Cuộc đời 'lừng lẫy giang hồ' của sư thầy xin hiến toàn bộ cơ thể cho y học
'Nhờ nhân duyên với nhà Phật mà tôi đã vượt qua khoảng thời gian khủng khiếp và tồi tệ nhất trong cuộc đời. Chính vì vậy, sau khi hiến đi một quả thận, tôi vẫn hàng ngày rèn luyện sức khỏe để mong có thể tiếp tục hiến thêm những bộ phận cơ thể khác cứu người', thầy Thích Đạo Cảnh tâm sự.
Quá khứ lầm lỡ
Chùa Diên Phúc (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) là nơi tu hành của sư thầy Thích Đạo Cảnh. Ngôi chùa này nằm nép mình bên Quốc lộ 32 với nhiều cây cối, đặc biệt là có hai cây hoa đại cổ thụ bám đầy tầm gửi phía ngoài cổng. Phải lần thứ hai quay lại, chúng tôi mới gặp được và trò chuyện với thầy. Nhà sư cũng không quên căn dặn: "Ở đời, có nhân có quả, đừng viết về tôi như một sự tôn vinh. Như vậy tổn phước lắm!".
Sư thầy Thích Đạo Cảnh tên thật là Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1963), quê gốc ở thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà đông anh em, người mẹ bị bệnh nặng rồi qua đời nên 16 tuổi, ông đã xa gia đình đi bán nước dạo trên những chuyến tàu Vĩnh Phúc - Lào Cai - Hà Nội. Trong những năm tháng lang bạt, ông đã sa chân vào con đường lầm lỡ từ đòi nợ thuê đến bảo kê rồi nghiện ngập lúc nào không hay...
Ngày đó, sư thầy Thích Đạo Cảnh đã có vợ và 3 người con. "Vợ con khổ vì tôi nhiều lắm. Những đứa con của tôi bị mang tiếng về một người cha nghiện ngập, vợ tôi thì cắn răng bươn chải, bán hết đồ đạc, bán cả đất đai để kiếm tiền cho tôi cai nghiện. Để làm lại cuộc đời, sau khi cai nghiện thành công, tôi lặng lẽ bỏ nhà ra đi. Khi đó tôi biết gia đình đã thông báo tìm người mất tích trên báo nhưng tôi không hồi âm", sư thầy kể.
Trầm ngâm giây lát, thầy Thích Đạo Cảnh tiếp lời: "Rồi tôi đến với cửa Phật như một cái duyên. Đó là năm 2006, khi đang tình nguyện chấp tác xây dựng chùa Non Nước ở Sóc Sơn (Hà Nội) thì tôi nghe tin nhà Tam Bảo của Tịnh Thất ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc bị cháy thiệt hại nặng. Tôi xin phép đến chấp tế xây dựng, kiến thiết lại cho nhà chùa. Trong thời gian này, nghe tiếng tụng kinh niệm Phật, lòng tôi thanh thản vô cùng, rồi tôi phát nguyện ăn chay, xin phép sư trụ trì sáng chiều thỉnh chuông. Lúc đầu vị trụ trì còn không nhận vì sợ tôi vào chùa để đem tượng đi bán. Phải mất 2 năm trời sám hối, phát tâm đi xây dựng chùa chiền ở khắp nơi rồi học các giới luật, tôi mới được phép xuất gia và về tu tại chùa Diên Phúc".
Lời phát nguyện Bồ Đề và sự biến mất của khối u
Năm 2012, thầy Thích Đạo Cảnh bất ngờ phát hiện có khối u ở gan. "Đến lúc cầm kết quả, chân tay tôi bủn rủn không thể nhấc chân đi, không biết sẽ chết bao giờ. Hồi đấy tôi giảm 8kg vì suy sụp tinh thần nặng nề", thầy Thích Đạo Cảnh nhớ lại.
Thế nhưng, bằng những năm tháng tu tập theo giáo lí nhà Phật, vị sư thầy đã lấy lại tinh thần, nguyện phát tâm nếu khỏi được bệnh để làm những việc có ích cho cuộc đời. Cho rằng tinh thần là điều quan trọng nhất trong việc chữa bệnh nên sư thầy vui vẻ, lạc quan, ăn uống điều độ và rèn luyện cơ thể với niềm tin chiến thắng bệnh tật.
Lạ thay, gần nửa năm sau khi tái khám, các bác sĩ thông báo khối u gan trên người sư thầy đã biến mất bằng một cách kì diệu nào đó. Chính sư thầy cũng không thể lí giải và cho rằng, lời phát nguyện Bồ Đề của mình đã được Đức Phật chứng giám. "Vì thế, tôi phát tâm nguyện rằng, sẽ hiến tặng nội tạng của mình cho khoa học, trước là để trả nghiệp, sau là cứu người", thầy Thích Đạo Cảnh tâm sự.
Tình nguyện hiến toàn bộ nội tạng cứu người
Nghĩ là làm, thầy Thích Đạo Cảnh làm đơn hiến gan nhưng không đủ tiêu chuẩn. Hiến gan không được, thầy tiếp tục làm đơn hiến thận giúp những bệnh nhân nghèo. Thế nhưng, tâm nguyện vẫn chưa thành do trong máu chưa đạt tiêu chuẩn.
Ròng rã nhiều tháng trời không bỏ cuộc, thầy Thích Đạo Cảnh cùng sư huynh của mình là thầy Thích Đạo Hân kiên định đến bệnh viện thường xuyên để kiểm tra tình hình sức khỏe. Tháng 8/2014, niềm mong mỏi bấy lâu của sư thầy đã trở thành hiện thực khi có một người đàn ông ở Lào Cai cần ghép thận. "Khi đấy tôi vui mừng lắm. Ba ngày trước khi lên bàn mổ, tôi chỉ ăn cháo và uống cà phê để cầm máu cho tốt. Vậy nên ca mổ của tôi rất thành công. Tôi chỉ mất hơn ba ngày là tỉnh táo và vào thăm bệnh nhân kia luôn".
Người đàn ông may mắn được ghép một quả thận của sư thầy khi ấy hơn 60 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn phải chạy thận suốt 9 năm trời. Được cơ may ghép thận như một phép màu với cả gia đình họ, vì thế hàng năm, gia đình này vẫn về thăm chùa, thăm sư thầy.
Sau khi hiến thận, sư thầy tiếp tục công việc xây dựng, cải tạo chùa. Đều đặn 3 tháng một lần, sư thầy lại đi hiến máu nhân đạo. "Các cụ già chấp tác trong chùa luôn thắc mắc tại sao tôi không nghỉ ngơi, luôn hành xác như thế. Nhưng tôi luôn cảm thấy tinh thần vui vẻ và khỏe mạnh, da dẻ còn hồng hào hơn cả trước kia", sư thầy kể.
Hiện tại, tâm nguyện lớn nhất trong suốt quãng đời còn lại của sư thầy Thích Đạo Cảnh là hiến toàn bộ cơ thể để phục vụ cho y học. "Ai hỏng thận tôi xin hiến thận, ai hỏng gan tôi nguyện hiến gan và cả đôi mắt này cũng thế. Nếu có thể cho đi mà cứu sống và làm thay đổi cuộc đời người khác thì tôi xin sẵn lòng. Tâm nguyện cả cuộc đời còn lại tôi chỉ có vậy, đó là trả nghiệp giúp đời", sư thầy bày tỏ.
Chúng tôi chia tay nhà chùa khi những tiếng niệm Phật vẫn vang vọng trong không gian yên ắng cùng lời sư thầy tiễn khách: "Mô Phật".
Cũng trong năm 2014, sau khi hiến thận, nghe tin về vụ trực thăng rơi ở Thạch Thất (Hà Nội) với nhiều chiến sĩ bị bỏng nặng, thầy Thích Đạo Cảnh đã viết đơn xin hiến da. Thế nhưng tâm nguyện của thầy không thành vì những chiến sĩ Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân) bị thương rất nặng và chỉ duy nhất 1 chiến sĩ sống sót sau 891 ngày chữa trị.