Cuộc đua du lịch vũ trụ của các công ty tư nhân
Trong thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21, cuộc chạy đua chinh phục vũ trụ thường được hiểu như là cuộc đua riêng của các cường quốc như Mỹ, Liên Xô (sau này là Nga), Trung Quốc và châu Âu. Tuy vậy, bắt đầu từ khoảng mười năm trở lại đây, nhân loại đã chứng kiến một xu thế mới, đó là việc các công ty tư nhân đang dần giành lấy vị trí trung tâm trong cuộc đua này.
Việc tham gia của khối tư nhân với tiềm lực hùng hậu và những ý tưởng đột phá đã và đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong cuộc đua thám hiểm không gian và phá bỏ độc quyền của các cơ quan hàng không vũ trụ được sự bảo hộ của chính phủ.
Ngoài ra, theo phân tích của NASA, việc cho các công ty tư nhân tham gia lĩnh vực vũ trụ sẽ tiết giảm chi phí đưa con người vào không gian từ 4 đến 10 lần so với trước đây và qua đó tạo cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ vũ trụ cho nhiều người hơn.
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về ba công ty tiêu biểu nhất đã thành công trong việc đưa con người vào vũ trụ, đó là SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson và Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos.
SpaceX - hiện thực hóa giấc mơ bay vào sao Hỏa
SpaceX là một công ty hàng không vũ trụ có trụ sở tại thành phố Hawthorne, bang California, Hoa Kỳ. Người sáng lập và cũng là linh hồn của SpaceX là tỷ phú Elon Musk, người đồng thời là ông chủ của công ty xe điện lớn nhất thế giới Tesla. Elon Musk thành lập SpaceX vào năm 2002 với mục tiêu thực hiện các chuyến bay vũ trụ, dịch vụ vận tải không gian và xa hơn là bay đến các hành tinh khác như sao Hỏa.
Để hiện thực hóa giấc mơ bay đến sao Hỏa, SpaceX đã phát triển một chuỗi các loại tên lửa có thể tái sử dụng, bao gồm tên lửa đẩy Falcon 1, Falcon 9 và Falcon Heavy. Ngoài ra, công ty cũng đã phát triển thành công tàu không gian Dragon và Crew Dragon để thực hiện các hợp đồng vận chuyển hàng hóa và phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS với NASA.
Thành công đã không đến với SpaceX một cách dễ dàng. Năm 2006, NASA trao hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hóa và phi hành đoàn cho công ty để thiết kế, chế tạo và phóng một tàu vận chuyển hàng hóa nhằm cung cấp cho ISS.
Sau một thời gian nghiên cứu, lắp ráp và chế tạo, công ty đã cho ra đời tên lửa Falcon 1, một tên lửa nhỏ hai tầng với tầng thứ nhất được trang bị một động cơ Merlin và tầng thứ hai được trang bị động cơ Kestrel. Tuy vậy, ba lần phóng thử đầu tiên của Falcon 1 từ năm 2006 đến năm 2008 đều thất bại, đẩy SpaceX đến bờ vực phá sản vì hết kinh phí. Mọi thứ chỉ bắt đầu trở nên tốt hơn sau thành công của lần phóng thử thứ tư vào ngày 28 tháng 9 năm 2008.
Việc chế tạo và thử nghiệm thành công tên lửa Falcon 1 là bước đệm để SpaceX phát triển các loại tên lửa đẩy có trọng tải lớn hơn và cùng với đó là khả năng có thể thu hồi được một phần nhằm giảm tải chi phí như Falcon 9 và Falcon Heavy. Ngày 21 tháng 12 năm 2015, SpaceX phóng một tên lửa Falcon 9 vào không gian và hạ cánh một phần của nó trở về mặt đất, trong trạng thái hoàn toàn nguyên vẹn.
Không chỉ tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong việc chế tạo tên lửa tái sử dụng, thành công nói trên có sức ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của ngành hàng không vũ trụ. Như tiết lộ của tỷ phú Elon Musk, toàn bộ chi phí cho nhiệm vụ phóng một tên lửa Falcon 9 mới vào không gian rơi vào khoảng 62 triệu đô la Mỹ. Nhưng giờ đây, qua việc tái sử dụng tên lửa, con số này có thể giảm xuống rất nhiều, chỉ còn khoảng 15 triệu đô la Mỹ, thậm chí thấp hơn.
Tiếp sau đó, vào ngày 31 tháng 5 năm 2020, SpaceX đã thực hiện thành công chuyến bay lịch sử bằng tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Crew Dragon để vận chuyển các phi hành gia NASA lên ISS và đưa họ trở lại Trái Đất. Buổi phóng tàu này cũng đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng khi là lần đầu tiên sau gần một thập kỷ các phi hành gia bay vào không gian trên một chuyến bay xuất phát từ lãnh thổ Hoa Kỳ. Đặc biệt hơn, chuyến bay đó không chỉ là chuyến bay có người lái đầu tiên của SpaceX mà còn là lần đầu tiên một tàu vũ trụ do một công ty tư nhân phát triển chở người lên ISS và quay trở về một cách an toàn.
Hiện tại, SpaceX đang trong quá trình phát triển một loại tên lửa tái mới mạnh mẽ hơn, cũng như mẫu tên lửa kiêm tàu vũ trụ Starship với khả năng tái sử dụng hoàn toàn, nhằm đưa cùng lúc 100 người lên sao Hỏa.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, Elon Musk đã khẳng định mục tiêu dài hạn của SpaceX giờ đây là chinh phục sao Hỏa và đưa người lên đây sớm nhất vào năm 2026. Ngoài ra, SpaceX cũng đang phát triển một hệ thống vệ tinh siêu lớn với tên gọi Starlink nhằm mục đích cung cấp dịch vụ Internet thương mại trên toàn cầu.
Virgin Galactic - du lịch không gian
Được thành lập vào năm 2004 bởi ông chủ Tập đoàn Virgin, tỷ phú người Anh Richard Branson. Khác với mục tiêu của SpaceX và Blue Origin, Virgin Galatic là doanh nghiệp được lập ra với mục tiêu thống trị ngành du lịch vũ trụ trên thế giới.
Các chuyến bay của Virgin Galatic sẽ sử dụng tàu vũ trụ VSS Unity với sức chứa khoảng 6 hành khách cùng thành viên phi hành đoàn. Trên thực tế, VSS Unity chỉ được coi là máy bay vũ trụ cận quỹ đạo, nghĩa là nó không đạt đủ tốc độ để thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái Đất. Thay vào đó, thiết bị bay này phải được bệ phóng tên lửa đưa lên một độ cao nhất định, sau đó thả để bay lên không gian xa hơn bằng tên lửa đẩy của chính nó.
VSS Unity sẽ bay với tốc độ gấp 3 lần âm thanh, khoảng 3.700km/h, lên độ cao hơn 80km và cho phép hành khách trải nghiệm cảm giác không trọng lực trong một khoảng thời gian ngắn. Vì độ cao giới hạn của tàu VSS Unity, đã có một cuộc tranh luận rằng liệu các chuyến bay của Virgin Galactic có đủ điều kiện để được coi như là một chuyến bay vũ trụ hay không. Tuy vậy, NASA đã xác nhận độ cao 80km có thể được coi là ranh giới không gian khi nó là độ cao tối thiểu mà tại đó một vệ tinh trên một quỹ đạo Trái Đất hình elip có thể đạt và duy trì được tốc độ của nó.
Vào ngày 11 tháng 7 năm 2021, tàu VSS Unity SpaceShipTwo đã thực hiện thành công chuyến bay vào rìa vũ trụ, mang theo phi hành đoàn bao gồm các phi công David Mackay và Michael Masucci cùng các hành khách Sirisha Bandla, Colin Bennett, Beth Moses và tỷ phú Richard Branson. Sau chuyến thử nghiệm này, Virgin Galactic đang có kế hoạch khai trương dịch vụ du lịch vũ trụ trong năm 2022. Mục tiêu dài hạn của công ty là thống trị thị trường du lịch vũ trụ thông qua dòng máy bay vũ trụ VSS Unity SpaceShipTwo. Giá vé cho mỗi chuyến đi này sẽ rơi vào khoảng 250 nghìn đô la Mỹ một người.
Blue Origin - sẽ đưa con người trở lại Mặt Trăng?
Blue Origin được thành lập năm 2000 bởi người sáng lập của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon, tỷ phú Jeff Bezos. Công ty có trụ sở chính tại thành phố Kent, tiểu bang Washington này hoạt động thầm lặng nhiều năm sau khi thành lập và chỉ thực sự thu hút sự chú ý của công chúng vào năm 2010 khi giành được hợp đồng phát triển trong chương trình Phi hành đoàn Thương mại của NASA. Kể từ đó đến nay, công ty đã đạt được nhiều thành tựu mà mới nhất là chuyến bay vào rìa vũ trụ ngày 20 tháng 7 năm 2021.
Chuyến bay vào ngày 20 tháng 7 năm ngoái chở theo tỷ phú Jeff Bezos, anh trai ông là Mark Bezos, nữ phi hành gia huyền thoại 82 tuổi Wally Funk và sinh viên Hà Lan 18 tuổi Oliver Daemen, đến không gian dưới quỹ đạo, sau đó quay trở lại. New Shepard, tên lửa được Blue Origin sử dụng trong chuyến bay đó được đặt tên theo tên phi hành gia người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ Alan Shepard. Đây là một loại tên lửa thân thiện với môi trường khi nhiên liệu được sử dụng là sự kết hợp hydro lỏng và ôxy lỏng trong động cơ để tạo ra lực đẩy, đồng nghĩa với việc khí thải chính sẽ là nước và một số sản phẩm đốt cháy nhỏ và hầu như không có CO2.
Mục tiêu hiện nay của Blue Origin là có thể chở con người du lịch vũ trụ ở rìa không gian. Trong tương lai, Blue Origin hướng mục tiêu tiếp cận không gian với chi phí thấp, đáng tin cậy thông qua các phương tiện phóng có thể tái sử dụng. Nhưng so với Virgin Galactic, tham vọng của Blue Origin còn vượt xa không gian cận quỹ đạo trong tương lai. Công ty hiện phát triển một tên lửa tái sử dụng khổng lồ mang tên New Glenn để chở người và hàng hóa cho các chương trình không gian của NASA. Chuyến bay đầu tiên của tên lửa này dự kiến sẽ được tiến hành trong năm nay.
Ngoài ra, Blue Origin còn đứng đầu "The National Team", một liên doanh tư nhân của bốn “ông lớn” về hàng không vũ trụ bao gồm Blue Origin, Lockheed Martin, Northrop Grumman và Draper, nhằm thiết kế các hệ thống và thiết bị cho chương trình đưa con người trở lại Mặt Trăng của NASA sắp tới.