Cuộc đua cho các sản phẩm AI cảm xúc

Những gã khổng lồ công nghệ châu Á, từ Samsung của Hàn Quốc cho đến CTL của Trung Quốc và những công ty nhỏ mới startup đang xem hỗ trợ cảm xúc là một tính năng cốt lõi trong các thiết bị trí tuệ nhân tạo (AI) của mình.

Tại Samsung, các trợ lý ảo và thiết bị thông minh đang được nâng cấp với AI có khả năng hiểu ngữ điệu, cảm xúc và từng ngữ cảnh để mang lại tương tác cá nhân hóa và sự đồng cảm với người sử dụng. Ví dụ, Bixby là trợ lý ảo mà Samsung mới cho ra mắt sau Alexa của Amazon, Siri của Apple, hay trợ lý Cortana của Microsoft. Samsung tự hào tuyên bố rằng, Bixby được hoàn thiện bởi tính năng Machine Learning (máy học) để học tập thói quen học hỏi, nâng cao trải nghiệm của người dùng…, từ đó đưa ra những phản hồi an ủi hoặc lời nhắc nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần người dùng.

 Ropet, một công ty khởi nghiệp của Trung Quốc, vừa ra mắt robot đồng hành AI của mình tại CES 2025 ở Las Vegas. Ảnh: Ropet

Ropet, một công ty khởi nghiệp của Trung Quốc, vừa ra mắt robot đồng hành AI của mình tại CES 2025 ở Las Vegas. Ảnh: Ropet

TCL nổi tiếng trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng của Trung Quốc cũng đang nghiên cứu tích hợp AI vào tivi thông minh và các thiết bị gia dụng để tạo ra môi trường nhận biết cảm xúc. Trong khi đó, theo tờ Nikkei Asia, các công ty nhỏ mới startup cũng tỏ ra không kém cạnh khi đang đi đầu trong lĩnh vực AI cảm xúc bằng cách tạo ra các trợ lý ảo và “chuyên gia trị liệu” được hỗ trợ bởi công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiên tiến và máy tính cảm xúc.

Điển hình như Soul Machines, một công ty chuyên tạo ra những chatbot AI dựa trên những nhân vật và con người thật được gọi là Biological AI-powered Digital People. Soul Machines vừa ra mắt Digital Marilyn, một chatbot AI được thiết kế có ngoại hình và giọng nói giống hệt nữ minh tinh Marilyn Monroe.

Woebot, được thành lập bởi một nhóm nhà tâm lý học và chuyên gia AI của Stanford, là một chatbot sử dụng sự kết hợp của xử lý ngôn ngữ tự nhiên, khiếu hài hước và chuyên môn về tâm lý - chủ yếu là trong Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT). Woebot sử dụng máy học để trò chuyện trị liệu, giúp người dùng giảm căng thẳng, lo âu và cô đơn.

Hỗ trợ cảm xúc đang trở thành một chủ đề trung tâm trong thiết kế robot và trợ lý thông minh. Tại Nhật, chú robot Lovot, được Công ty Groove X thiết kế để trở thành một thành viên trong gia đình, để “yêu thương” chủ nhân, mang lại cảm giác an ủi và ấm áp. Theo tờ Wired, Pepper là robot hình người, do SoftBank Robotics phát triển, có khả năng giao tiếp đồng cảm với người dùng, thường được sử dụng trong bán lẻ và chăm sóc người già, vì nó có thể hỗ trợ hữu ích cho công việc của con người. Trong khi đó, Xiaoice của tập đoàn Microsoft ở Trung Quốc là một chatbot với tầng trí tuệ cảm xúc, mô phỏng mối quan hệ bạn bè và xây dựng kết nối lâu dài với người dùng.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số, nhu cầu về các thiết bị tích hợp AI nhắc người già lịch trình sinh hoạt, bầu bạn và cung cấp các hoạt động tương tác, giảm thiểu sự cô đơn trong xã hội già hóa ngày càng cao.

Tuy nhiên, theo giới tâm thần học, AI có thể hỗ trợ, nhưng không thể thay thế hoàn toàn mối quan hệ giữa con người, thứ mang lại sự kết nối sâu sắc và ý nghĩa nhất. Giải pháp bền vững vẫn cần sự cân bằng giữa công nghệ và các mối quan hệ thực sự giữa con người. Sử dụng AI quá mức có thể khiến người dùng trở nên phụ thuộc và gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ thực tế.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cuoc-dua-cho-cac-san-pham-ai-cam-xuc-post777683.html