Cuộc đua chinh phục vũ trụ và bản đồ quyền lực mới
Vài thập kỷ gần đây, cuộc chạy đua vào không gian không chỉ xoay quanh các sứ mệnh khoa học, mà còn mang đậm màu sắc kinh tế, đặc biệt là quân sự của các quốc gia. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho an ninh quốc tế và các nỗ lực kiểm soát vũ khí.
Chạy đua vào không gian
Thập kỷ 1960 chứng kiến cuộc chạy đua không gian giữa Mỹ và Liên Xô, mở đầu bằng những sự kiện mang tính biểu tượng như Sputnik 1 và tàu Apollo 11 đặt chân lên Mặt Trăng. Tuy nhiên hiện tại, cuộc cạnh tranh trở nên gay cấn hơn khi có sự tham gia của nhiều quốc gia cùng các doanh nghiệp tư nhân, thông qua đầu tư hệ thống vũ khí và công nghệ chống vệ tinh (ASAT).
SpaceNews đã nhấn mạnh rằng các siêu cường như Mỹ, Trung Quốc và Nga đang gia tăng đầu tư vào công nghệ không gian vì mục đích quân sự. Tướng B. Chance Saltzman thuộc Lực lượng Không gian Hoa Kỳ từng bình luận: "Không thể phủ nhận rằng vũ trụ là một khu vực chiến tranh gây tranh cãi". Ở một số phát biểu, ông đề cập đến sự gia tăng phát triển vũ khí không gian như vũ khí chống vệ tinh và tác chiến điện tử, trong đó Nga đã sử dụng công nghệ này trong xung đột Ukraine để tấn công vệ tinh, gây nhiễu GPS và tên lửa diệt vệ tinh. Moscow cũng từng thử nghiệm vệ tinh có khả năng phóng đạn từ quỹ đạo vào năm 2020. Hành động này được cho là tạo tiền lệ nguy hiểm cho các hoạt động quân sự trong không gian.
Trong khi đó về phía Mỹ, với việc thành lập Lực lượng Không gian Hoa Kỳ năm 2019, chính quyền Mỹ đã công khai đặt không gian vào trọng tâm chiến lược quốc phòng, khẳng định đây là "một miền chiến tranh" mới. Với ngân sách hàng tỷ USD, Mỹ đang tập trung phát triển công nghệ bảo vệ và kiểm soát các tài sản không gian quan trọng như vệ tinh điều hướng GPS, viễn thông và cảnh báo sớm tên lửa. Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đã thành lập các đơn vị chuyên biệt để theo dõi "mối đe dọa trên vũ trụ," tổ chức các buổi diễn tập quân sự không gian và phát triển vệ tinh giám sát như dự án "Silent Barker" - hệ thống giám sát giúp phát hiện các hoạt động bất thường từ các vệ tinh đối phương.
Sự nổi lên của các công ty tư nhân như SpaceX và Blue Origin cũng là nhân tố định hình quan trọng. SpaceX, công ty không gian vũ trụ của Elon Musk, đã trở thành một biểu tượng của sự phát triển công nghệ không gian tư nhân. Việc phát triển tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Crew Dragon giúp không chỉ làm giảm chi phí phóng mà còn tăng cường khả năng chở người và hàng hóa lên trạm không gian quốc tế, thậm chí tới Mặt Trăng và Sao Hỏa. Cùng với đó là sự có mặt của Blue Origin do Jeff Bezos sáng lập hay Virgin Galactic của Richard Branson. Những tiến bộ trong công nghệ tên lửa tái sử dụng, vệ tinh siêu nhỏ và khả năng kết nối toàn cầu đã mở ra một thị trường rộng lớn cho các dịch vụ không gian, từ viễn thông, giám sát trái đất, đến định vị và dự báo khí tượng.
Trung Quốc cũng nổi lên là một cực mới trong cuộc đua không gian. Về mặt quân sự, Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh (ASAT), bao gồm cả tên lửa và công nghệ gây nhiễu. Vệ tinh Shijian-17 của nước này có khả năng "bắt giữ" vệ tinh khác, một động thái làm dấy lên lo ngại về sử dụng không gian làm vũ khí. Với chương trình Chang'e và kế hoạch trạm nghiên cứu mặt trăng quốc tế, Trung Quốc đang khẳng định tham vọng trở thành cường quốc vũ trụ hàng đầu, cùng việc lên kế hoạch thiết lập căn cứ trên Mặt Trăng vào thập niên 2030. Nước này cũng bị nghi ngờ phát triển các công nghệ chống vệ tinh với khả năng tấn công vệ tinh đối thủ.
Đáng chú ý, việc thử nghiệm vũ khí không gian tạo ra hàng nghìn mảnh vỡ bay quanh quỹ đạo Trái Đất với tốc độ cực cao, đe dọa an toàn của các vệ tinh và trạm không gian quốc tế (ISS). Sự gia tăng mảnh vỡ này không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự mà còn gây rủi ro lớn cho các sứ mệnh khoa học và thương mại. Một ví dụ điển hình là vụ thử nghiệm ASAT của Trung Quốc năm 2007, phá hủy một vệ tinh cũ và tạo ra hơn 3.000 mảnh vụn không gian, đe dọa an toàn của các thiết bị khác trong quỹ đạo.
Không chỉ các siêu cường, một số quốc gia đang đầu tư vào hệ thống giám sát và vệ tinh để nắm quyền kiểm soát thông tin và dữ liệu trong không gian, được xem là lợi thế chiến lược quan trọng trong tương lai.
Năm 2019, Ấn Độ thử nghiệm thành công sát thủ vệ tinh Mission Shakti, phá hủy một vệ tinh trong quỹ đạo thấp, đưa nước này trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới có khả năng này. Ấn Độ cũng hợp tác với các quốc gia khác thông qua các dự án của Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO), vừa tìm cách đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.
Năm 2020, Nhật Bản thành lập Đơn vị phòng vệ không gian, nhằm giám sát các vệ tinh của mình và bảo vệ hạ tầng không gian khỏi các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga. Ba năm sau, Nhật Bản thử nghiệm một vệ tinh laser nhằm phá hủy rác không gian. Tuy nhiên, công nghệ này cũng được xem là có khả năng quân sự, làm tăng thêm lo ngại. Israel cũng gia nhập cuộc đua với các chương trình phát triển vũ khí không gian của riêng họ.
Vệ tinh do thám đầu tiên của Hàn Quốc - được trang bị cảm biến quang điện và hồng ngoại để ghi lại hình ảnh chi tiết về bề mặt Trái đất - đã được phóng lên quỹ đạo từ căn cứ của Lực lượng Không gian Mỹ ở California bằng tên lửa SpaceX vào tháng 12 năm ngoái. Hàn Quốc tiếp tục phóng vệ tinh do thám quân sự thứ 2 được sản xuất nội địa từ một trung tâm vũ trụ của Mỹ hồi tháng 4, trong bối cảnh nước này tìm cách tăng cường khả năng giám sát độc lập đối với Triều Tiên. Cùng với đó, việc Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo tầm trung mới (IRBM) đã khiến cuộc chạy đua vào vũ trụ ở châu Á đang trở nên nóng hơn.
Nỗ lực kiểm soát và hợp tác quốc tế
Theo một nghiên cứu của The Aerospace Corporation, việc kiểm soát vũ khí không gian đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm khả năng giám sát và xác minh các thỏa thuận. Công nghệ không gian hiện nay có tính lưỡng dụng cao, như các vệ tinh có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, khiến việc định nghĩa một “vũ khí không gian” trở nên phức tạp. Thêm vào đó, các hệ thống vũ khí không gian hiện đại thường được triển khai ngầm, tạo ra những "vùng xám" pháp lý trong luật pháp quốc tế.
Hiệp ước Không gian Vũ trụ (Outer Space Treaty) năm 1967 được xem là nền tảng pháp lý đầu tiên, cấm đặt vũ khí hủy diệt hàng loạt trong không gian. Tuy nhiên, hiệp ước này không bao gồm các loại vũ khí thông thường hoặc các công nghệ quân sự mới như vệ tinh tấn công hay vũ khí năng lượng. Hệ quả là, các quốc gia tiếp tục phát triển các công nghệ không gian mới mà không vi phạm luật quốc tế, gia tăng nguy cơ xung đột trong không gian.
Nga và Trung Quốc từng đề xuất một hiệp ước ngăn ngừa vũ khí trong không gian (PPWT), nhưng vấp phải sự phản đối từ Mỹ do thiếu các biện pháp kiểm soát các loại vũ khí ASAT mặt đất. Trong khi đó, Mỹ khởi xướng các nỗ lực xây dựng bộ quy tắc ứng xử nhằm ngăn chặn các hành động nguy hiểm như phá hủy vệ tinh gây mảnh vỡ không gian, một mối đe dọa nghiêm trọng với môi trường quỹ đạo.
Năm 2020, Mỹ khởi xướng Hiệp ước Artemis, một thỏa thuận quốc tế nhằm thiết lập các quy tắc khai thác tài nguyên trong không gian và trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã phản đối, cho rằng đây là nỗ lực của Mỹ để áp đặt sự thống trị trong không gian, dẫn đến căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tháng 7/2022, Mỹ và Anh ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về quốc phòng không gian, bao gồm chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp phát triển công nghệ giám sát và phòng thủ không gian. Đây được xem là một động thái đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc.
Reuters đưa tin, Liên hợp quốc thông qua Cơ quan Vũ trụ Liên hợp quốc (UNOOSA), đã thúc đẩy các hiệp định quốc tế để duy trì hòa bình trong không gian, bao gồm Hiệp định về hoạt động của các quốc gia trên Mặt Trăng và Hiệp định về việc không quân sự hóa không gian. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định này lại gặp khó khăn vì thiếu cơ chế giám sát hiệu quả và sự tham gia của các quốc gia lớn. Để giải quyết vấn đề mảnh vỡ không gian, nhiều quốc gia và công ty tư nhân đã bắt đầu phát triển công nghệ dọn dẹp không gian. Các công ty như Astroscale đang phát triển các hệ thống để loại bỏ các mảnh vỡ trong quỹ đạo thấp của Trái đất, giúp bảo vệ các vệ tinh và trạm không gian không bị ảnh hưởng.
Gần đây nhất, tháng 11/2024, Cộng hòa Dominica đã trở thành quốc gia thứ 44 ký Hiệp định Artemis do NASA của Mỹ dẫn đầu. 13 quốc gia khác đang tham gia Trạm Nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS) do Trung Quốc dẫn đầu với sự hợp tác của Nga. Senegal đã tham gia vào tháng 10.
Nhân loại sẽ mất mát rất nhiều nếu các siêu cường toàn cầu không hợp tác về quản trị không gian. Theo Space, Mỹ và Trung Quốc cần tìm kiếm cơ hội để mở đối thoại giữa Hiệp định Artemis và ILRS. Đã có một số điểm tương đồng trong các hoạt động, nguyên tắc quản trị và hướng dẫn được lên kế hoạch riêng biệt của họ. Để thực hiện điều này, Mỹ sẽ cần xem xét lại Sửa luật Wolf năm 2011, một luật hạn chế NASA sử dụng ngân sách của mình để hợp tác với Trung Quốc mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Nhưng Trung Quốc không có điều luật tương đương và gần đây đã bày tỏ sẵn sàng hợp tác.
Việc không gian bị quân sự hóa làm gia tăng nguy cơ xung đột và làm phức tạp thêm quan hệ quốc tế. Với sự thiếu vắng các cơ chế kiểm soát vũ khí hiệu quả, tình trạng này có thể dẫn đến một cuộc "chiến tranh lạnh" mới trong không gian. Để giảm thiểu nguy cơ chạy đua vũ khí không gian, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm xây dựng "quy tắc ứng xử quốc tế”, Korea Science chỉ ra.