Cuộc đời cầm bút của con nuôi cố Chủ tịch Lào
Tham gia cách mạng từ rất sớm là mối lương duyên đưa Trần Công Tấn trở thành con nuôi của cố Chủ tịch Lào Xuvanuvông. Suốt cuộc đời cầm bút, ông đã viết rất nhiều tác phẩm về tình hữu nghị Việt – Lào.
11 tuổi đã theo cách mạng
Một ngày giữa tháng 4, chúng tôi đến thăm tư gia của nhà văn Trần Công Tấn ở phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM. Năm nay bước sang tuổi 94, ông đã yếu hơn trước khá nhiều. Cũng vì lý do sức khỏe, ông hạn chế tiếp xúc với mọi người.
Nhà văn Trần Công Tấn đã bước sang tuổi 94.
Ông bảo, không muốn mọi người thấy cảnh mình đau yếu. Từ năm 2023, khi người bạn đời là bà Bích An qua đời vì tuổi già, ông càng thêm trầm lặng, ít nói. Chúng tôi được ông ưu ái, có lẽ bởi là bạn của con trai ông - đạo diễn Trần Ngọc Phong.
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà văn Trần Công Tấn hoạt động tại địa bàn Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, gắn bó, lăn lộn thực tế tại các đơn vị vũ trang. Sau năm 1975, ông chuyển sang công tác tại Tổng cục Cao su Việt Nam, rồi làm việc tại báo Đại Đoàn kết. Hiện ông nghỉ hưu và sinh sống tại TP.HCM.
Nhà văn Trần Công Tấn cầm bút viết văn từ rất sớm. Những bút danh của ông là Tân Sắc, Trần Triệu Phong, Xomboun Vatthanna. Năm 1969, ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2007, ông là một trong 5 nhà văn Việt Nam đoạt giải thưởng Văn học Mekong lần thứ nhất.
Vợ chồng nhà văn Trần Công Tấn có 5 người con, đều thành đạt. Một người con trai của họ là NSƯT, đạo diễn Trần Ngọc Phong, làm việc tại Hãng phim Giải phóng, tác giả nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình có tiếng.
Nhà văn Trần Công Tấn sinh tại Huế, quê gốc tại làng Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm liên lạc cho cách mạng từ khi 11 tuổi. Năm 1945, tròn 12 tuổi, ông gia nhập Việt Nam Giải phóng quân, làm giao liên ở mặt trận Huế và Bình Trị Thiên.
Cuộc đời ông từ đó gắn với những tháng ngày chiến đấu qua các vị trí như lính trinh sát, lính tình báo, chỉ huy chiến đấu và được cử gia nhập tình nguyện quân Việt Nam sang chiến đấu ở Lào. Từ đó, mối lương duyên của ông đối với đất nước này bắt đầu.
Sau năm 1954, nhà văn về lại Quảng Bình, làm công tác tuyên huấn, phụ trách điện ảnh và chiếu bóng. Cùng với các nhà văn Lê Khai, Dương Tử Giang, Văn Nhĩ, Cẩm Lai, ông là một trong năm người sáng lập Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Bình năm 1961.
Hoàng thân Lào nhận làm con nuôi
Nhà văn Trần Công Tấn là nhân vật có nhiều nét riêng đặc biệt. Là cựu chiến sĩ quân tình nguyện Việt - Lào từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau đó, ông tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ và có mặt ở cả chiến trường Campuchia.
Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Hoàng thân Souphanouvong tại tư gia nhà văn Trần Công Tấn.
Ông được Hoàng thân Souphanouvong (Xuphanuvông), cố Chủ tịch Lào nhận làm con trai nuôi, đặt tên là Somboun (Xômbun) Xuphanuvông, theo họ của Hoàng thân, khi mới 13 tuổi.
Câu chuyện nhận con nuôi có phần ly kỳ. Khi ấy Trần Công Tấn còn là một cậu bé giao liên. Năm 1946, trong một trận đánh ở mặt trận Thakhek (Thà Khẹt), miền Trung Lào, chính cậu bé 13 tuổi đã vượt qua nhiều nguy hiểm để mang bức mật lệnh giải vây đến tận tay Hoàng thân Xuphanuvông. Cảm phục trước tinh thần dũng cảm của cậu bé, Hoàng thân đã nhận làm con nuôi.
Mối quan hệ ấy được nhà văn trân trọng và gìn giữ suốt đời. Hiện nay, tại tư gia của nhà văn, những dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Hoàng thân vẫn được ông tổ chức trang trọng. Trong căn nhà, ông dành riêng một không gian, gọi là Không gian Hữu nghị Việt – Lào để trưng bày những hình ảnh, kỷ vật về đất nước Lào và cố Chủ tịch Xuphanuvông.
Không gian hữu nghị Việt - Lào tại tư gia nhà văn Trần Công Tấn.
Khi được hỏi kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất về người cha nuôi, nhà văn cười bảo: "Có quá nhiều kỷ niệm, thật khó để nói kỷ niệm nào nhớ nhất. Cha nuôi là người oai nghiêm mà bình dị, hiểu biết rộng mà khiêm tốn, cả đời vì nước, vì dân".
Tham gia cách mạng từ rất sớm, cùng với mối quan hệ gắn bó với đất nước Lào, Trần Công Tấn được xem là một trong những nhà văn hiếm hoi có nhiều tác phẩm sáng tác về tình hữu nghị Việt - Lào qua hai cuộc kháng chiến.
Riêng về Hoàng thân Xuphanuvông, nhà văn đã có ba tác phẩm khắc họa chân dung "Ông Hoàng đỏ", biệt danh mà phương Tây đặt cho Hoàng thân. Đó là các tác phẩm "Hoàng thân Xuphanuvông với đất nước Triệu Voi", "Ông Hoàng đỏ - người hùng của nước Lào", "Hoàng thân Xuphanuvông và những dòng sông huyền thoại".
Ba tác phẩm này không chỉ khắc họa đầy đủ chân dung Hoàng thân Xuphanuvông từ khi còn là một cậu bé trong hoàng tộc Lào cho đến khi thành Chủ tịch nước, mà còn cho thấy cuộc đời của một lãnh tụ, từ khi là một trí thức trẻ, thành kỹ sư xây dựng nhiều công trình cầu đường, đập nước trên đất nước Việt Nam; kết hôn với một người con gái Việt Nam, tham gia kháng chiến, chiến đấu, vượt ngục, sát cánh cùng bạn bè, đồng chí Việt Nam, cho đến ngày giải phóng và xây dựng đất nước Lào mới.
Năm 2012, Trần Công Tấn được chính phủ Lào trao tặng Huân chương Lao động sáng tạo hạng Nhì vì những đóng góp cho đất nước Lào. Tại buổi lễ, tiến sĩ Sivana Xuphanuvông, con trai cố Chủ tịch Xuphanuvông đã phát biểu: "Anh cả tôi được tặng thưởng huân chương cao quý, đó là một niềm vinh dự cho gia đình chúng tôi".
Trải lòng qua những trang văn
Tính ra, Trần Công Tấn có đến hơn 10 tác phẩm viết về đất nước Lào và Campuchia, phản ánh lại những chặng đường chiến đấu của ông.
Ba trong nhiều tác phẩm của nhà văn Trần Công Tấn.
Ông cũng có những tác phẩm thể hiện chân thực hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như "Cô pháo thủ", "Đường ra biển rộng", "Chỗ gặp nhau", "Chớp biển"… khắc họa lại sinh động mối quan hệ quân dân gắn bó keo sơn, những cuộc chiến khốc liệt giữa ta và địch; truyện ký chân dung lịch sử về đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà ngoại giao Hà Văn Lâu.
Nhà báo lão thành Phan Quang nhận xét về tác phẩm "Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người": "Cuốn truyện ký mà tác giả viết trong thời gian ngắn kỷ lục sau mấy chục năm đằng đẵng nhớ thương nhân vật, thật sự là một tác phẩm lay động lòng người đọc".
Khi được hỏi về cảm xúc của hai ngày trọng đại là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà ông trực tiếp là chứng nhân lịch sử, ông nói ngắn gọn: "Đó đều là ngày vui nhất trong đời tôi, bởi sau những hy sinh mất mát, hòa bình đã đến".
Nói về người anh nuôi thân thiết, tiến sĩ Sivana Xuphanuvông cho biết: "Anh nói quỹ thời gian của anh đã gần hết. Nhưng những ngày tháng còn lại anh sẽ cố gắng viết tiếp về mối tình đoàn kết đặc biệt "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững" giữa nhân dân hai nước Việt - Lào".
Chủ tịch Xuphanuvong (1909 – 1995) xuất thân trong một gia đình hoàng tộc ở Lào. Trong thời gian công tác ở Việt Nam, ông đã dành tất cả tâm trí cho việc thiết kế và phụ trách thi công nhiều công trình thủy lợi trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó có 7 công trình cho đến nay vẫn đang còn sử dụng, tiêu biểu như đập Bái Thượng ở Thanh Hóa; tháp nước Phan Thiết...
Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvong đến Hà Nội bàn việc liên minh tương trợ giữa hai nước Việt - Lào. Cuộc gặp lịch sử đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hoàng thân, mở ra những trang mới trong lịch sử đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào chống kẻ thù chung.
Năm 1975, khi nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được thành lập, Hoàng thân Xuphanuvông được bầu làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao.