Cuộc đua dự World Cup U-17 giữa U-17 Việt Nam, Thái Lan và Indonesia
U-17 Việt Nam mang sứ mệnh giành vé dự vòng chung kết World Cup U-17 năm 2025, cơ hội tăng gấp đôi, nhưng thách thức tột cùng.
Ở vòng chung kết U-17 châu Á, cũng là vòng loại World Cup U-17, U-17 Việt Nam rơi vào bảng B cùng với Nhật Bản, Úc và UAE, một bảng đấu cũng bình thường nếu nhìn ở góc độ bóng đá trẻ của châu lục.
LĐBĐ thế giới (FIFA) đã tăng ngay số đội dự World Cup U-17 lên con số 48 đội, VCK U-17 châu Á có 16 đội (4 bảng) thì tám đội vượt qua vòng bảng vào tứ kết cũng có vé đi World Cup 2025 tại Qatar. Đây lại là một cơ hội tốt khác cho đội trẻ Việt Nam mà trước đây chỉ có mỗi thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn của U-19 Việt Nam vượt qua vòng loại để có vé dự World Cup U-20 năm 2017 tại Hàn Quốc.
U-17 Việt Nam chưa có HLV trưởng
HLV Cristiano Ronald đã dẫn dắt U-17 Việt Nam lọt vào vòng chung kết U-17 châu Á. Ông đã rời SHB Đà Nẵng nhưng không quay lại đội U-17 Việt Nam.
Hiện nay, LĐBĐ Việt Nam (VFF) chưa công bố HLV trưởng dẫn dắt U-17 Việt Nam chuẩn bị cho VCK U-17 châu Á từ ngày 3 đến 20-4 tại Saudi Arabia. Thời gian không còn nhiều, đội trẻ Việt Nam cần sớm có “thuyền trưởng” mới nhằm tiếp cận với cơ hội một cách tốt nhất qua công tác tập luyện, tập huấn, thi đấu giao hữu quốc tế, nghiên cứu đối thủ...
Chỉ còn hai tháng nữa là VCK U-17 châu Á diễn ra, nếu U-17 Việt Nam chuẩn bị quá muộn thật khó để có thành tích, cụ thể là cơ hội dự World Cup U-17 tại Qatar. Một thể hệ trẻ dự những giải đấu lớn thường thì đó là “thế hệ vàng” của đội tuyển quốc gia sau này. Đội tuyển Việt Nam hiện nay là như thế khi có rất nhiều tuyển thủ từng trải qua các VCK châu lục rồi.
Lần này thì cơ hội dự World Cup của U-17 Việt Nam sáng hơn khi có vé vào tứ kết là đạt mục tiêu. Tám năm về trước, U-19 Việt Nam đánh bại chủ nhà Bahrain 1-0 ở tứ kết để vào bán kết U-19 châu Á mới có vé đi World Cup.
VCK châu lục thì không có đội nào yếu. Bảng B ngoài Nhật Bản quá mạnh thì ba đội còn lại gồm Úc, Việt Nam và UAE đều có cơ hội ngang nhau. Do đó, tài cầm quân của HLV trưởng, việc được thi đấu cọ xát với các đối thủ chất lượng trước giải, xây dựng con người, lối chơi hợp lý thì không gì là không thể với U-17 Việt Nam. Các tuyến trẻ Việt Nam ra sân chơi châu lục cũng đã từng gây “địa chấn” như U-23 Việt Nam vào chung kết U-23 châu Á năm 2018. Mục tiêu săn vé dự World Cup của U-17 Việt Nam là không hề đơn giản nhưng trải nghiệm ở sân chơi lớn là điều cực tốt để cả trò lẫn thầy đều tiến bộ dẫu có thất bại.
Đối thủ không yếu nhưng cũng không quá mạnh
U-17 Việt Nam xác định hai đối thủ lớn nhất ở bảng B là UAE và Úc. Bóng đá Việt Nam từng thắng các đội trẻ Úc nhiều lần từ U-16, U-19 và thậm chí là U-23 (U-23 châu Á 2018). Đội U-17 Úc hiện nay do HLV Brad Meloney dẫn dắt. HLV Brad Melony rất quen mặt với bóng đá Đông Nam Á. Vị HLV người Úc này từng dẫn U-18 Malaysia sang TP.HCM dự giải U-18 Đông Nam Á, rồi ông cũng dẫn U-23 Malaysia sang Việt Nam dự SEA Games 31, thua U-23 Việt Nam ở bán kết.
Còn với UAE, đây là quốc gia có bóng đá trẻ không mạnh. Nếu U-17 Việt Nam có đấu pháp hợp lý và sự bất ngờ thì hoàn toàn có thể khuất phục được đội bóng trẻ này.
Nhìn chung với bảng B, Ban huấn luyện U-17 Việt Nam cần phải xác định “cương” và “nhu” với ai. U-17 Việt Nam mà “gồng lên” chơi với Nhật Bản là điều không khôn ngoan. Nhưng với Úc và UAE, U-17 Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này để có những chiến thắng bằng đấu pháp hợp lý của HLV.
Vấn đề là khi chọn một HLV trưởng cho đội trẻ Việt Nam tham dự giải đấu quốc tế lớn như VCK châu Á cũng là vòng loại World Cup phải cân nhắc kỹ lưỡng nhiều góc độ. Ở đó, đội trẻ Việt Nam có khả năng tiếp cận cơ hội đi World Cup thì buộc HLV trưởng phải giỏi, giàu kinh nghiệm, cùng nhiều thứ khác chứ không phải “quăng” những HLV thiếu kinh nghiệm ra sân chơi lớn.
VCK U-17 châu Á năm 2025 vào tháng 4 tới, Đông Nam Á có ba đại diện gồm Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Ba đội ở ba bảng đấu khác nhau và cùng có mục tiêu giành vé dự World Cup. Đây là mục tiêu vô cùng khó khăn nhưng các đội bóng trẻ của Đông Nam Á nếu có sự chuẩn bị tốt thì không gì là không thể.
VCK U-17 châu Á tới đây cũng là sự cạnh tranh giữa của ba nền bóng đá lớn ở Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia xem họ có thành tích ra sao tại sân chơi châu lục và có đoạt vé dự World Cup hay không...
Lịch đấu ở bảng B VCK U-17 châu Á của U-17 Việt Nam
Ngày 4-4: Việt Nam - Úc (22 giờ, sân Okadh Sport)
Ngày 7-4: Việt Nam - Nhật Bản (22 giờ, sân Okadh Sport)
Ngày 10-4: Việt Nam - UAE (22 giờ, sân King Fahd Sport City)