Cuộc đua giành ngôi vương của ngành bán dẫn thế giới

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của công ty điện tử và bán dẫn Tokyo Electron, Toshiki Kawai, dự đoán thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2050.

Theo ông Toshiki Kawai, trước đây thị trường bán dẫn có một chu kỳ tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự ra mắt của các sản phẩm mới như máy tính cá nhân và sau đó là điện thoại thông minh, Internet vạn vật, điện toán đám mây. Thị trường chất bán dẫn thế giới hiện đang ở làn sóng thứ hai, với động lực tăng trưởng đến từ những công nghệ như trí tuệ nhân tạo và lái xe tự động. Các làn sóng tiếp theo sẽ là công nghệ lượng tử và viễn thông 6G và 7G.

Biểu tượng Intel tại một trung tâm triển lãm ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng Intel tại một trung tâm triển lãm ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp ba lần công suất sản xuất chất bán dẫn và kiểm soát gần 30% hoạt động sản xuất chip tiên tiến vào năm 2032 một phần nhờ Đạo luật CHIPS và Khoa học. Mỹ có thể tăng thị phần chip tiên tiến, những chip dưới 10 nanomet (nm) dành cho các ứng dụng như điện thoại thông minh mới nhất, lên 28% vào năm 2032, trong khi Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ chiếm 2% trong danh mục đó trong cùng thời gian.

Năm 2022, năng lực sản xuất chip dưới 10 nm toàn cầu do vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc thống trị với thị phần lần lượt là 69% và 31%. Việc Mỹ bắt kịp dự kiến sản lượng chip đã đề ra một phần là nhờ Đạo luật CHIPS và Khoa học mà Chính phủ Mỹ đã thông qua vào năm 2022 nhằm tăng cường năng lực sản xuất chip của nước này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Đạo luật CHIPS và Khoa học vào tháng 8/2022, cung cấp 76 tỷ USD trong thời gian 5 năm để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn. Mỹ chỉ sản xuất 12% chất bán dẫn của thế giới mặc dù thiết kế tới 47% chất bán dẫn được bán trên toàn cầu.

Mỹ chỉ chiếm 10% công suất sản xuất chip của thế giới vào năm 2022, phần còn lại chủ yếu thuộc về châu Á. Tuy nhiên, Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh công suất nhà máy trong thập kỷ tới. Theo báo cáo, Mỹ dự kiến sẽ nắm giữ 14% công suất sản xuất chip của thế giới vào năm 2032, trong khi Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc sẽ tiếp tục dẫn đầu về công suất chế tạo tấm bán dẫn toàn cầu với công suất lần lượt là 21% và 17% vào năm 2032.

Số liệu của SIA cho thấy doanh số bán hàng của ngành bán dẫn toàn cầu đạt 49,1 tỷ USD trong tháng 5/2024, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,1% so với tháng 4/2024. Theo ông John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SIA, thị trường bán dẫn toàn cầu duy trì đà tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2024 và doanh số tháng 5/2024 tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2022.

Hồi tháng 6/2024, Tổ chức thống kê kinh doanh bán dẫn thế giới (WSTS) dự báo thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng 16% năm 2024 và 12,5% năm 2025. Theo WSTS, trong năm 2024, châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 25,1% và 17,5%. Còn châu Âu ước tính sẽ tăng trưởng 0,5%, trong khi Nhật Bản dự kiến giảm nhẹ 1,1%. Bước sang năm 2025, tất cả các khu vực trên thế giới đều tiếp tục tăng trưởng, trong đó châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng hai chữ số.

Anh Quân (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cuoc-dua-gianh-ngoi-vuong-cua-nganh-ban-dan-the-gioi/348081.html