Cuộc đời và sự nghiệp của 'Ông Phật làm súng' Trần Đại Nghĩa
Ngày 27/2, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa - cuộc đời và sự nghiệp'. Đây là sự kiện nhằm tôn vinh những đóng góp lớn lao của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa.
Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ. Ông sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Từ nhỏ, ông đã rất hiếu học, có tư chất thông minh, có nghị lực, ham học hỏi, luôn đứng hạng ưu trong các kỳ thi của các trường, đứng đầu hai kỳ thi tú tài bản xứ và tú tài Tây. Khi được học bổng sang Pháp học, ông Phạm Quang Lễ quyết tâm chạy đua với thời gian, lấy được 6 bằng đại học và chứng chỉ của các trường đại học danh tiếng của Pháp. Cũng trong thời gian đó, ông đã tự tìm tòi nghiên cứu về ngành chế tạo vũ khí. Sau này về nước, ông đã sáng tạo, sáng chế được những vũ khí rất có ý nghĩa đối với thực tiễn Cách mạng Việt Nam. Với lòng yêu nước thiết tha, ông Phạm Quang Lễ đã từ bỏ cuộc sống ở Pa-ri (Pháp) theo Chủ tịch Hồ Chủ tịch về nước. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên Trần Đại Nghĩa cho ông Phạm Quang Lễ.
Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực, với các cương vị, chức vụ công tác khác nhau, ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cuộc đời hoạt động và cống hiến của ông đã nêu một tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách, sự cống hiến hết mình trong lao động, nghiên cứu khoa học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa (1913 - 1997) là một nhà khoa học kiệt xuất, được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, tên tuổi ông trở thành huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Những đóng góp của ông đối với công cuộc cách mạng Việt Nam vô cùng to lớn, nhưng cuộc đời ông lại hết sức bình dị, khiêm nhường. Các loại súng lớn, súng phóng bom, các loại mìn nổ chậm… với thương hiệu “made in Vietnam”, “made by Tran Dai Nghia” đã làm cho giới vũ trang, quân sự quốc tế vô cùng ngạc nhiên, thán phục. Càng trong gian khó, tài năng về chế tạo vũ khí của Trần Đại Nghĩa càng tỏa sáng.
Với những đóng góp to lớn của ông cho ngành quân giới nước nhà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng danh hiệu “Ông Phật làm súng”. Trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học, ông luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đặc biệt tin tưởng, giao nhiều chức vụ quan trọng: Cục trưởng Cục Quân giới, Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội…
Đặc biệt, với tài năng và đức độ hiếm thấy, Đảng và Nhà nước đã tiếp tục giao cho Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa nhiệm vụ quan trọng, đó là trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam, tổ chức với vai trò tập hợp, phát huy sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam góp phần phát triển khoa học, xây dựng đất nước.
Tại buổi hội thảo, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận xét: Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa gắn liền với nhiều mốc son lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Ông là một nhà khoa học kiệt xuất, được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Với những cải tiến, sáng chế được tạo bởi Trần Đại Nghĩa, vũ khí của Việt Nam đã có sức công phá lớn, trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù. Thượng tướng cho biết, với những đóng góp to lớn của ông cho ngành quân giới nước nhà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà khoa học kỹ thuật quân sự, Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tôn vinh Giáo sư là: “Ông Phật làm súng”, “Ông vua vũ khí”... Năm 1948, đồng chí Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng và trở thành một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội ta. Năm 1952, ông là một trong ba người đầu tiên được phong tặng Anh hùng Lao động. Năm 1996, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh Đợt 1 về cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).
Thượng tướng Phạm Hoài Nam nhấn mạnh: Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã đi xa, nhưng những cống hiến, đóng góp của đồng chí với Ngành Kỹ thuật quân sự, Công nghiệp quốc phòng vẫn luôn có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn. Các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên và người lao động ngành kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng hôm nay tiếp tục phát huy phương pháp tính toán thiết kế vũ khí, các nguyên lý cơ bản của thuốc phóng, thuốc nổ, hỏa cụ, thuật phóng… để nghiên cứu, thiết kế các loại vũ khí tích hợp hệ thống, các loại đạn dược thông minh, các loại khí tài công nghệ cao; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyên môn kỹ thuật tâm huyết, gắn bó, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vì khoa học góp phần xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
PGS. TS. Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Để vinh danh và ghi nhận những đóng góp quý báu của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhằm thúc đẩy công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, năm 2016, lần đầu tiên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ban hành quy chế Giải thưởng Trần Đại Nghĩa và tổ chức trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa với chu kỳ 3 năm/lần. Qua 2 lần tổ chức, đã xét tặng được 6 Giải thưởng, tôn vinh 14 công trình xuất sắc về khoa học và công nghệ, trực tiếp triển khai ứng dụng các kết quả đó vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là một trong các nhà khoa học tiêu biểu của của giới trí thức cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng về tài năng, đức độ và nhân cách của một trí thức lớn. Tên của ông thực sự phản ánh tài năng và phẩm chất của ông là luôn luôn vì đại nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kỳ vọng: Tận trung với nước, tận hiếu với dân bằng sự lao động sáng tạo và quên mình, sẵn sàng hy sinh tất cả cho lợi ích của dân tộc, vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất cho đất nước...