗ hẹn. Anh em trinh sát nhào xuống, xốc nách dìu hai người rút lui. Được vài cây số, tiếng nổ vang lên phía sau, chiếc tàu giặc bị đánh chìm chở đầy quân trang quân dụng…
Niềm tự hào của quê hương

Trung tá Lê Xuân Sênh (bên trái) cùng tác giả Nguyễn Xuân Bối
Phân đội ông Sênh được phong danh hiệu "Mũi nhọn thọc sâu, đánh đâu thắng đó". Riêng ông Sênh trực tiếp đánh mìn hai lần, phá 3 tàu giặc, chỉ huy anh em đánh chìm 13 tàu khác. Với những chiến công lẫy lừng, ông Sênh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1972. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng ông, gia đình mà còn là niềm tự hào của quê hương.
“Tôi là người con quê hương. Cảm xúc về anh hùng Sênh trên quê hương Duy Tân anh hùng đã khiến tôi có suy nghĩ phải làm điều gì đó thật xứng đáng. Vậy là tôi viết sách”, tác giả Nguyễn Xuân Bối đã viết cuốn sách “Chớp biển” vì thế. Cuốn sách được viết trong 9 tháng (từ tháng 1 - 10/2021), xuất bản năm 2022 với giọng văn chân thực, dí dỏm, cách viết giản dị, hấp dẫn.
Cuốn sách không chỉ được đưa vào chương trình giáo dục địa phương của Trường THCS Duy Tân mà còn được Đảng ủy, UBND phường Duy Tân lưu giữ làm tài liệu quý cho các thế hệ sau tìm hiểu về lịch sử, truyền thống đánh giặc của quê hương mình.
Đồng chí Trần Hồng Túc, Bí thư Đảng ủy phường cho biết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phường rất mong muốn sau này có một con đường ở Duy Tân sẽ mang tên anh hùng Lê Xuân Sênh. Tuy nhiên, khi biết được ý định này, ông Sênh khiêm tốn nói: “Ở đất nước ta, ai đi đánh giặc, đóng góp cho nền hòa bình của dân tộc đều xứng đáng là anh hùng. Sự hy sinh của tôi nào có đáng gì”.
Trở về với cuộc sống đời thường, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Xuân Sênh vẫn giản dị, chan hòa. Ông sống hạnh phúc bên người vợ hiền. Các con cháu ông đều đã trưởng thành.
Ở tuổi 84, ông vẫn giữ thân hình vạm vỡ, chắc khỏe. Có thể do quen phong cách quân đội, ông vẫn ham “vận động”. Đến tìm ông, chẳng mấy ai gặp ông ở nhà. Người trong khu bảo, ông còn bận thả lưới bắt cá mãi tít ngoài sông. Chẳng thế mà những người bạn cùng trang lứa vẫn gọi ông một cách yêu mến: “rái cá” của sông nước Duy Tân.