Cuộc đua đất hiếm đã nóng!
3 thập kỷ sau câu nói mang tính dự báo của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình: 'Trung Đông có dầu mỏ, còn Trung Quốc có đất hiếm', thế giới đang chứng kiến cuộc đua khốc liệt xoay quanh nhóm 17 kim loại quan trọng, dẫn đầu bởi Bắc Kinh và Washington, hòng chiếm ưu thế công nghiệp.
Lợi thế lớn của Trung Quốc
Khoáng sản đất hiếm (rare earths) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế công nghệ cao, khi chúng được sử dụng để sản xuất nhiều thiết bị, từ điện thoại thông minh đến máy bay chiến đấu.
Điều kỳ diệu của những kim loại dễ bị xỉn màu này là chúng có thể tạo ra nam châm mạnh hơn nhiều lần so với những loại nam châm truyền thống bằng sắt.
Tên gọi là vậy, nhưng hầu hết các nguyên tố đất hiếm phân bố tương đối phong phú ở nhiều quốc gia từ Á sang Âu, mặc dù không phải lúc nào cũng dễ dàng khai thác. Một số quốc gia có trữ lượng đất hiếm tương đối lớn, chẳng hạn như Ấn Độ, gần như đã không khai thác chúng mãi cho đến năm ngoái.
Tính đến nay, Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới nhờ nỗ lực phát triển ngành công nghiệp này trong nhiều thập kỷ. Năm 2022, nước này chiếm khoảng 70% sản lượng - theo Khảo sát Địa chất Mỹ.
Trung Quốc cũng là nước có trữ lượng lớn nhất thế giới, với tổng cộng 44 triệu tấn oxit đất hiếm (REO) tương đương - gấp đôi so với các quốc gia sở hữu đất hiếm đáng kể khác như Việt Nam, Brazil hay Nga.
Trong khi đó, Mỹ - cường quốc kinh tế số 1 thế giới - chỉ chiếm 14% thị phần sản lượng đất hiếm thế giới vào năm ngoái. Trữ lượng đất hiếm của Mỹ cũng vô cùng khiêm tốn, chỉ bằng khoảng 5% của Trung Quốc.
Với Washington, điều đáng e ngại hơn cả là sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng. Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ công bố hồi năm ngoái, Trung Quốc chiếm khoảng 89% công suất phân tách, 90% công suất sàng lọc và 92% sản xuất nam châm đất hiếm toàn cầu.
Quyền bá chủ đất hiếm còn trở thành một công cụ mạnh mẽ trong kho “vũ khí ngoại giao” của Trung Quốc. Năm 2010, Bắc Kinh đã tạm thời cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau khi căng thẳng gia tăng giữa hai nước về chủ quyền quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).
Lệnh đình chỉ này đã báo động cho các công ty Nhật Bản và kích hoạt nhiều nỗ lực của Chính phủ Tokyo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khoáng sản của Trung Quốc.
Mối đe dọa về đất hiếm một lần nữa xuất hiện vào đỉnh điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hồi năm 2019. Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc thời điểm đó đã gọi sự phụ thuộc của Mỹ vào đất hiếm là “con át chủ bài trong tay Trung Quốc”, giúp Bắc Kinh gây áp lực với chính quyền Tổng thống Mỹ bấy giờ là Donald Trump.
Bắc Kinh gần đây cũng đã tăng cường nỗ lực để duy trì vị thế thống trị của mình trước các động thái của Washington nhằm vực dậy ngành công nghiệp đất hiếm của Mỹ. Tháng 4 năm nay, Bộ Thương mại và Công nghệ Trung Quốc đã đề xuất lệnh cấm xuất khẩu một số công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm.
Trung Quốc đầu tuần này thì tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu gallium và germanium - 2 nguyên tố không phải là đất hiếm nhưng cũng rất quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn và các thiết bị điện tử khác.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc đến ngay sau các báo cáo cho thấy Mỹ đang xem xét nhiều hạn chế mới đối với những lô hàng vi mạch công nghệ cao xuất sang Trung Quốc, sau một loạt hạn chế trước đó.
Mỹ và đồng minh Hà Lan dự kiến sẽ thắt chặt việc bán thiết bị sản xuất chip cho các nhà sản xuất Trung Quốc trong mùa Hè này, như một phần trong nỗ lực ngăn chặn quân đội Trung Quốc tiếp cận công nghệ của họ.
Tháng 5 vừa qua, Bắc Kinh đã đáp trả áp lực của Mỹ đối với chip bằng cách cấm một số lĩnh vực trong nước mua sản phẩm từ nhà sản xuất chip nhớ Micron của Mỹ.
Giới phân tích hiện coi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu kim loại, bao gồm đất hiếm, chính là biện pháp đối phó đáng kể hơn cả của Bắc Kinh trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Điều này cũng được dự đoán sẽ là một phản ứng tiềm năng của Trung Quốc nếu Mỹ mở rộng lệnh cấm các chip được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo.
“Trung Quốc đã tấn công các hạn chế thương mại của Mỹ vào điểm mà nước này dễ tổn thương nhất” - Peter Arkell, Chủ tịch Hiệp hội khai thác mỏ toàn cầu của Trung Quốc, bình luận với Reuters.
Mỹ không “nằm im chịu trận”
Nhìn chung, cuộc đua đất hiếm là hệ quả song hành trong câu chuyện sản xuất chip/chất bán dẫn - lĩnh vực mà Mỹ đang nỗ lực khôi phục lại khả năng đã mất.
Vào năm 2021, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã lệnh cho các cơ quan chính phủ đánh giá khả năng phục hồi và an ninh của các chuỗi cung ứng quan trọng của quốc gia, đồng thời chỉ ra những điểm yếu.
Kết quả, Mỹ nhận thấy rằng “sự phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất nguyên liệu thô và nam châm đất hiếm” là một lỗ hổng chiến lược quan trọng.
“Rõ ràng, chúng ta không thể xây dựng một tương lai được tạo ra ở Mỹ nếu chính chúng ta còn đang phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu cung cấp sức mạnh cho các công nghệ của ngày nay và của tương lai” - Tổng thống Biden nói trong một cảnh báo cho người Mỹ hồi năm ngoái.
Trên thực tế, Washington đã cố gắng làm thay đổi cán cân đất hiếm thông qua viện trợ tài chính khổng lồ. Vào năm 2020, MP Materials - chủ khai thác mỏ đất hiếm Mountain Pass mới được hồi sinh gần đây ở vùng sa mạc phía Nam California - đã nhận được khoản tài trợ trị giá 9,6 triệu USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ, để xây dựng các cơ sở phân tách các nguyên tố đất hiếm nhẹ tại Mountain Pass.
Sau đó, theo lệnh hành pháp năm 2021 của chính quyền Biden, Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2022 tiếp tục trao cho MP Materials thêm 35 triệu USD để hỗ trợ công ty trong việc xây dựng các cơ sở chế biến giai đoạn 2, như máy sấy và rang quặng, tại mỏ Mountain Pass.
Lầu Năm Góc được cho là đặc biệt quan tâm bởi các nguyên tố đất hiếm nặng rất quan trọng đối với vũ khí và phương tiện chiến đấu tiên tiến như tên lửa và tàu ngầm.
Dự kiến Chính phủ Washington sẽ có nhiều hỗ trợ tài chính hơn nữa cho MP Materials, một khi dự luật về đất hiếm đang được Quốc hội Mỹ thảo luận nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Luật sẽ tạo ra khoản tín dụng thuế sản xuất từ 20 USD/kg trở lên đối với nam châm đất hiếm sản xuất tại Mỹ.
Vào năm ngoái, mỏ Mountain Pass chiếm toàn bộ thị phần của Mỹ trên bản đồ sản lượng đất hiếm thế giới. Nhưng câu chuyện về công ty chủ quản MP Materials cũng phần nào cho thấy sự phức tạp trong quan hệ Mỹ - Trung và sự phụ thuộc lẫn nhau của 2 nền kinh tế hàng đầu, bất chấp những căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng.
Khách hàng chính của MP Materials, cũng là cổ đông lớn thứ 4 của công ty Mỹ này, là Shenghe Resources Holding - một công ty khai thác và chế biến đất hiếm được Bắc Kinh hậu thuẫn, niêm yết ở Thượng Hải.
Tất cả những điều này làm cho sự hồi sinh của mỏ lộ thiên Mountain Pass ở Mỹ được mô tả như một “chiến trường thu nhỏ” trong cuộc đấu tranh toàn cầu để giành ưu thế công nghiệp lúc này. Nhưng nó thật sự đã ở mức độ “toàn cầu”?
Thật vậy, đó là khi những “tay chơi” đất hiếm mới đang dần nhập cuộc, dưới sự dẫn dắt của Mỹ.
Sau chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Washington, New Delhi tỏ ra đã sẵn sàng tham gia Đối tác An ninh Khoáng sản (MSP) - một sáng kiến mới đầy tham vọng được Mỹ khởi xướng vào tháng 6/2022, nhằm củng cố chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng.
Tham gia MSP, Ấn Độ - quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 5 thế giới - sẽ tạo thành một liên minh với 12 quốc gia khác, cùng Liên minh châu Âu (EU).
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cuoc-dua-dat-hiem-da-nong.html