Cuộc đời đa diện của sĩ quan SS Walther Rauff

Hermann Julius Walther Rauff (còn gọi là Walther Rauff, sinh ngày 19/6/1906, mất 14/5/1984) là một chỉ huy cấp trung của lực lượng SS, Đức Quốc Xã (ĐQX). Từ tháng 1/1938, Rauff là phụ tá đầu tiên của Reinhard Heydrichl trong Cục an ninh (SD), sau đó công tác tại Văn phòng an ninh chính của Đế chế (RSHA). Tháng 12/1949, Rauff lên tàu sang Nam Mỹ và lên bờ ở Ecuador, ban đầu sinh sống ở Quito.

Trong các tài liệu được công chiếu trên Kênh Lịch Sử thì Rauff được mô tả là 1 trong số 7 tên Phát xít nguy hiểm nhất đào tẩu sang Nam Mỹ sau Thế chiến II…

Năm 2005, theo tài liệu công bố của Cơ quan tình báo MI.5 (Anh) thì năm 1924, Walter Rauff gia nhập Hải quân Đức với tư cách là một học viên trẻ. Sau thời gian đào tạo học viên sĩ quan, Rauff được thăng quân hàm Trung úy vào năm 1936 và được giao chỉ huy một tàu quét mìn. Rauff là bạn thân của Reinhard Heydrich, người này cũng phục vụ trong hải quân Đức thập niên 1920.

Năm 1931, Heydrich được thuê bởi trùm SS là Heinrich Himmler để trở thành người đứng đầu hệ thống phản gián SS, và khi từ chức khỏi Hải quân vào năm 1937, Rauff đã trở thành tâm phúc dưới trướng Heydrich. Tháng 4/1941, Rauff được thăng quân hàm Trung tá chỉ một thời gian ngắn trước khi xuất ngũ và quay lại làm việc cho RSHA. Đầu năm 1940, Rauff đứng đầu SD tại lãnh thổ Na Uy (Đức chiếm đóng khi đó).

Những chiếc xe tải có buồng khí độc chuyên sát hại người Do Thái.

Những chiếc xe tải có buồng khí độc chuyên sát hại người Do Thái.

Phát triển buồng hơi ngạt

Giai đoạn 1941-1942, Rauff trực tiếp tham gia vào công tác thiết kế và chế tạo các loại xe tải nhỏ chở khí, các buồng khí cơ động dùng để giết người bằng cách đầu độc hoặc làm ngạt thở những người bị coi là kẻ thù của nhà nước Đức: người Do Thái, người tàn tật, thành viên Cộng sản và những đối tượng khác.

Theo các tài liệu do CIA giải mật thì với tư cách là một viên chức của Viện kỹ thuật hình sự trực thuộc Văn phòng an ninh chính của đế chế (RSHA), Rauff đã thiết kế những chiếc xe tải chở khí dùng để giết hại người Do Thái và những người bị khuyết tật. Các hồ sơ của MI.5 còn thể hiện “khả năng kỹ thuật” của Rauff khi vận hành thứ chết chóc này. Rauff giám sát việc cải tiến hàng chục xe tải với sự hỗ trợ của một nhà sản xuất khung gầm ở Berlin nhằm đẩy khí thải vào các khoang kín nằm ở phía sau xe.

Các nạn nhân bị đầu độc hoặc bị ngạt thở bởi khí carbon monoxide tích tụ trong những khoang xe khi chúng chạy đến nơi an táng. Mỗi lần như thế, mỗi chiếc xe có thể chở từ 25 đến 60 người. Năm 1972, tại Santiago de Chile, Rauff đã ra làm chứng trước một công tố viên người Đức. Về vấn đề diệt chủng người Do Thái ở Ba Lan và Nga, khi được công tố viên hỏi rằng có bất kỳ hoài nghi nào về việc dùng xe chở khí tại thời điểm đó hay không thì Rauff đáp dứt khoát: “Tôi không nói được! Vấn đề chính đối với tôi khi đó là những vụ xả súng sẽ tăng gánh nặng cho người thực thi công vụ, nhưng gánh nặng đó đã bị gỡ bỏ khỏi họ bằng cách sử dụng xe chở khí”. Rauff duy trì nhiệm vụ hoạt động các xe chở khí tại Liên Xô và những khu vực khác do quân Đức chiếm đóng cho một nhà hóa học của lực lượng SS tên là August Becker, người này đã thông báo đầy đủ cho Rauff hay rằng những chiếc xe chở khí chỉ dùng để giết người.

Đàn áp người Do Thái ở Bắc Phi

Trong các năm 1942, 1943, Rauff đã tham gia vào việc đàn áp người Do Thái ở Tunisia (vùng lãnh thổ do người Pháp quản lý) bằng cách ban hành Quy chế bài Do Thái. Tháng 6/1942 tức chỉ 1 tháng sau khi phe Trục chiếm giữ Tobruk, SS đã thiết lập một đơn vị hành quyết đặc biệt tiếp sau bước chân của Quân đoàn Châu Phi của chỉ huy Erwin Rommel. Đơn vị này do Rauff chỉ huy đã thực hiện cái gọi là “những biện pháp hành pháp với dân thường”, hay nói trắng phớ là nô dịch và giết người hàng loạt.

May thay nhiệm vụ tiêu diệt dân số Do Thái ở Trung Đông của Rauff đã bị đình lại đột ngột khi Tập đoàn quân số 8 của Anh đã đánh bại Erwin Rommel tại El Alamein trong tháng 10/1942. Rommel buộc phải lui binh khỏi Vichy về Tunisia và duy trì đến tháng 5/1943 nhằm cho phép Rauff thực hiện cuộc đàn áp quy mô nhỏ hơn đối với người Do Thái bản địa.

Hồ sơ của MI.5 cho thấy Rauff được điều đến Vichy-Tunisia năm 1942 và đứng đầu Cục An ninh Đức (SD), nơi gã chỉ huy một đội giết người cơ động nhằm “tiến hành một chiến dịch đàn áp có tổ chức tốt chống lại người Do Thái và quân du kích”. Tunisia bị ảnh hưởng nặng nề khi là quốc gia duy nhất chịu ách chiếm đóng trực tiếp của Đức. Chỉ trong vòng 6 tháng (tháng 11/1942 - tháng 5/1943), người Đức và đối tác bản địa của họ tại Tunisia đã thực hiện một chế độ lao động cưỡng bức, tịch thu tài sản, bắt người làm con tin, tống tiền, trục xuất và hành quyết hàng loạt. Họ hạ lệnh cho những người Do Thái sống ở các vùng nông thôn Tunisia phải đeo Ngôi sao David, đồng thời thành lập các ủy ban đặc biệt giống như Judenrat gồm các nhà lãnh đạo Do Thái nhằm tiến hành chính sách ĐQX dưới sự đe dọa bỏ tù hoặc tử hình. Thuộc hạ của Rauff còn cướp trang sức, bạc, vàng và các đồ vật tôn giáo Do Thái khác. 43 kg vàng đã bị cướp khỏi cộng đồng Do Thái chỉ riêng tại đảo Djerba.

Walter Rauff trong thời gian ở Italy năm 1945.

Walter Rauff trong thời gian ở Italy năm 1945.

Trưởng cảnh sát mật ở bắc Italy

Năm 1943, Rauff được điều tới Milan nhằm phụ trách mọi hoạt động của Gestapo và SD trên toàn vùng Tây Bắc nước Ý. Hồ sơ của MI.5 nêu rõ: ở cả 2 vị trí (ở Tunisia và Bắc Italy) Rauff đều khét tiếng là người tàn nhẫn. Tại Tunis (thủ đô Tunisia) và Italy, y chịu trách nhiệm cho những vụ hành quyết bừa bãi cả người Do Thái và các du kích quân địa phương. Tại Italy, Rauff áp đặt toàn quyền kiểm soát của người Đức lên Milan, Turin và Genoa. Rauff không ngừng nhận nhiều lời khen ngợi, tán dương từ các thủ lĩnh SS. Đám ác ôn này cho rằng đó là “thành tựu tuyệt vời”. Rauff ở Italy cho đến cuối chiến tranh. Hồ sơ của MI.5 viết rằng: Rauff suýt bị một đám đông hành hình khi cố thủ trong khách sạn Regina ở Milan cùng với một số sĩ quan SS khác. Sau đó quân Đồng Minh đã tóm được Rauff và quẳng gã vào trại tù binh.

Theo hồ sơ giải mật của CIA về Rauff thì: “Gần cuối chiến tranh, Rauff (khi đó là sĩ quan SS cao cấp kiêm quan chức cảnh sát ở Bắc Italy) đã cố gắng giành công trạng cho sự đầu hàng của quân Đức ở Italy song cuối cùng chính bản thân lại ra hàng. Sau khi đào tẩu khỏi một trại tập trung của Mỹ ở Rimini (Italy), Rauff giấu mình trong nhiều tu viện Italy dưới sự bảo trợ của giám mục Alois Hudal”.

Làm gián điệp ở Trung Đông

Năm 1948, Rauff được tình báo Syria tuyển dụng và đến Damacus làm việc, nơi đây gã làm cố vấn quân sự cho Tổng thống Husni al-Za’im khi họ chiến đấu chống lại nhà nước Israel non trẻ mới thành lập, và mất đi sự ủng hộ bởi một cuộc đảo chính chỉ 1 năm sau đó. Rauff thuyết phục những người bắt giữ mình rằng gã chỉ là cố vấn chứ không có quyền chỉ huy; rồi gã được thả tự do nhưng bị buộc phải rời Syria. Sau khi ra khỏi Syria, Rauff chạy sang Lebanon và quay lại Italy, rồi từ đó lấy giấy thông hành quá cảnh đến Ecuador, nơi cả gia đình gã định cư, và sau đó chuyển đến Chile. Di tàu trong tháng 12/1949, Rauff rời khỏi Châu Âu sang Ecuador, đó là nơi gã sống đến năm 1958, định cư ở Quito và làm việc cho nhiều doanh nghiệp Đức. Có điều Rauff đã bắt tay làm việc hai mang cho tình báo Israel ngay cả trước khi Mossad được thành lập.

Năm 2007, trong cuốn sách mang tiêu đề “Đường mòn tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã không bị trừng phạt”, đặc vụ Mossad, Yossi Chen (tên gọi khác là Chinitz), chỉ ra rằng Rauff đã cung cấp tình báo từ Syria cho Israel và được ông Shalhevet Freier (người của Bộ Ngoại giao Israel) xử lý vấn đề này. Rauff đã nhận thù lao hậu hĩnh vì việc đó. Trong một báo cáo của CIA đề ngày 24/3/1950 có lưu ý rằng điệp viên Israel, Edmond (Ted) Cross, đã thuê các cựu sĩ quan ĐQX nhằm quan sát và xâm nhập vào các nước Arab. Trong một bản ghi nhớ đề năm 1953 của CIA cho thấy có một đặc vụ (có thể là Rauff) đã có mặt ở Ai Cập tại thời điểm đó. Báo cáo từ tháng 2/1950 của CIA cho thấy điệp viên Cross đã giúp Rauff có đủ giấy tờ cần thiết để định cư ở Nam Mỹ (Argentia).

Shalhevet Freier trong quân đội Anh, năm 1944.

Shalhevet Freier trong quân đội Anh, năm 1944.

Làm cố vấn cho chế độ độc tài ở Chile

Trước tháng 12/1949 đến năm 1958, Rauff đảm nhiệm 2 nhiệm vụ: một là quản lý một nhà máy đóng hộp cua hoàng đế ở Punta Arenas - thị trấn cực Nam trên thế giới; hai là trở thành thương gia ở Quito (Ecuador). Thế rồi Rauff được Thiếu tá Augusto Pinochet, đem sang nước mình dưới tư cách là một “chuyên gia quốc tế” nhằm thiết lập bộ máy an ninh nội bộ của Chile. Rauff đã trở thành thủ lĩnh của một nhóm toàn các cựu quan chức SS và Gestapo - những người Đức đang giữ vai trò cố vấn cho nhiều cơ quan khác nhau của quân đội độc tài ở Chile lúc đó. Giai đoạn 1958 - 1963, Rauff được Cục tình báo liên bang Đức (BND) tuyển dụng, nhận mức lương tương đương 70.000 DM. Nhằm che giấu hoạt động gián điệp của mình ở Nam Mỹ, Rauff đã giả trang làm một giám đốc xuất khẩu kiêm đại lý cho hãng Importadora Goldmann, một công ty đóng trụ sở ở Santiago (Chile).

Người liên lạc với Rauff tại BND là Wilhelm Beissner (tên gọi khác là Bertram), người này từng trả lương cho Rauff và biết Rauff kể từ khi hai người làm việc cùng nhau tại Văn phòng an ninh chính của đế chế. Cuối cùng BND cảnh báo và loại bỏ Rauff trước khi y bị Chile bắt giữ. Nguyên do khiến BND sa thải Rauff vào tháng 10/1962 (mặc dù một số kênh liên lạc vẫn mở đến tận tháng 7/1963) là vì họ đánh giá gã ta “không đáng tin cậy”, “mưu mô”, và “nát rượu”. Năm 1960, Rauff quay về Đức để đòi lương hưu khi gã ta từng phục vụ trong Hải quân đế chế Đức và được giải quyết thỏa đáng. Nhưng đến năm 1998, Đức thông qua một đạo luật cấm trả lương hưu Thế chiến II cho các cựu phần tử ĐQX.

Tháng 12/1962, sau yêu cầu dẫn độ từ phía Đức, chính quyền Chile đã bắt giữ Rauff, nhưng y được Tòa tối cao Chile trả tự do chỉ 5 tháng “bóc lịch” vào cuối năm 1963 với lý do tội ác đã quá cũ. Cựu điệp viên Mossad, Yossi Chen (Chinitz), tiết lộ rằng cơ quan này có ý định bắt sống Rauff năm 1979.

Sau cuộc đảo chính quân sự năm 1973, Rauff làm trợ lý trực tiếp cho Manuel Contreras và cố vấn cho người này thành lập ra Cảnh sát mật (DINA). Rauff được đánh giá là một chuyên gia về Giải pháp cuối cùng: thủ tiêu hoặc làm “bốc hơi” những người bất đồng chính kiến. Rauff lập kế hoạch và giám sát việc xây dựng các trại tập trung, cũng như tìm kiếm và tiêu hủy các tử thi những người bất đồng chính kiến đã bị tra tấn và sát hại. Hắn ta bị cáo buộc đã thông đồng với các cựu sĩ quan ĐQX để buôn lậu Sarin vào Chile. Một cựu quân nhân Chile sau này kể rằng Rauff là cánh tay đắc lực của Contreras, là quan chức chỉ huy trong DINA. Khi ông Hans Strack (Đại sứ quán Đức ở Chile) nhận lệnh yêu cầu dẫn độ Rauff thì Strack (người ủng hộ tội phạm chiến tranh lưu vong) đã “ngâm” đơn xin dẫn độ hơn 14 tháng! Một số người chỉ trích cho rằng CIA không thể xác định vị trí chính xác của Rauff.

Chế độ Pinochet từ chối mọi yêu cầu dẫn độ Rauff để xét xử ở Tây Đức hoặc Israel khi một mực cho rằng Rauff là một công dân Chile yêu chuộng hòa bình suốt hơn 20 năm, và tuyên bố vụ việc đã đóng lại kể từ phán quyết năm 1963 của Tòa án tối cao Chile. Rồi bỗng nhiên Rauff “biến mất” nhưng được nhà làm phim tài liệu William Bernister phát hiện đang ở Los Pozos, thủ đô Santiago de Chile, năm 1979, và phỏng vấn hắn ta. Một thời gian dài mắc bệnh ung thư phổi, Rauff qua đời tại Santiago de Chile ngày 14/5/1984. Đám tang Rauff là dịp để bọn cựu binh ĐQX ăn mừng. Một cuốn tiểu sử bằng tiếng Đức viết về Rauff của nhà văn Martin Cuppers đã được xuất bản năm 2013.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/cuoc-doi-da-dien-cua-si-quan-ss-walther-rauff-i764212/