Cuộc đời của người phụ nữ da màu đặc biệt
'Một phụ nữ da màu có thể phát minh ra điều gì đó vì lợi ích của loài người' - Bessie Blount Griffin.
Bessie Blount Griffin, là người phụ nữ da màu đầu tiên xuất hiện trên “The Big Idea”, chương trình truyền hình những năm 1950 về những phát minh hiện đại và cũng là người phụ nữ da màu đầu tiên được chấp nhận theo đuổi các nghiên cứu nâng cao tại Bộ phận Tư liệu của Sở Cảnh sát London.
Bà còn là thành viên sáng lập của Hiệp hội các nhà phân tích chữ viết tay Mỹ (AHAF) và thường xuyên viết bài cho nhiều tờ báo và tạp chí hàng đầu của người da màu. Không chỉ là một y tá, một người tiên phong trong cả lĩnh vực vật lý trị liệu và pháp y, bà được người ta nhớ đến nhiều nhất với tư cách một nhà phát minh không ngừng nghỉ, là người đã giúp những cựu binh sống một cuộc sống bình thường theo cách dễ dàng hơn.
Thiên hướng từ thuở nhỏ
Bessie Blount Griffin sinh ngày 24/11/1914 tại Hickory, (Chesapeake ngày nay), bang Virginia, với người cha George Woodward và mẹ là Mary Elizabeth Griffin
Cô bé Bessie theo học tại Diggs Chapel, một ngôi trường rất nhỏ với duy nhất 1 phòng học, do người da màu xây dựng sau Nội chiến, nhằm cung cấp giáo dục miễn phí cho trẻ em người da màu, cựu nô lệ và người Mỹ bản địa. Và cũng chính tại đây diễn ra một sự kiện được xem là đã góp phần định hình toàn bộ tương lai của bà.
Bessie vốn thuận tay trái, điều được cho là không thể chấp nhận được vào thời điểm đó. Cô giáo Carrie Nimmo đã bắt gặp Bessie Blount viết bằng tay trái, và không chỉ khiển trách đơn thuần, cô Nimmo còn dùng thước gõ vào các đốt ngón tay của Bessie. Bướng bỉnh và thích làm những thứ khác thường từ khi còn bé, Blount phản ứng bằng cách tập viết bằng cả hai tay, thậm chí là viết bằng chân và ngậm bút vào răng để tập viết. Sau này, trong cuộc phỏng vấn với báo giới về lý do của sự nổi loạn này, Bessie Blount hài hước chia sẻ rằng khi đó bà nghĩ: “Nếu viết bằng tay trái là sai, thì viết bằng tay phải cũng sai”.
Tại Hickory không có cơ sở giáo dục trung học nào cho trẻ em da màu, vì vậy Bessie Blount đã phải tự tìm cách của mình. Hành trình học vấn của cô bé đặc biệt cũng thay đổi và chịu ảnh hưởng bởi biến cố gia đình. Sau khi cha qua đời trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Bessie Blount cùng mẹ chuyển đến New Jersey vào những năm 1920.
Tại đây, bà được nhận vào học ở Trường Cao đẳng Union Junior (Cranford, tiểu bang New Jersey, Mỹ) và học y tá tại Bệnh viện cộng đồng tưởng niệm Kennedy (CKMH) ở Newark (thành phố lớn nhất của tiểu bang New Jersey), cũng là bệnh viện duy nhất ở New Jersey do người da màu làm chủ và điều hành. Blount sau đó còn theo học sau đại học ở trường Cao đẳng Vệ sinh và Giáo dục Thể chất Panzer, thuộc Đại học Montclair (New Jersey), vinh dự hiếm có ở thời điểm đó và bắt đầu con đường trở thành một nhà vật lý trị liệu. Bà nhận được giấy phép hành nghề vật lý trị liệu và bắt đầu làm việc tại Bệnh viện Bronx (New York City) vào khoảng năm 1943.
Nguồn cảm hứng đầu tiên
Năm 1941, Mỹ bắt đầu chính thức sa chân vào Thế chiến II. Thời điểm đó, Bessie Blount đã tham gia làm tình nguyện viên với nhóm Grey Ladies - những y tá áo xám - của Hội Chữ thập đỏ tại Căn cứ 81, chăm sóc y tế cho các quân nhân và cựu chiến binh ở khu vực tàu điện ngầm New York và phía Bắc New Jersey. Công việc này đã giúp Bessie Blount có cơ hội tiếp xúc với hàng trăm binh sĩ bị thương được đưa về các bệnh viện dành cho cựu binh. Thời điểm đó người ta ước tính có khoảng 14.000 binh sĩ sống sót nhưng bị tàn tật được đưa về địa phương. Nhiều người mất khả năng tự viết, tự chăm sóc cá nhân, tạo ra gánh nặng lớn cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Không chỉ chăm sóc bệnh nhân, cô y tá trẻ Bessie Blount đã dạy họ cách mà chính cô từng thử nhiều năm trước - viết chữ bằng chân, hoặc bằng răng. Thậm chí một số người còn học đọc chữ nổi bằng chân.
Trong thời gian rảnh rỗi ít ỏi, Blount thích làm việc với các nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia, tỏ ra đặc biệt quan tâm tới các bức vẽ phác thảo y khoa và các bức ảnh chụp cơ thể người. Nhờ đó, cô gái tìm tòi học cách vẽ, nền tảng để sáng tạo nên các phát minh vĩ đại và có ý nghĩa về sau này. Trong cuộc phỏng vấn vào năm 1948 với báo “Afro-American”, Bessie Blount nhớ lại: "Vẽ đã giúp tôi có thời gian để thiết kế ra nhiều thiết bị dành cho những người khuyết tật. Sau khi tiếp xúc với các trường hợp tê liệt như Diplegia và Quadriplegia (còn gọi chung là "Hội chứng tê liệt mù"), tôi quyết định dành cuộc đời mình cho những công việc này".
Nguồn cảm hứng cho phát minh đầu tiên của Bessie Blount đến khi một bác sĩ tại Bệnh viện Bronx nói với cô rằng quân đội đã cố gắng sản xuất một thiết bị giúp người tàn tật tự ăn nhưng không thành công, và cũng chính người này đã khích lệ cô gái trẻ và táo bạo tìm cách giúp các cựu binh tàn tật.
Bà nhận ra rằng những người tàn tật có thể sống tốt hơn rất nhiều nếu họ có thể tự ăn uống mà không cần người chăm sóc, và đã nghĩ ra một thiết kế thiết bị cho ăn điện tử cho phép bệnh nhân cắn vào ống để đưa thức ăn vào miệng. Nung nấu suốt 5 năm, ý tưởng mới thành sự thật. Ngay trong chính khu bếp, sử dụng các công cụ hàng ngày như dũa, búa, một cây gắp đá để tạo hình, Blount đã dành 10 tháng để thiết kế một thiết bị dành cho những thương binh đã bị cắt cụt chi trên hoặc bị liệt. Bà mất thêm 4 năm miệt mài với vô số lần thất bại và tốn kém để chế tạo ra thiết bị. Blount từng nói với các binh sĩ rằng: “Bạn không bị què, chỉ bị ràng buộc trong tâm trí”.
Để vận hành thiết bị, bệnh nhân sẽ cắn vào một chiếc ống để kích hoạt động cơ và một mẩu thức ăn sẽ được đưa qua một ống ngậm hình thìa. Thiết bị sẽ tự động tắt giữa mỗi lần đưa thức ăn lên để bệnh nhân có thời gian nhai.
Sự hào hứng khi thiết bị hoàn thành vào năm 1948 và được trình bày trước Cục quản lý Cựu chiến binh Mỹ (VA) đã bị dội gáo nước lạnh khi cơ quan này tỏ ý không quan tâm. Trên thực tế, các cơ quan hữu trách và nhất là VA rất bị động trong việc chăm lo cho các thương binh tàn tật. Ba năm thuyết phục bất thành, với lá thư của Paul B. Magnuson, Tổng giám đốc điều hành của VA cho rằng thiết bị là không cần thiết và "phi thực tế", Blount đã chuyển giao quyền sáng chế cho chính phủ Pháp để sử dụng trong các bệnh viện quân sự. Năm 1952, sau nghi lễ ký kết hợp tác ở Pháp, phát biểu trên báo “Afro-American”, nhà phát minh Bessie Blount tự hào nói: "Một người phụ nữ da màu đã có đủ khả năng để phát minh ra một số thứ có thể làm lợi cho nhân loại".
Ngoài chế tạo thiết bị ăn tự động, nhà phát minh Blount còn chế ra một hộp hỗ trợ đựng thức ăn, gắn vào cổ các thương binh và có thể giữ một cái đĩa hay tách đựng. Công trình này đã giúp Blount nhận được một bằng sáng chế vào năm 1951.
Blount cũng đã phát triển bồn đựng chất thải dùng một lần giúp các bệnh viện giảm bớt công sức dọn dẹp. Bồn được tạo ra từ hỗn hợp bột mì, nước và giấy báo. VA, một lần nữa, không quan tâm. Blount đã bán ý tưởng này cho Bỉ và họ vẫn sử dụng một biến thể của sản phẩm này cho đến ngày nay.
Cống hiến trọn đời
Khi dạy các cựu binh và những người khuyết tật khác học cách viết không phải bằng tay, Blount cũng đã bắt đầu quan tâm tới cách chữ viết phản ánh rõ nét sự thay đổi sức khỏe của con người. Năm 1968, bài báo khoa học được đăng tải với tiêu đề "Bút tướng pháp y khoa" đã đánh dấu sự chuyển dịch nghề nghiệp mới của Bessie Blount, một tác phẩm được công chúng và giới nghiên cứu đặc biệt đón nhận.
Sau khi công bố công trình nghiên cứu của mình, vào những năm 1960, Blount bắt đầu tư vấn cho Sở Cảnh sát Vineland (New Jersey), phân tích các bức thư và hồ sơ y tế để khảo nghiệm các tài liệu viết tay nhằm phát hiện các trường hợp giả mạo và phân tích hành vi con người.
Vào những năm 1970, bà trở thành chuyên viên giám định tài liệu chính tại Sở Cảnh sát Portsmouth, và sau đó là Sở Cảnh sát London vào năm 1977, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên đảm đương cương vị này. Bà còn hoạt động tích cực trong các tổ chức như Hiệp hội các ngành khoa học pháp y quốc tế (IAFS) và Tổ chức các giám đốc thừa hành luật pháp người da màu quốc gia Mỹ (NOBLEE). Bessie Blount ở tuổi 80 vẫn tiếp tục làm việc với tư cách là nhà tư vấn khoa học pháp y, cống hiến kiến thức chuyên môn về chữ viết tay của mình cho các bảo tàng và hỗ trợ các nhà sử học, tham gia các công trình xác minh tính xác thực của các tài liệu liên quan đến chế độ nô lệ, thời Nội chiến và các hiệp ước của người Mỹ bản địa với chính quyền Mỹ.
Bà từng được đề xuất tặng những phát minh của mình cho các viện bảo tàng tôn vinh thành tích của người Mỹ gốc Phi, song từ chối thẳng thừng vì không muốn người ta ràng buộc với chủng tộc và màu da của bà với những cống hiến mà bà đem lại. Trao đổi với báo giới trong một cuộc phỏng vấn, bà nói rõ: “Tại sao tôi phải tặng những thứ tôi làm… Họ sẽ thu phí các học sinh và người dân đi xem chúng? Không!... Tôi sẽ đưa chúng đến trường học, nơi bọn trẻ có thể ôm chúng, tận tay chạm vào chúng. Chúng là một phần của lịch sử”.
Bessie Blount còn là cây bút nổi tiếng của tờ “The New Jersey Herald News”, một diễn giả nhiệt thành, khơi gợi cảm hứng cho rất nhiều người phụ nữ và da màu.
Cuộc đời của bà sôi nổi, đầy sắc màu và tràn ngập niềm hy vọng, song vẫn còn một tâm nguyện mà đáng tiếc là bà chưa được chứng kiến nó hoàn thành.
Năm 2008, Bessie Blount một mình trở về quê nhà ở Virginia. Ngôi trường nhỏ bé năm xưa đã bị thiêu rụi từ lâu và bà muốn xây dựng tại đây một bảo tàng và thư viện để tưởng nhớ ngôi trường cũng như sự đóng góp của những người đã làm việc và học tập tại đó. Bessie khi đó đã 93 tuổi và bà đã qua đời vào ngày 30/12/2009 khi kế hoạch chưa thành hiện thực.