Cuộc đua công nghệ Mỹ - Trung - Bài cuối: Nguy cơ xuất hiện rào cản thuế quan và kiểm soát xuất khẩu mới
Công nghệ AI đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cạnh tranh công nghệ toàn cầu và là chiến trường quan trọng trong cuộc đọ sức khốc liệt hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ
Theo mạng “Liên hợp buổi sáng”, sự xuất hiện đột ngột của DeepSeek đến từ Trung Quốc đã gây chấn động thế giới công nghệ và được coi là thách thức trực tiếp đến khả năng cạnh tranh chiến lược của Mỹ. Sự kiện này có thể gây ra một loạt rào cản thuế quan và kiểm soát xuất khẩu mới.
Các học giả cho rằng sự cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo (AI) giữa các nước lớn đã bước vào trạng thái bình thường mới - mỗi khi một sản phẩm mang tính đột phá ra đời, không chỉ định hình lại bối cảnh thị trường mà còn có thể làm cuộc đọ sức và đối đầu chính sách giữa các quốc gia thêm căng thẳng.
Mô hình suy luận DeepSeek-R1 của DeepSeek ra mắt vào hạ tuần tháng 1/2025 đã vượt qua mô hình OpenAI mới nhất tại Mỹ ở nhiều chỉ số, như chi phí đào tạo và hiệu suất thử nghiệm, bước đột phá này đã thu hút sự chú ý rộng rãi trong cộng đồng công nghệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen ngợi, cũng có những lời phản pháo từ giới chính trị và kinh doanh Mỹ. Theo hãng tin Reuters và Bloomberg, ông Howard Lutnick, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Thương mại, đã chỉ trích DeepSeek vì đánh cắp công nghệ của Mỹ và tạo ra các mô hình AI siêu rẻ tại phiên điều trần phê chuẩn đề cử của ông vào ngày 29/1.
Tháng 9/2022, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho gã khổng lồ chuyên về chất bán dẫn (chip) Nvidia ngừng xuất khẩu chip xử lý đồ họa (GPU) cao cấp sang Trung Quốc nhằm hạn chế sự phát triển công nghệ AI của nước này.
Tại phiên điều trần, ông Lutnick cáo buộc DeepSeek đã mua một số lượng lớn chip Nvidia bằng cách lách luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và cho biết ông sẽ giữ lập trường cứng rắn về vấn đề này. Ông Lutnick mô tả việc kiểm soát xuất khẩu mà không có sự hỗ trợ của thuế quan là không sát thực tế.
Bloomberg trích dẫn nguồn tin thân cận, cho biết chính quyền của Tổng thống Trump đang cân nhắc thắt chặt lệnh hạn chế bán chip Nvidia cho Trung Quốc, có thể mở rộng sang chip H20. Cuộc thảo luận này vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ.
Chip H20 là phiên bản được Nvidia thiết kế dành riêng cho thị trường Trung Quốc vào tháng 7/2024, để tuân thủ các yêu cầu kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc. Từ năm 2022, Chính phủ Mỹ đã hạn chế xuất khẩu các chip cao cấp của Nvidia như H100 và A100 sang Trung Quốc. Nhằm ứng phó với lệnh cấm, Nvidia đã tung ra con chip H800 hiệu suất thấp hơn và xuất khẩu chúng sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên từ năm 2023, H800 cũng được đưa vào danh mục cấm xuất khẩu.
Về phía công ty, các nguồn tin tiết lộ rằng OpenAI có bằng chứng cho thấy DeepSeek đã sử dụng dữ liệu của OpenAI thông qua quá trình "chưng cất" khi đào tạo mô hình của mình, vi phạm các điều khoản dịch vụ của công ty.
“Chưng cất” dữ liệu là hoạt động kỹ thuật phổ biến trong ngành AI, đề cập đến việc sử dụng một loạt thuật toán và chiến lược để khử nhiễu, giảm kích thước và tinh chỉnh dữ liệu gốc và phức tạp để có được dữ liệu tinh chỉnh và hữu ích hơn cho việc đào tạo mô hình, hiệu suất của mô hình được đào tạo có thể gần bằng hoặc thậm chí vượt trội hơn hiệu suất của tập dữ liệu gốc.
Chuyên gia Zhu Feida, Phó Giáo sư tại Khoa Máy tính và Hệ thống thông tin thuộc Đại học Quản lý Singapore, trong một cuộc phỏng vấn với “Liên hợp buổi sáng” đã chỉ ra rằng OpenAI chưa bao giờ tiết lộ đầy đủ công nghệ của mình mà thay vào đó, họ cung cấp cho các nhà phát triển thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) ). Điều này nghĩa là DeepSeek chỉ có thể truy cập vào các tài nguyên công khai của OpenAI. Ông nhấn mạnh: "Nói một cách chính xác, mọi tiến bộ của công nghệ AI thực chất đều được phát triển dần dần dựa trên nền tảng của những người đi trước. Mỗi nhóm sẽ tự tạo ra sự đổi mới dựa trên công trình của những người đi trước, vì vậy sự tiến bộ của công nghệ là một quá trình tích lũy và cải thiện”.
Trước hàng loạt cáo buộc, DeepSeek vẫn giữ thái độ im lặng và không trực tiếp phản hồi. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc gần đây đã đưa tin và tích cực quảng bá những thành tựu của nước này.
Ông Chen Bo, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng công nghệ AI đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cạnh tranh công nghệ toàn cầu và là chiến trường quan trọng trong cuộc đọ sức khốc liệt hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo ông, sự trỗi dậy của DeepSeek đặt ra thách thức trực tiếp đến khả năng cạnh tranh cốt lõi của ngành AI ở Mỹ. Cuộc cạnh tranh này đã vượt ra ngoài phạm vi sản phẩm và mô hình kinh doanh. Mỹ coi đây là mối đe dọa an ninh quốc gia và đã nâng cuộc cạnh tranh lên thành cuộc đọ sức chiến lược ở cấp độ quốc gia.
Ông Chen Bo nói: "Điều này có khả năng trở thành chuẩn mực mới trong cuộc cạnh tranh AI trong tương lai. Khi các sản phẩm sáng tạo đột nhiên xuất hiện, cấu trúc thị trường sẽ bị ảnh hưởng rất lớn và thậm chí gây ra tranh chấp giữa các quốc gia". Ông cũng cho rằng cuộc cạnh tranh AI quốc tế hiện nay thiếu các quy tắc rõ ràng, khiến cuộc cạnh tranh dễ đi chệch khỏi luật pháp và các nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, thậm chí diễn biến thành cuộc đối đầu hỗn loạn.
Ông chỉ ra rằng chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển có trật tự của ngành AI nằm ở việc duy trì sự cạnh tranh lành mạnh.