Cuộc đời và đạo hạnh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tại Chùa Từ Hiếu (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) lúc 00:00 giờ ngày 22/1/2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu).
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ông xuất gia vào năm 16 tuổi ở chùa Từ Hiếu (nay là P.Thủy Xuân, TP.Huế), thọ giáo với Hòa thượng Thanh Quý.
Thiền sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị. Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khóa tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ… Bên cạnh sự nghiệp hoằng pháp, Thiền sư cũng tổ chức nhiều Đại Giới Đàn và lễ Truyền Đăng, Việt hóa Nghi lễ và tân tu Giới bản để tiếp dẫn thế hệ nối tiếp.
Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong mang đạo Phật, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo Dấn thân cho thế kỷ XXI với gần 1.250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và hàng trăm triệu độc giả trên khắp năm châu.
Rất nhiều học trò của Thiền sư đã gặt hái được nhiều hoa trái trong sự thực tập và tiếp nối được sự nghiệp hoằng hóa mà Thiền sư trao truyền suốt những thập kỷ qua.
Trong cuốn sách Thế giới Phật giáo (The Buddhist World) của GS.TS Phật học John Powers (một học giả Phật học người Úc), Thiền sư Thích Nhất Hạnh được chọn là một trong 13 vị thầy đã góp phần vào sự hình thành và phát triển của đạo Phật trên toàn thế giới trong suốt quá trình 2.500 năm lịch sử của Phật giáo. Trong sách này, GS.TS Phật học John Powers chọn Đức Phật Thích ca Mâu ni là vị thầy đầu tiên và Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị thầy thứ 10... Đây là công trình mang tính hàn lâm, rất quy mô do các vị học giả Phật học nổi tiếng thế giới hiện nay thực hiện.
Thiền sư cũng được Mục sư Martin Luther King vinh danh như là “một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử Thiền sư cho giải Nobel Hòa bình năm 1967.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu vào tháng 10/2018 và an trú từ đó đến nay. Trước đó, khi hồi phục sau đợt tai biến, từ Pháp ngài về Làng Mai tại Thái Lan và ở đó một thời gian.
Bức thư ghi ngày 26/10/2018 sau khi Thiền sư về tới Đà Nẵng có đoạn: “Sứ mệnh hoằng pháp độ sinh cho cả Đông Tây đã phần nào được thành tựu. Vòng tròn giờ đây đang khép lại, tôi thấy rằng, đã đến lúc tôi cần trở về Tổ đình để chung sống cùng chư huynh đệ trong những năm tháng này. Ao ước được trở về nơi đất Tổ và xây dựng nề nếp tu học tại Tổ đình là thao thức thâm sâu nhất của tôi trong suốt những năm qua. Do đó, tôi đã quyết định trở về Việt Nam, để được sống nơi đất Tổ, có mặt cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ đình cho đến ngày tôi chuyển bỏ hóa thân này. Không những thế, giờ đây chúng ta đã có hàng triệu con cháu của Tổ đình Từ Hiếu từ những quốc gia khác nhau khắp nơi trên thế giới. Vì lòng thương tưởng đàn hậu học, tấm lòng lân mẫn đến những thế hệ tương lai, tôi muốn nhập diệt tại chốn Tổ để con cháu Tổ đình có gốc rễ và nơi chốn quay về nương tựa".
Từ ngày trở về đến nay, ngài chỉ an trú tịnh dưỡng trong chùa Từ Hiếu.
Lễ tang của Thiền sư Thích Nhật Hạnh diễn ra theo hình thức tâm tang - khóa tu im lặng
Sáng 22/1, trên trang web của Đạo Tràng Mai Thôn (Làng Mai) thông báo di huấn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Theo đó, các nhà sư tại Tổ đình Từ Hiếu và tăng thân Làng Mai sẽ sắp xếp tang lễ theo nghi thức tâm tang.
Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Trong suốt thời gian đó, ban tang lễ mong mọi người đến thăm viếng trong im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng.
Lễ nhập quan sẽ diễn ra vào 8h sáng 23/1 (nhằm 21 tháng chạp Âm lịch) và lễ Trà Tỳ (di quan và hỏa táng) sẽ diễn ra vào 7h sáng 29/1 (nhằm 27 tháng chạp Âm lịch).
Sau lễ Trà Tỳ, xá lợi của thiền sư sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây bảo tháp.
Ban lễ tang cũng mong mọi người không phúng điếu vòng hoa, trường liên.