Cuộc đời của 'mẹ đẻ' búp bê Barbie

Barbie là một trong những cái tên dễ nhận biết nhất trên thế giới.

Ruth Handler - người sáng tạo Búp bê Barbie.

Ruth Handler - người sáng tạo Búp bê Barbie.

Có được như vậy là nhờ một phụ nữ, người đã phát minh ra búp bê này để giúp các bé gái mơ về tương lai của mình. Sáng tạo của bà đã giúp ngành công nghiệp đồ chơi của Mỹ có những bước đổi thay quan trọng.

Ý tưởng đột phá

Đến nay, Công ty Mattel đã bán được hơn một tỷ búp bê Barbie, và cùng với búp bê bạn trai Ken, nó là một trong những món đồ chơi nổi tiếng và dễ nhận biết nhất trên thế giới. Búp bê Barbie bán chạy nhất từ trước đến nay là Barbie Totally Hair năm 1992, nổi bật với mái tóc dài đến ngón chân.

Vào năm 2016, Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí ở Paris đã có một buổi trình diễn Barbie với hàng trăm con búp bê bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ Barbie.

Năm 1959, Barbie ra đời và nhanh chóng “gây bão” trên toàn thế giới. Chưa từng có một con búp bê ngực nở, tóc vàng và quan trọng nhất là vóc dáng trưởng thành như vậy được bán trên các kệ hàng. Trước đó, hầu hết các bé gái chỉ chơi với búp bê trẻ em, trong khi đồ chơi dành cho các bé trai không ngừng phát triển trên thị trường.

Barbie đã chứng tỏ nó không chỉ là một món đồ chơi. Hơn bất cứ điều gì khác, nó đã cho các bé gái thấy các em có thể lớn lên và đạt được bất cứ điều gì mong muốn, không bị giới hạn trong những vai trò truyền thống đã được đặt ra trước đó khá lâu.

Người phụ nữ đằng sau Barbie, Ruth Handler, đã lấy cảm hứng từ những buổi cùng chơi búp bê với cô con gái nhỏ của mình.

Ruth Handler sinh ngày 4/11/1916 tại Denver, Colorado, Mỹ, con của đôi vợ chồng nhập cư Nga - Do Thái: Jacob và Ida Mosko. Trong thời gian học trung học, cô gặp và yêu một chàng trai tên là Elliot Handler. Sau đó, họ kết hôn và chuyển đến Los Angeles vào năm 1938.

Tại đây, Elliot Handler thành lập một công ty cùng với Harold Matson và kết hợp tên của họ thành một từ duy nhất: Mattel. Nhưng thật ngạc nhiên, Mattel không bắt đầu như một nhà sản xuất đồ chơi. Trên thực tế, nó có khởi đầu khiêm tốn hơn nhiều: Bán khung tranh bằng gỗ.

Theo tờ Entrepreneur, Elliot Handler đã không lãng phí khung tranh phế liệu, mà tận dụng chúng để làm những món đồ nội thất nhỏ phù hợp với “nhà búp bê”.

Mặc dù, công việc kinh doanh đồ nội thất nhỏ bé này đã có nhiều tiến triển, nhưng Matson đã quyết định bán một nửa công ty của mình cho Handler, vì cho rằng doanh nghiệp cuối cùng sẽ thất bại.

Từ đó, Ruth Handler cùng chồng trở thành đồng sở hữu công ty này và không mất nhiều thời gian để họ chuyển hướng hoàn toàn từ việc bán khung tranh sang bán đồ chơi cho trẻ em.

Cả hai đã gặt hái được khá nhiều thành công, mặc dù nó chẳng là gì so với những thành quả sẽ đến với họ không lâu sau đó. Trong số những sản phẩm bán chạy đầu tiên của Mattel có “Uke-a-doodle”, một loại đàn ukulele đồ chơi đã trở nên rất phổ biến. Nhân đà này, họ đã tung ra toàn bộ dòng đồ chơi âm nhạc dành cho trẻ em.

Giữa những năm 1950 là một thời điểm mang tính bước ngoặt trong công việc làm ăn của vợ chồng Handler. Năm 1955, họ giành được quyền sản xuất các sản phẩm “Mickey Mouse Club”, giúp đưa nhãn hàng của Mattel đến với nhiều gia đình hơn trên khắp đất nước và thiết lập xu hướng tiếp thị đồ chơi quảng cáo chéo trong toàn ngành. Cùng năm đó, họ đã tung ra thị trường “Burp Gun”, một loại súng đồ chơi có nắp hoàn toàn tự động đã được cấp bằng sáng chế.

Nhưng phát minh thành công nhất của Mattel vào năm 1959 đã làm thay đổi thị trường đồ chơi mãi mãi: Búp bê Barbie.

Khi Ruth Handler đang nghĩ ra những ý tưởng mới cho sản phẩm đồ chơi, bà để ý thấy con gái mình, Barbara, và các bạn của cô bé đang chơi trò đóng giả với những con búp bê giấy, sử dụng chúng để thực hiện những tưởng tượng trở thành hoạt náo viên, sinh viên đại học và người lớn với nhiều nghề nghiệp khác nhau. Từ đó, bà nảy ra ý tưởng cung cấp cho trẻ em một món đồ chơi giúp chúng làm điều tương tự: Mơ về tương lai.

Những con Búp bê Barbie giúp các bé gái bay bổng với ước mơ về tương lai.

Những con Búp bê Barbie giúp các bé gái bay bổng với ước mơ về tương lai.

Búp bê gây chấn động

Ruth Handler tiếp cận các nhà thiết kế Mattel với ý tưởng về một con búp bê mới, khác biệt hẳn so với hầu hết các con búp bê khác trên thị trường. Thay vì làm một con búp bê nhí nhảnh để các bé gái chăm sóc và đóng vai trò làm mẹ, búp bê này sẽ trông giống như một cô gái trưởng thành.

Các nhà thiết kế đã hoài nghi với đề xuất này, một số thậm chí còn khẳng định việc làm món đồ chơi như vậy hoàn toàn không thể.

Nhưng Handler rất kiên quyết. “Mọi bé gái đều cần một con búp bê để qua đó phóng chiếu bản thân vào giấc mơ về tương lai của mình”, bà trả lời trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times, “Nếu chúng tưởng tượng như thế nào khi 16 hoặc 17 tuổi, thì thật là ngu ngốc khi chơi với một con búp bê có bộ ngực phẳng lì. Vì vậy, tôi đã cho nó có bộ ngực đẹp”.

Sau đó, trong một chuyến du lịch cùng gia đình đến Thụy Sĩ, Handler tình cờ gặp một con búp bê tên là Bild Lilli trong một cửa hàng. Đây là món đồ chơi mới lạ gợi cảm dành cho người lớn của Đức, dựa trên một nhân vật truyện tranh là một gái gọi cao cấp. Thực tế, Handler không thể tiếp thị Bild Lilli cho trẻ em, nhưng thiết kế của con búp bê chính là thứ mà bà đang tìm kiếm.

Handler mua con búp bê Bild Lilli mang về Mỹ và đưa nó cho các nhà thiết kế tại Mattel xem. Và vào ngày 9/3/1959, Mattel giới thiệu búp bê mới của họ, Barbie, một người mẫu thời trang tuổi teen, tại Hội chợ đồ chơi ở New York.

Búp bê Barbie đầu tiên được kèm theo một câu chuyện cá nhân. Ruth đặt tên cho nó là Barbie Millicent Roberts, theo tên con gái của bà là Barbara. Ban đầu Barbie có giá 3 đô la và đã thành công ngay lập tức: Trong năm đầu tiên, hơn 300.000 búp bê Barbie đã được bán. Hai năm sau, bạn trai của Barbie, Búp bê Ken, được đặt tên theo con trai của Handler, ra mắt và cũng được hoan nghênh.

“Toàn bộ triết lý của tôi về Barbie là thông qua búp bê các cô bé có thể trở thành bất cứ thứ gì chúng muốn”, Handler viết trong cuốn tự truyện, Dream Doll: The Ruth Handler Story, “Barbie luôn đại diện cho thực tế là phụ nữ có quyền lựa chọn.

Ngay cả trong những năm đầu đời, Barbie không nhất thiết phải làm bạn gái của Ken hay một người mua sắm cuồng nhiệt nào khác. Chẳng hạn, cô ấy có quần áo để bắt đầu sự nghiệp với tư cách là y tá, tiếp viên, ca sĩ hộp đêm.

Tôi tin rằng những lựa chọn mà Barbie đại diện đã giúp con búp bê này được chú ý ngay từ đầu, không chỉ với các cô con gái - những người một ngày nào đó sẽ tạo nên làn sóng phụ nữ đầu tiên trong các vị trí quản lý và chuyên gia - mà còn với các bà mẹ”.

Đến những năm 1970, Barbie đã trải qua một số lần thay đổi, cải tiến. Cô ấy đã để kiểu tóc của Jackie Kennedy và kết bạn với một người bạn da đen tên là “Frannie da màu” trong Phong trào Dân quyền.

Barbie cũng từng là bác sĩ, phi hành gia và bác sĩ thú y.

Di sản để lại

Elliot và Ruth Handler, đôi vợ chồng thành công trong ngành đồ chơi trẻ em.

Elliot và Ruth Handler, đôi vợ chồng thành công trong ngành đồ chơi trẻ em.

Mặc dù gặt hái nhiều thành công nhưng người tạo ra Barbie đã phải đối mặt với những chỉ trích từ các nhóm nữ quyền, rằng Barbie đại diện cho những lý tưởng không thực tế đối với các bé gái.

Hơn nữa, vào năm 1978, Handler và các giới chức khác của Mattel đã dính líu tới pháp luật vì bị cáo buộc gian lận và báo cáo sai cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) nhằm tác động đến giá cổ phiếu.

Ngay sau đó, Handler đã chuyển sang một dự án kinh doanh khác: Làm ngực giả cho những người sống sót sau ung thư vú - nhóm bệnh nhân mà Handler cũng nằm trong đó.

Bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú vào năm 1970 và kết quả cuối cùng là phải cắt bỏ vú trái. Đó là lúc bà nhận ra, một lần nữa, có một khoảng trống thích hợp trên thị trường để lấp đầy.

Khoảng trống này đã thúc đẩy Handler phát minh ra “Near Me”, một bộ ngực nhân tạo bằng xốp và silicon mà bà rất tự tin khi sử dụng. Bà thường mở khuy áo trong các cuộc phỏng vấn, thậm chí yêu cầu các phóng viên sờ ngực của mình và đoán xem cái nào là thật. Trong thời gian này, bà cũng trở thành người ủng hộ mạnh mẽ việc phát hiện sớm ung thư vú và nghiên cứu căn bệnh nguy hiểm này.

Ngoài sáng tạo Búp bê Barbie, Ruth Handler còn làm ra ngực nhân tạo cho các bệnh nhân ung thư vú.

Ngoài sáng tạo Búp bê Barbie, Ruth Handler còn làm ra ngực nhân tạo cho các bệnh nhân ung thư vú.

Thật không may, ung thư không phải là cuộc chiến duy nhất mà Handler quyết tâm chống lại. Ở độ tuổi 80, bà mắc bệnh ung thư ruột kết, và sau cuộc phẫu thuật vào cuối năm 2001, bà đã trải qua một số biến chứng dẫn đến cái chết vào ngày 27/4/2002, hưởng thọ 85 tuổi.

Mặc dù, cuộc đời của Handler đã kết thúc một cách đáng tiếc, nhưng di sản của bà vẫn tồn tại dưới hình dạng con búp bê đã bắt đầu tất cả: Barbie, món đồ chơi đã truyền cảm hứng cho bốn thế hệ phụ nữ và có khả năng sẽ tiếp tục cho nhiều thế hệ nữa.

Theo Allthatsinteresting

Lê Du

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuoc-doi-cua-me-de-bup-be-barbie-post636521.html