Cuộc đua của các thương hiệu nhằm đón đầu xu hướng metaverse
Lĩnh vực thời trang hiện dẫn đầu xu hướng 'metaverse,' với dòng thời trang kỹ thuật số của hãng Uniqlo trên ứng dụng Minecraft hay các trang phục và giày thể thao của Balenciaga trên Fortnite.
Viễn cảnh "metaverse" - phiên bản thực tế ảo của Internet, sẽ trở thành hiện thực khiến nhiều thương hiệu, từ Ferrari đến Nike, đang khẩn trương thử nghiệm do lo ngại bị chậm chân trong đường đua mới mẻ này.
Sức hút của hàng hóa ảo xuất phát từ những dự báo rộ lên trong thời gian gần đây rằng "metaverse" cuối cùng sẽ thay thế mạng Internet hiện tại. Một số sản phẩm thế giới ảo như các trò chơi Fortnite và Minecraft hay nền tảng Roblox đã bắt đầu được đưa vào kinh doanh.
Lĩnh vực thời trang hiện dẫn đầu xu hướng "metaverse," với dòng thời trang kỹ thuật số của hãng Uniqlo trên ứng dụng Minecraft hay các trang phục và giày thể thao của Balenciaga trên Fortnite.
Các nhà thiết kế cũng đặt chân vào lĩnh vực mới là NFT - các tác phẩm kỹ thuật số có chứng nhận về tính xác thực và quyền sở hữu được đăng ký trên công nghệ blockchain.
NFT có thể là hình ảnh, video, âm thanh, hình động… và được công nhận là tác phẩm nghệ thuật. NFT là loại tài sản mang tính độc nhất, không thể thay thế, không thể sao chép hay làm giả, nên thời gian gần đây đã trở thành loại sản phẩm được ưa chuộng đối với các công ty bán đấu giá và các nhà sưu tầm nghệ thuật.
Phó Chủ tịch về quan hệ đối tác tại Roblox, Christina Wootton nhận định xu hướng này đã mở ra cơ hội lớn cho nhiều nhãn hàng. Thương hiệu nào nhanh chân thì có thể thiết lập sự hiện diện lâu dài trên quy mô toàn cầu.
Trong dịp nghỉ lễ Halloween vừa qua, chuỗi cửa hàng ăn nhanh Chipotle của Mexico đã mở một nhà hàng ảo trên Roblox. Nhà hàng ảo đầu tiên trên thế giới này cấp phiếu ăn miễn phí món burrito tại một nhà hàng thực, đồng thời cấp trang phục ảo cho người dùng, khuyến khích họ tham gia trò chơi đi tìm kho báu do nhà hàng thiết kế. Là nhà hàng đầu tiên trong ứng dụng Roblox, Chipotle khẳng định đã nhìn ra được triển vọng để trực tiếp tăng doanh số cho công ty.
Vào tháng Bảy, Ferrari đã ra mắt mô hình siêu xe 296 GTB đời mới trong trò chơi Fortnite. Phải đến năm 2022 sản phẩm này mới được chào bán trong thế giới thực, song người chơi có thể trải nghiệm lái xe ngay trong trò chơi. Nike cũng đã mở cửa "Nikeland", một phòng trưng bày ảo trên Roblox. Đầu tuần này, hãng đã thông báo mua lại công ty sản xuất giày kỹ thuật số RTFKT.
Ryan Mullins, nhà sáng lập ứng dụng sneaker ảo Aglet, khẳng định các công ty đều muốn chắc chắn rằng thương hiệu của mình sẽ có mặt trong môi trường này từ sớm.
Metaverse còn là một kho dữ liệu, đem đến những trải nghiệm giá trị và cái nhìn cận cảnh đối với sản phẩm, kể cả khi mặt hàng này chưa tồn tại trong thế giới thức. Để có thể làm chủ môi trường mới này, một số công ty như Louis Vuitton đã tự tạo phiên bản metaverse riêng.
Nhân kỷ niệm 200 năm thành lập công ty, vào tháng Tám vừa qua, Louis Vuitton đã cho ra mắt trò chơi "Louis the Game." Xuyên suốt trò chơi, người dùng thực hiện nhiệm vụ truy tìm NFT của Beeple, một nghệ sỹ tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật kỹ thuật số.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là vẫn chưa có một nền tảng thống nhất, theo đó người dùng sẽ không thể mang túi xách thương hiệu Gucci mua trên Roblox sang các trò chơi khác như Sandbox hay Animal Crossing. Đây cũng là một trong những ưu tiên mà nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đang hướng đến.
Với tham vọng xây dựng thế giới ảo metaverse, Mark Zuckerberg đã đổi tên công ty thành Meta vào tháng 10 vừa qua.
Chuyên gia Cathy Hackl nhận định kể từ khi mạng xã hội hàng đầu thế giới hé lộ tham vọng này, mọi thứ diễn biến ngày càng nhanh.
Tuy nhiên, bà Hackl cũng lưu ý rằng không phải công ty nào cũng nên vội vàng nhảy vào lĩnh vực này, ít nhất họ cũng cần làm quen với môi trường mới trước. Trừ phi các công ty có thể tự xây dựng cho mình thế giới ảo riêng, nếu không họ sẽ cần phải tuân theo quy định của mỗi nền tảng mà họ tham gia./.