Cuộc đua đầu tư xanh vào ASEAN

Năm thị trường lớn về năng lượng sạch trong khu vực thuộc về Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam

Theo một báo cáo mới được công bố hôm 20-5 bởi tổ chức nghiên cứu khí hậu và năng lượng Zero Carbon Analytics, các nhà đầu tư châu Á đang thể hiện mối quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực năng lượng sạch ở ASEAN, với số lượng dự án tăng trung bình 15% mỗi năm kể từ năm 2020, cao hơn mức trung bình 11% của toàn cầu. Tổng mức đầu tư này đạt tới 43 tỉ USD trong năm 2022.

Theo báo cáo, các nhà đầu tư năng lượng sạch lớn nhất ở ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc trong khi 5 thị trường lớn trong khu vực thuộc về Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, cũng là các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại đây.

Về mặt đầu tư công, vị trí dẫn đầu thuộc về Trung Quốc với hơn 2,7 tỉ USD trong giai đoạn 2013-2023, tiếp sau là Nhật Bản (2,45 tỉ USD), Hàn Quốc (583 triệu USD) và Úc (51 triệu USD). Hai lĩnh vực mà Trung Quốc quan tâm nhất là điện gió và thủy điện với mức đầu tư lần lượt là 1,28 tỉ USD và 1,1 tỉ USD. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất khu vực vào địa nhiệt và năng lượng mặt trời, với mức đầu tư đạt 1,3 tỉ USD và 142 triệu USD trong cùng thời gian. Nhật Bản và Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai và thứ ba vào thủy điện, lần lượt đạt 641 triệu USD và 514 triệu USD.

Một công nhân kiểm tra định kỳ các tấm pin mặt trời tại một trạm quang điện ở Kedah - Malaysia vào tháng 6-2024 Ảnh: TÂN HOA XÃ

Một công nhân kiểm tra định kỳ các tấm pin mặt trời tại một trạm quang điện ở Kedah - Malaysia vào tháng 6-2024 Ảnh: TÂN HOA XÃ

Trung Quốc cũng dẫn đầu về thương mại năng lượng sạch với 5 quốc gia Đông Nam Á nói trên, ở mức 4,3 tỉ USD, được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu pin EV, mô-đun năng lượng mặt trời và linh kiện trong năng lượng gió. Trong khi đó, Hàn Quốc dẫn đầu về xuất khẩu linh kiện pin sang Indonesia và Malaysia; còn Nhật Bản là nước xuất khẩu xe buýt và xe điện lớn nhất sang Philippines. Trong số 5 nước trên, Indonesia nhận được nhiều vốn đầu tư công nhất, đạt 3,54 tỉ USD giai đoạn 2013-2023, tiếp theo là Thái Lan (1,3 tỉ USD) và Việt Nam (694 triệu USD). Các bộ dữ liệu của báo cáo được cung cấp bởi tổ chức Chuyển đổi dầu mỏ quốc tế (OCI), Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Viện Lowy.

Có nhiều lý do phía sau dòng chảy đầu tư xanh này. Theo báo cáo của Zero Carbon Analytics, nhu cầu điện của khối ASEAN dự kiến tăng tới 41% vào cuối thập kỷ, công suất năng lượng tái tạo tăng 300% - 500% vào năm 2035. Chính vì vậy, ASEAN cần đầu tư nước ngoài cho tiến trình chuyển đổi năng lượng. ASEAN đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 23% nguồn cung năng lượng sơ cấp vào năm 2025, nhưng hiện mới đạt 19,6%. Mục tiêu 23% đó đòi hỏi khoản đầu tư 27 tỉ USD hằng năm nhưng thực tế họ chỉ nhận được khoảng 8 tỉ USD mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2021.

Một lý do khác giúp ASEAN thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch là nhờ có chính sách mời gọi và minh bạch. Đầu tư vào năng lượng sạch cũng có thể là một chiến lược để các quốc gia tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng, dồi dào của khu vực như năng lượng mặt trời, gió và các khoáng sản đất hiếm tiềm năng… Thêm vào đó, các nhà đầu tư có thể đạt được các mục tiêu khí hậu của chính họ. Ví dụ một dự án phát triển hydro xanh tại bang Sarawak - Malaysia do Nhật Bản đầu tư sẽ tạo ra nguồn hydro đủ để tái xuất khẩu về Nhật Bản, giúp họ đạt các mục tiêu quốc gia về hydro.

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-dua-dau-tu-xanh-vao-asean-196250521215644207.htm