Cuộc đối đầu giữa hai tay bắn tỉa huyền thoại
Trong Thế chiến II, trận Stalingrad là một trong những trận đánh đẫm máu nhất ở mặt trận phía Đông giữa Hồng quân Liên Xô và Phát xít Đức. Cũng tại nơi này, đã xảy ra cuộc đối đầu giữa Vasily Grigoryevich Zaitsev, lính bắn tỉa Liên Xô và Erwin Konig, cũng là một tay bắn tỉa trong quân đội Đức…
Vasily Grigorvevich Zaitsev
Sinh ngày 23-3-1915 tại làng Yeleninskoye, tỉnh Orenburg thuộc dãy núi Ural, Vasily Zaitsev, có biệt danh là "Con thỏ” bởi ngay từ năm 10 tuổi, Zaitsev đã được ông nội dạy cho cách phân biệt các loại thú rừng, cách theo dõi dấu vết, cách đặt bẫy và sử dụng súng. Từ những kinh nghiệm ấy, Zaitsev đặt cho mình nguyên tắc: “Mỗi con thú chỉ một lần bóp cò”. Chiến tích đầu tiên của Zaitsev ở tuổi 12 là một con sói do ông bắn hạ bằng 1 viên đạn từ khẩu súng trường ông nội tặng cho.
Năm 1930, Zaitsev tốt nghiệp trường cao đẳng xây dựng ở thành phố Magnitogorsk, chuyên ngành lắp máy. Năm 1937 ông nhập ngũ rồi phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương. Khi Thế chiến II nổ ra và khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô trong Chiến dịch Barbarossa, Zaitsev xung phong ra tiền tuyến.
Đến tháng 9-1942, sau khóa huấn luyện về bắn tỉa, ông được biên chế vào Trung đoàn súng trường 1047 thuộc Sư đoàn súng trường“Tomsk” số 284, Tập đoàn quân 62 tại mặt trận Stalingrad. Chỉ trong khoảng thời gian từ 22-9-1942 đến 19-10-1942, với khẩu Mosin Nagant của mình, Zaitsev đã giết 40 lính Đức và từ ngày 10-10-1942 đến 17-12-1942, tại mặt trận Stalingrad, một mình ông hạ thêm 225 kẻ địch.
Yakolev, một người lính trong đơn vị Zaitsev nhớ lại: “Khi ấy, quân Đức chiếm một tòa tháp rồi đặt khẩu đại liên MG-42 trên đỉnh tháp. Nó bắn như vãi đạn, khống chế toàn bộ hướng tiến quân của chúng tôi vì muốn đến chân tháp thì phải băng qua một quảng trường trống trải. Đã mấy lần chúng tôi tổ chức tấn công nhưng đều thất bại…”.
Zaitsev và 3 lính bắn tỉa khác được gọi đến. Quan sát xong, ông đề nghị bố trí khẩu đại bác 57mm sau một ngã ba. Vẫn Yakolev kể tiếp: “Kế hoạch của Zaitsev là ngay khi anh ấy hạ tên xạ thủ MG-42 thì lập tức khẩu 57mm phải đẩy ra khỏi ngã ba rồi bắn trực xạ vào đỉnh tháp để hỗ trợ Hồng quân xông lên chiếm tháp”.
Vài phút sau, với khẩu súng trường bắn tỉa Mosin Nagant từ khoảng cách 800m, Zaitsev chỉ bằng 1 viên đạn duy nhất đã vô hiệu hóa gã xạ thủ Đức. Và trong lúc kẻ tiếp đạn cùng xạ thủ phụ chưa kịp hoàn hồn thì khẩu 57mm đã bắn liên tiếp 6 quả vào đỉnh tháp, mở đường cho Hồng quân kiểm soát toàn bộ khu vực quảng trường.
Tuy nhiên, một cú bắn của Zaitsev xảy ra mấy ngày sau đó đã trở thành kinh điển của nghệ thuật bắn tỉa. Khi Hồng quân đang củng cố đội hình dưới một chiến hào để chuẩn bị xông lên chiếm mục tiêu là một trường trung học đã lọt vào tay quân Đức từ nhiều ngày trước thì bất ngờ xuất hiện một máy bay ném bom bổ nhào Stuka của Đức. Từ trên trời, nó lao xuống ném một loạt bom khiến nhiều chiến sĩ Hồng quân thương vong.
Khi chiếc Stuka quay lại lần thứ hai và khi nó vừa chúi xuống, Zaitsev bình tĩnh đợi nó lọt vào tầm bắn hiệu quả của khẩu Mosin Nagant rồi bóp cò. Viên đạn xuyên qua kính lái, giết chết viên phi công còn chiếc Stuka rơi như một hòn đá rồi nổ tung lúc chạm đất trong tiếng reo hò của Hồng quân. Vì những chiến công này, Zaitsev được đặc cách thăng từ Trung sĩ lên Thiếu úy.
Erwin Konig
Cho đến nay, ngay cả trong hồ sơ của Đức Quốc xã thu được sau chiến tranh, thông tin về Erwin Konig rất mờ nhạt. Lời khai của các tù binh Đức cho thấy trước ngày Berlin thất thủ, phần lớn tài liệu về các sĩ quan từ cấp tá trở lên đều bị tiêu hủy để tránh sự truy lùng của cả Hồng quân Liên Xô lẫn quân đội Mỹ và Đồng minh bởi lẽ nhiều người trong số họ phạm tội ác chiến tranh. Người ta chỉ biết Konig xuất thân từ tầng lớp quý tộc tại vùng Bavaria, Đức, là Thiếu tá, Giám đốc trường bắn tỉa Wehrmacht ở Zossen.
Khả năng tác xạ của Konig được các học viên truyền tụng rằng với khẩu súng trường Karabiner 98K (là loại súng bắn xong phát này thì phải kéo bộ khóa nòng cho vỏ đạn văng ra rồi dùng tay nạp viên đạn khác vào), Konig tung cái hộp đựng thức ăn bằng thiếc lên cao, bắn liên tiếp 3 phát thì nó mới rơi xuống đất.
Sự truyền tụng ấy còn được bổ sung bởi lời khai của những lính Đức bị Hồng quân bắt làm tù binh: “Mỗi khi Thiếu tá Konig xuất hiện, chúng tôi đều biết rằng sẽ có thêm nhiều người Nga phải lìa đời”. Theo hồ sơ của quân đội Đức, chỉ trong 4 ngày kể từ khi xuất hiện tại mặt trận Stlingrad cho đến lúc bị Zaitsev bắn hạ, ít nhất 27 Hồng quân hy sinh dưới tay ông ta.
Tháng 12-1942, trước việc quân Đức gặp nhiều thiệt hại bởi lính bắn tỉa Hồng quân, Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân số 6 Đức Quốc xã điều động Konig đến Stalingrad. Ngay buổi trưa đầu tiên khi đến nơi, Konig vào một cửa hàng bách hóa đã đổ nát vì bom đạn rồi ẩn mình trong đống quần áo. Từ vị trí ấy, chỉ một buổi chiều Konig đã hạ sát 9 Hồng quân. Do bản tính kiêu ngạo, cứ mỗi lần bắn chết 1 người, Konig lại hút 1 điếu thuốc lá rồi ném cái mẩu tàn thuốc xuống ngay vị trí mà ông ta đã tác xạ.
Lúc này, đội bắn tỉa của Hồng quân do Zaitsev dẫn đầu cũng có ý định dùng cửa hàng bách hóa làm nơi phục kích quân Đức. Khi nhóm của Zaitsev vào được bên trong, Anton là người đầu tiên bị Konig bắn chết. Cũng lúc ấy, máy bay Đức ném bom các khối nhà bên kia đường nên Zaitsev ra lệnh cho người của mình quay ra. Trên đường rút lui, lại thêm lính bắn tỉa Ludmina hy sinh bởi Konig còn Zaitsev, Kulikov và Volodya thoát được.
Hôm sau, khi trở lại cửa hàng bách hóa, Zaitsev, Kulikov và Volodya phát hiện đường dây diện thoại của quân Đức. Sau khi cắt đứt, họ tiến hành phục kích rồi bắn chết 4 lính Đức đến để sửa chữa. Khi quân Đức phản công, họ bắt được Volodya. Vài lính Đức sau này đầu hàng quân Nga cho biết Konig khi tra khảo Volodya về số lượng lính bắn tỉa Nga tham chiến ở khu vực này và các vị trí ẩn náu của họ, ông ta yêu cầu Volodya phải mặc quân phục Đức rồi giả như thợ sửa chữa đường dây điện thoại với mục đích biến Volodya thành con mồi để lính bắn tỉa Nga phải lộ diện.
Cho đến nay, vẫn không hiểu vì sao Volodya lại chấp thuận lời yêu cầu của Konig. Người ta chỉ có thể suy đoán rằng Volodya đã lợi dụng cơ hội ấy để thông báo cho Zaitsev biết về sự có mặt của Konig hoặc chí ít, anh cũng tìm cách trốn thoát. Tuy nhiên sự cố bi thảm đã xảy ra. Do nhầm lẫn Zaitsev là lính Đức, Zaitsev bắn chết Volodya nhưng cú bắn vô tình đã tiết lộ vị trí của ông và Kulikov. Cũng bằng 1 phát đạn, Konig nhắm vào Kulikov lúc ấy núp dưới bậu cửa sổ trong một căn nhà và lần này, người xấu số là Kulikov.
Cuộc đối đầu
Ngày thứ 3, trong khi đang ẩn náu tại một căn phòng ở cửa hàng bách hóa, Konig bắt được một cậu bé người Nga là Sasha Filippov. Khi biết Sasha chỉ đi tìm thức ăn vì quá đói, Konig cho cậu bé mấy thanh sô cô la rồi nhờ cậu tìm hiểu về lính bắn tỉa Nga sau khi đã mô tả tỉ mỉ về cách ăn mặc, vũ khí, để Sasha không nhầm lẫn với những người lính Nga bình thường khác.
Đến xế chiều, Sasha quay lại với thông tin rằng nhóm bắn tỉa Hồng quân đang phục kích trong một nhà xưởng chế tạo máy kéo, Konig thưởng cho Sasha thêm một nắm kẹo sô cô la cùng một túi bánh mì khô nhưng ông ta không ngờ tất cả những thông tin này đều do Zaitsev chỉ dẫn cho Sasha nhằm đánh lừa Konig.
Xẩm tối ngày thứ 3, Konig bí mật đột nhập nhà máy kéo rồi giấu mình sau một xác lính Đức trong lúc Zaitsev thay vì ở trong nhà máy như Sasha đã báo cho Konig, ông cùng một đồng đội là Sergei phục kích ở bên ngoài, trong một ống dẫn nước bằng gang, đối diện với vị trí của Konig.
Sáng ngày thứ 4, khi nghe thấy tiếng động do Sergei vô tình tạo ra bởi sự va chạm của báng súng với ống dẫn nước, Konig rời khỏi xác lính Đức rồi núp sau khung gỗ của một cánh cửa sổ. Và cũng vì sự va chạm này nên Zaitsev và Sergei phải ra khỏi lòng ống để tránh bị lộ. Chỉ đợi cơ hội ấy, Konig nổ một phát khiến Sergei bị thương còn Zaitsev lao ra phía sau một thùng dầu cũ. Vận rủi đến với ông khi khẩu Mosin Nagant lại rơi ra ngoài. Bằng sợi dây buộc vào con dao nhíp, Zaitsev biến nó thành cái móc, cố gắng lấy lại khẩu súng nhưng một lần nữa, Konig lại bắn đứt sợi dây bằng cách nhìn vào những mảnh kính lớn xung quanh, phản chiếu một phần cánh tay của Zaitsev.
Cuối cùng lợi dụng lúc Konig rời khỏi vị trí để bò xuống một cái hố có vài tấm tôn che đậy vì ở chỗ này, cái thùng dầu không còn là vật cản thì cũng là lúc Zaitsev lấy lại khẩu Mosin Nagant. Rất nhanh chóng, ông lăn mình đến cạnh một toa tàu rồi giương súng nhìn vào ống ngắm. Ở phía đối diện, Konig cũng dán mắt vào ống ngắm nhưng chưa ai nhìn thấy ai.
Vài phút im lặng trôi qua trong cái lạnh như hơi thở thần chết của thời tiết mùa đông. Hình như là định mệnh vì đột nhiên, một tia nắng hiếm hoi ló dạng sau màn mây trắng dầy đặc, chiếu thẳng về hướng Konig. Khi nhìn thấy ánh nắng phản xạ từ ống ngắm của Konig, Zaitsev không chút chần chừ. Viên đạn bắn đi từ khẩu Mosin Nagant xuyên qua chiếc ống kính Zeltbahn Rolled rồi chui vào mắt Konig, trổ ra sau ót. Huyền thoại bắn tỉa Đức Quốc xã lúc ấy vẫn nằm sấp, đầu nghiêng sang một bên, một con mắt mở trừng trừng còn con kia đầm đìa máu. Tại Bảo tàng Các lực lượng vũ trang ở Moscow hiện vẫn trưng bày khẩu súng trường bắn tỉa Karabiner 98K của Konig.
Sau vụ bắn hạ Konig, Zaitsev tiếp tục chiến đấu ở mặt trận Stalingrad. Tháng 1-1943, ông bị thương, mù một mắt trong trận tấn công bằng súng cối của quân Đức. Sau khi điều trị, ông quay lại chiến trường cho đến lúc chiến tranh kết thúc.
Ông giải ngũ với cấp bậc Đại úy và nhận được nhiều phần thưởng: Anh hùng Liên Xô, Huân chương Lenin, Huân chương Cờ đỏ (2 lần), Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất, Huân chương Bảo vệ Stalingrad và Huân chương Chiến thắng. Trong một lần đến thăm Berlin, lúc ấy thuộc về Cộng hòa dân chủ Đức, Zaitsev vô tình gặp con gái của Konig trong một viện bảo tàng. E ngại về những tranh cãi có thể xảy ra, nhân viên an ninh viện bảo tàng tế nhị đưa Zaitsev sang một khu trưng bày khác.
Sau chiến tranh, Zaitsev theo học đại học ngành dệt may rồi tốt nghiệp kỹ sư. Trước khi qua đời ngày 15-12-1991 ở tuổi 76, ông là giám đốc của một nhà máy dệt. Vụ bắn hạ Konig về sau đã trở thành đề tài cho các nhà văn, đạo diễn điện ảnh phương Tây, trong đó nổi tiếng nhất là bộ phim “Enemy at the Gates - Kẻ thù trước cổng” và cuốn tiểu thuyết “War of the Rats - Cuộc chiến của những con chuột”, chưa kể đến tập hồi ký của Zaitsev: “Ghi chú của một người lính bắn tỉa Nga”…
Theo các nhà viết sử chiến tranh, nếu chỉ nói riêng về lĩnh vực kỹ thuật quân sự, cả Zaitsev lẫn Konig đều được xem là những tay “siêu bắn tỉa” bởi lẽ với khẩu Mosi Nagant và khẩu Karabiner 98K thời ấy, tầm bắn hiệu quả không quá 1.000m, kính ngắm quang học đơn giản, lại không có thiết bị đo tốc độ gió để tính độ giật của đầu đạn mà cả hai đều đã thực hiện được những cú bắn kinh hồn...