Xe tăng hạng nhẹ Zorawar mà Ấn Độ vừa cho ra mắt là gì?

Ấn Độ vừa công bố nguyên mẫu xe tăng hạng nhẹ đầu tiên có tên Zorawar do nước này tự sản xuất, được thiết kế để sử dụng trên địa hình hiểm trở của dãy Himalaya.

Nguyên mẫu xe tăng Zorawar được ra mắt sau 2 năm rưỡi phát triển. Là một dự án chung giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) và nhà thầu sản xuất Larsen & Toubro (L&T), xe tăng này đã ra mắt vào ngày 6/7 tại cơ sở thử nghiệm của L&T ở Hazira, bang Gujarat.

Người đứng đầu DRDO Samir Kamat cho biết các thử nghiệm trên sa mạc và địa hình cao dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 6 tháng. Sau đó, nó sẽ được chuyển cho quân đội Ấn Độ để thử nghiệm thêm. Xe tăng dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2027.

 Xe tăng hạng nhẹ Zorawar. Ảnh: Wikipedia

Xe tăng hạng nhẹ Zorawar. Ảnh: Wikipedia

Zorawar là phản ứng của Ấn Độ trước cuộc đụng độ biên giới năm 2020 với Trung Quốc khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và ít nhất 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Quân đội của hai bên vẫn tiếp tục đối đầu ở khu vực biên giới Himalaya đang tranh chấp kể từ đó và các cuộc đàm phán vẫn bế tắc.

Đường Kiểm soát Thực tế giữa Ấn Độ - Trung Quốc dài hơn 3.300 km, chạy dọc theo một số ngọn núi cao nhất thế giới với độ cao trung bình hơn 4.000 mét. Cả hai bên đã gửi thiết bị và nhân sự đến khu vực này và tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật kể từ cuộc đụng độ năm 2020.

Ấn Độ đã đưa ra yêu cầu về xe tăng hạng nhẹ mới vào tháng 4/2021 sau khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đưa xe tăng hạng nhẹ Type 15 ra tiền tuyến.

Chuyên gia quân sự Lu Jibing cho biết xe tăng hạng nặng sẽ bị ảnh hưởng bởi độ cao. Ông Lu nói: "Thông thường, cứ mỗi 100 mét tăng dần, công suất động cơ sẽ giảm 1%. Vì vậy, trên một cao nguyên cao 4.000 mét, 40% công suất động cơ sẽ biến mất".

Nhưng là xe tăng hạng nhẹ, nguyên mẫu Zorawar và Type 15 của Trung Quốc đều có động cơ mã lực cao và thân xe tương đối nhẹ, khiến chúng nhanh nhẹn hơn và phù hợp hơn với địa hình dãy Himalaya. Xe tăng hạng nhẹ cũng có thể dễ dàng được chuyển đến các vùng xa xôi hơn bằng đường bộ, đường sắt hoặc đường hàng không.

Zorawar nặng 25 tấn và có các mô-đun phao có thể tháo rời giúp nó có thể lội nước. Giống như Type 15, Zorawar được vận hành bởi một đội lái gồm 3 người và có pháo chính 105mm.

Cả hai xe bọc thép đều có tên lửa phóng từ súng và súng máy, cũng như các trạm vũ khí điều khiển từ xa và máy phóng lựu đạn tự động. Tốc độ tối đa của Zorawar là 65km/h, trong khi Type 15 có thể đạt tới 70km/h.

Type 15 có hệ thống cảm biến cảnh báo laser để phát hiện tên lửa chống tăng đang bay tới và có thể tự động triển khai lựu đạn khói nếu xe tăng bị tia laser của đối phương chiếu vào. Zorawar được cho là có hệ thống bảo vệ chủ động tương tự và có kế hoạch lắp đặt hệ thống AI để hỗ trợ xác định mục tiêu và ra quyết định.

Phải mất nhiều năm nữa Zorawar mới có thể sẵn sàng phục vụ nhưng quân đội Ấn Độ đã đặt hàng 59 xe tăng hạng nhẹ Zorawar, với kế hoạch cuối cùng là một đội xe tăng gồm hơn 350 chiếc.

Ngọc Ánh (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xe-tang-hang-nhe-zorawar-ma-an-do-vua-cho-ra-mat-la-gi-post304323.html