Cuộc đối đầu nguy hiểm giữa Mỹ và Iran

Tối 13-8, một máy bay không người lái của Iran đã áp sát một tiêm kích F-18 của Mỹ hoạt động gần tàu sân bay USS Namizt đóng ở vùng Vịnh. Dù không có sự va chạm nào, song động thái này cho thấy, hai nước vẫn luôn trong tình trạng đối đầu dù Iran và nhóm P5+1, trong đó có Mỹ, đã đạt được 'thỏa thuận lịch sử' về chương trình hạt nhân của Tehran.

Máy bay tiêm kích F-18 xuất phát từ tàu sân bay USS Nimitz của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Máy bay tiêm kích F-18 xuất phát từ tàu sân bay USS Nimitz của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Phát biểu với báo chí ngày 14-8, Đại tá Ian McConnaughey, phát ngôn viên Hạm đội 5 của Mỹ đóng tại vùng Vịnh cho biết, tối 13-8, máy bay không người lái Sadgeh (QOM-1) đã lượn phía trên tàu sân bay USS Nimitz, áp sát một tiêm kích F-18 đang bay, ở khoảng cách khoảng 300 mét, đe dọa đến tính mạng phi công Mỹ.

Theo ông McConnaughey, chiếc QOM-1 đã bay mà không bật đèn cảnh báo khi áp sát, không đánh tín hiệu phản hồi khi phía Mỹ liên tục có các thông báo trên sóng vô tuyến. Máy bay không người lái của Iran không mang vũ khí, dù được thiết kế có khả năng mang tên lửa. Hành động của phía Iran đã tạo ra tình thế nguy hiểm, gây nguy cơ đụng độ, không phù hợp với chuẩn mực và luật pháp quốc tế về hàng hải. Quân đội và truyền thông nhà nước Iran chưa đưa ra bình luận gì trước thông tin trên.

Đây là lần thứ hai Mỹ và Iran đối đầu nguy hiểm trên vùng Vịnh chỉ trong vòng một tuần. Trước đó, ngày 8-8, một máy bay không người lái của Iran đã bay sát tiêm kích F-18 chuẩn bị hạ cánh xuống tàu sân bay Nimitz, ở khoảng cách chỉ khoảng 30m.

Trong khi đó, các tàu chiến của Iran và Mỹ thường xuyên có những vụ “đối đầu” căng thẳng trên Vịnh Ba Tư và các vụ đối đầu ngày một gia tăng trong thời gian gần đây. Vụ việc gần đây nhất xảy ra vào tháng 1-2017 khi tàu khu trục USS Mahan bắn cảnh cáo tàu tấn công nhanh của Iran khi các tàu này tìm cách tiếp cận tàu USS Mahan ở eo biển Hormuz.

Theo thống kê của Hải quân Mỹ, trong năm 2016, lực lượng này ghi nhận 35 trường hợp “tiếp cận không an toàn hoặc/và không chuyên nghiệp với I-ran, tăng đáng kể so với 23 trường hợp năm 2015. Còn tính từ đầu năm đến nay, Hải quân Mỹ đã ghi nhận 14 vụ đối đầu, áp sát “không an toàn, thiếu chuyên nghiệp” giữa máy bay, tàu chiến của Iran với lực lượng quân sự Mỹ hoạt động trong khu vực.

Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ và Iran tăng các vụ đối đầu trên không và trên biển chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” của mối quan hệ đầy sóng gió giữa hai nước. Kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân với giữa Iran và nhóm P5+1 gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức vốn được coi là một di sản đối ngoại nổi bật của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng còn nhiều lần lên tiếng đe dọa sẽ tiến hành đàm phán lại với Iran về “thỏa thuận hạt nhân lịch sử” sau khi Washington liệt Tehran vào danh sách “cần theo dõi” vì đã tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo mà Mỹ cho là vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Căng thẳng giữa hai nước càng gia tăng khi ngày 25-7 vừa qua, Hạ viện Mỹ thông qua gói trừng phạt mới nhằm vào những người có liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng như những cá nhân và công ty có quan hệ thương mại với Iran. Gói trừng phạt này cũng bao gồm lệnh cấm buôn bán vũ khí cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Theo nhận định của các chuyên gia, sự leo thang các vụ đối đầu giữa Mỹ và I-ran có thể làm dấy lên những mối lo ngại về tương lai của thỏa thuận hạt nhân với Iran, từ đó ảnh hưởng tới hòa bình khu vực và thế giới.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cuoc-doi-dau-nguy-hiem-giua-my-va-iran/