Cuộc đua đất hiếm: Châu Âu tìm lại chính mình

Bốn thập kỷ trước, nhà máy xử lý đất hiếm ở thành phố cảng La Rochelle của Pháp là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới sản xuất vật liệu dùng để chế tạo TV màu, đèn hồ quang và ống kính máy ảnh. Lịch sử 76 năm của nhà máy là mô hình thu nhỏ của những thách thức mà châu Âu và Mỹ phải đối mặt khi họ tìm cách đảo ngược tình trạng di cư ồ ạt của hoạt động xử lý đất hiếm sang Trung Quốc cách đây gần 1/4 thế kỷ.

Cạnh tranh với Trung Quốc?

Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào khai thác các nguyên tố đất hiếm và đứng đầu chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 60% kim loại đất hiếm của thế giới và cung cấp khoảng 90% đất hiếm tinh chế trên thị trường. Chính phủ Trung Quốc vừa ban hành quy định liên quan việc quản lý các tài nguyên đất hiếm nhằm bảo vệ và kiểm soát nguồn tài nguyên này. Từ ngày 1/10 tới, khi các quy định có hiệu lực, chính phủ sẽ vận hành cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc đất hiếm để đảm bảo có thể kiểm soát việc khai thác, sử dụng và xuất khẩu các kim loại này.

Công nhân vận chuyển đất có chứa nguyên tố đất hiếm xuất khẩu tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Công nhân vận chuyển đất có chứa nguyên tố đất hiếm xuất khẩu tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với một số công nghệ liên quan khai thác và chế biến các nguyên tố đất hiếm - nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị công nghệ cao, bao gồm máy tính, TV, điện thoại thông minh và công nghệ quốc phòng như tên lửa, tia laser, hệ thống vận tải và thiết bị liên lạc quân sự. Tháng 1 năm nay, nước này đã cấm xuất khẩu gali và gecmani, hai nguyên tố được ngành công nghiệp chip máy tính săn đón.

Những lo ngại về việc Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát ngành đất hiếm và có thể phá vỡ chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng như ôtô và năng lượng tái tạo đã làm dấy lên cuộc chạy đua nhằm củng cố nguồn cung từ các nhà cung cấp thay thế. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã và đang nỗ lực thu mua đất hiếm trong và ngoài nước. Năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố xây dựng nhà máy lọc đất hiếm quy mô lớn đầu tiên bên ngoài châu Á, đặt tại Estonia.

Một phân tích năm 2022 của Nghị viện châu Âu cảnh báo việc phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp độc quyền sẽ gây rủi ro lớn cho châu Âu. Tài liệu cho biết “EU nhập khẩu 93% magie từ Trung Quốc, 98% borat từ Thổ Nhĩ Kỳ và 85% niobi từ Brazil. Nga sản xuất 40% palladi của thế giới. Điều này nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa chiến lược của cuộc xung đột Nga-Ukraine và EU cần phải chuẩn bị cho một thế giới ngày càng bất ổn”.

Trước lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng đất hiếm làm “vũ khí thương mại”, chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump đã đi trước một bước khi cấm ngành công nghiệp quốc phòng sử dụng các thành phần quan trọng như nam châm đất hiếm sản xuất tại Trung Quốc. Lệnh cấm này, bắt đầu từ năm 2027, sẽ khiến các nhà sản xuất vũ khí không có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu. Một công ty Đức ước tính nam châm của họ sẽ đắt hơn 50% so với các sản phẩm tương tự của Trung Quốc. Chi phí này có thể buộc quân đội Mỹ phải chấp nhận có ít máy bay phản lực, tàu ngầm và hệ thống vũ khí hơn mong muốn.

Về phía EU, theo Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRMA) có hiệu lực từ tháng 5/2024, khối này đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho đến năm 2030 đảm bảo khả năng tự lực đối với các kim loại đất hiếm quan trọng cần thiết để sản xuất pin xe điện và quá trình chuyển đổi xanh: 10% nhu cầu hằng năm được khai thác, 25% được tái chế và 40% được xử lý vào cuối thập kỷ này. Nhu cầu của EU dự kiến sẽ tăng gấp 6 lần từ nay cho tới năm 2030 và gấp 7 lần vào năm 2050. Nhu cầu tăng mạnh càng làm tăng nguy cơ phụ thuộc hơn nữa vào Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trung Quốc chiếm tới 98% lượng nhập khẩu đất hiếm dùng cho nam châm vĩnh cửu của EU.

Cánh cửa cơ hội đang nhanh chóng khép lại

Lục địa châu Âu có trữ lượng đất hiếm dồi dào nhưng hiện tại chưa có hoạt động khai thác. Điều này khó có thể thay đổi trong ngắn hạn khi một số dự án bị đình trệ do sự phản đối của công chúng. Theo đánh giá của Reuters, EU chỉ còn ít sản lượng từ các mỏ đất hiếm đang khai thác vào năm 2030, và tương tự chỉ có một dự án trong lĩnh vực kim loại và hợp kim với tỷ suất lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, khối này có khả năng đạt được mục tiêu trong lĩnh vực tiên tiến nhất của họ là tách rời các nguyên tố, đáp ứng 45% nhu cầu vào năm 2030. Giai đoạn cuối cùng của chuỗi cung ứng - sản xuất nam châm từ kim loại - không nằm trong mục tiêu của đạo luật mới vì đây là thành phẩm. Tuy nhiên, sản lượng của EU dự kiến chỉ đáp ứng 22% nhu cầu dự báo vào năm 2030.

Những trở ngại trong việc tăng sản lượng đất hiếm của EU bao gồm sự phản đối của công chúng đối với việc khai thác các mỏ mới, ít có sự hỗ trợ từ ngành công nghiệp châu Âu vốn hưởng lợi từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, nguồn vốn hạn chế, nhu cầu không chắc chắn khi doanh số bán EV tăng trưởng chậm lại và giá kim loại thấp.

Một số công ty đất hiếm hàng đầu của châu Âu từ lâu đã hoạt động ở Trung Quốc hoặc liên doanh với các công ty ở đó và đang sử dụng kiến thức chuyên môn tích lũy được để giúp thúc đẩy các liên doanh mới của họ tại EU. Một trong số đó là Neo Performance Materials. Họ có một nhà máy tách đất hiếm ở Estonia và hoạt động ở các quốc gia khác, bao gồm cả ở Trung Quốc.

Công ty cũng đang xây dựng một nhà máy nam châm vĩnh cửu ở Estonia, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025 và đạt công suất hàng năm là 2.000 tấn trong vòng 2-3 năm tới, đủ nam châm để cung cấp năng lượng cho khoảng 1,5 triệu xe điện. Mặc dù cạnh tranh với Trung Quốc rất gay gắt, Neo ước tính họ có thể sản xuất nam châm có giá cao hơn khoảng 20 đến 50 USD cho mỗi chiếc xe so với nam châm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trần Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/cuoc-dua-dat-hiem-chau-au-tim-lai-chinh-minh-i736720/